Đắk Lắk: Tiểu thương ngồi 'ế xưng' ở chợ tiền tỷ

Nhiều tiểu thương buôn bán tại chợ mới ở thị trấn Ea Đrăng (huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) phải “đuổi ruồi” hàng ngày khi chợ mới không khách, còn chợ cũ không được di dời triệt để.

Hàng hóa ế ẩm...chỉ để "đổ cho heo ăn"!

dak lak tieu thuong ngoi e xung o cho tien ty
Chợ mới đìu hiu vì không có người mua.

Công trình chợ Trung tâm thị trấn Ea Đrăng được UBND tỉnh Đắk Lắk chủ trương xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa của doanh nghiệp. Do Công ty Cổ phần Đầu tư Quản lý chợ Ea H’leo làm chủ đầu tư với quy mô xây dựng 16.211m2 có 427 ki ốt với tổng mức đầu tư là trên 32,8 tỷ đồng.

Trong đó, khu chợ lồng B với mức đầu tư hơn 14,6 tỷ đồng. Đến đầu năm 2016, chợ lồng B được hoàn thành và đi vào hoạt động. Theo đó, các tiểu thương phải di dời từ chợ cũ vào chợ mới trước ngày 24/4/2016.

Sau khi được chính quyền vận động, hơn 100 tiểu thương ở chợ cũ đã chấp nhận thuê ki ốt ở chợ mới kinh doanh. Nhìn cơ sở vật chất khang trang của chợ mới, người dân ai nấy đều hy vọng khi chuyển đến đây việc kinh doanh sẽ khởi sắc hơn. Nhưng thực tế lại hoàn toàn trái ngược, chỉ sau vài ngày kinh doanh nhiều hộ đã phải chạy ngược lại chợ cũ vì hàng quán ế ẩm, người bán đông hơn người mua.

Ông Phạm Văn Chiến (bán vàng mã) cho biết, từ ngày lên chợ mới, các tiểu thương vô cùng khó khăn khi người bán gấp 5 lần người mua. “Tết nhất còn mấy hôm nữa đến rồi, cứ như thế này chúng tôi lấy tiền đâu mà trả nợ, giờ biết kêu ai cho thấu”, ông Chiến buồn bã nói.

Chị Nguyễn Thị Nhật (buôn bán cá) cho biết, khi ở chợ cũ ngày ế nhất chị cũng bán được 5kg cá. “Khi xuống chợ mới, tôi chỉ lấy về 5kg, nhưng ế mất 2kg rồi. Có hôm ế hơn phải mang về đổ cho heo ăn. Tình trạng này kéo dài, chắc tôi bỏ nghề vì thua lỗ mất”.

Theo chị Nhật, việc kinh doanh của chị và các tiểu thương ế ẩm là do chính quyền hứa dẹp chợ cũ để lên chợ mới kinh doanh nhưng không triệt để. Đến bây giờ vẫn còn 12 hộ ở chợ cũ buôn bán các mặt hàng tươi sống như thịt cá, rau củ… nên ít người ghé vào chợ mới để mua bán.

Mặc dù ở khu chợ cũ của thị trấn Ea Đrăng có một tấm biển “Khu vực cấm dừng đỗ xe, mua bán hàng tươi sống, gia súc, gia cầm”. Thế nhưng, hai bên đường hàng loạt các quầy hàng buôn bán cá, thịt... với vô số người mua kẻ bán.

Cùng chung cảnh ngộ với chị Nhật, chị Nguyễn Thị Hà (tiểu thương bán thịt heo) bức xúc, khi lực lượng chức năng ra quân, làm việc quyết liệt để các hộ di dời lên chợ mới, lúc đó chỉ còn vài hộ, nhưng hiện nay con số này đã nhân lên gấp nhiều lần.

“Do biết chợ cũ quen người, quen hàng, nhiều người đến mua nên các tiểu thương lại về đó buôn bán. Tôi rất mong, các cấp chính quyền nhanh chóng di dời hết những tiểu thương đang kinh doanh ở chợ cũ lên chợ mới để mọi người được cạnh tranh công bằng”, chị Hà chia sẻ.

“Vận động di dời, chứ không thể cấm”

dak lak tieu thuong ngoi e xung o cho tien ty
Mặc dù có biển cấm họp chợ, kinh doanh nhưng nhiều người vẫn ngang nhiên buôn bán hàng hóa.

Không chỉ gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh, buôn bán của các tiểu thương. Việc di dời không dứt khoát còn khiến cho đơn vị chủ đầu tư gặp không ít tổn thất. Theo tìm hiểu, trung bình mỗi tiểu thương thuê ki ốt phải đóng 45 triệu trong vòng 10 năm. Nhưng đa số các tiểu thương đều chưa đóng đủ do buôn bán ế ẩm.

Ông Huỳnh Thiên Tử, Phó Ban quản lý chợ Ea H’leo cho biết, các tiểu thương ở chợ mới buôn bán ế ẩm nên nhiều người đã di dời xuống chợ cũ buôn bán.

“Việc bà con không buôn bán được cũng gây thất thu cho công ty vì số đông các tiểu thương không đủ tiền đóng tiền thuê ki ốt. Tôi mong các cấp chính quyền quan tâm, xử lí triệt để giúp tiểu thương an tâm buôn bán, công ty có nguồn vốn để đầu tư các hạng mục chưa hoàn thành”, ông Tử nói.

Trao đổi về vấn đề di dời chợ cũ không triệt để, ông Trương Văn Đức, Chủ tịch UBND thị trấn Ea Đrăng cho biết, từ tháng 7/2015 đến nay, lực lượng bảo vệ dân phố, đội trật tự đô thị và môi trường, công an thị trấn… đã ra quân thường xuyên nhằm ổn định trật tự và nghiêm cấm các hộ kinh doanh ở chợ cũ. Lực lượng chức năng đã tiến hành xử phạt hơn 300 trường hợp vi phạm. Cao điểm nhất chỉ còn lại 13 hộ kinh doanh buôn bán.

“13 hộ kinh doanh đó, chủ yếu buôn bán trước cửa nhà họ nên rất khó xử lí và di dời đi nơi khác. Người dân bán mặt hàng không bị nhà nước cấm nên chúng tôi chỉ có thể thuyết phục, vận động chứ không thể cấm”, ông Đức cho biết thêm.

Cũng theo lời ông Đức, gọi là chợ cũ nhưng thực thực chất đây là khu bán hàng tự phát, do bà con lấn chiếm, bày bán giữa lòng đường. “Trong thời gian qua chi phí cho việc lập lại trật tự đã tiêu tốn khoảng 900 triệu đồng. Lực lượng túc trực thường xuyên, có khi cao điểm lên đến 30 người nhưng khi lực lượng chức năng đi khỏi, các hộ kinh doanh lại bày bán nên rất khó xử lí”, ông Đức thông tin.

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.