Dân thành phố về quê đấu giá đất lên cao rồi bỏ cọc: Có nên hạn chế quyền tham gia đấu giá?

Tình trạng giới “đầu nậu”, “cò đất” đấu giá đất lên cao rồi bỏ cọc diễn ra tại nhiều địa phương, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội, đòi hỏi cơ quan quản lý phải tìm ra giải pháp ngăn chặn.

Trúng đấu giá rồi bỏ cọc hàng loạt

Sau khoảng thời gian quay cuồng trong cơn sốt đất, giá bất động sản ở các vùng quê đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Nhiều địa phương đã ghi nhận tình trạng người trúng đấu giá đất bỏ cọc. 

Theo báo Nghệ An, vừa qua UBND huyện Diễn Châu đã có quyết định hủy bỏ kết quả trúng đấu giá đất và thu nộp ngân sách Nhà nước số tiền đặt cọc của khách hàng tham gia đấu giá quyền sử dụng đất các lô đất tại vùng quy hoạch dân cư các xã Diễn Vạn, Diễn Đồng, Diễn Phúc, Diễn Bích và Diễn Mỹ.

Trước đó, từ ngày 28/1, các xã này được huyện UBND Diễn Châu phê duyệt kết quả trúng đấu giá một số khu vực quy hoạch diện tích đất ở.

Thời điểm đấu giá đất, lượng người tham gia đông, đất đấu giá tăng cao so với giá đất bình thường tại địa phương. Tuy nhiên, có khá nhiều hộ gia đình, cá nhân được công nhận trúng đấu giá quyền sử dụng đất đã không nộp tiền, hoặc nộp không đủ tiền theo thời gian quy định.  

Thống kê cho thấy, 73 lô đất với tổng diện tích 13.418,74 m2 đã bị bỏ cọc. Những người trúng đấu giá đặt cọc số tiền từ 110 - 385 triệu đồng/lô, tổng số tiền cọc thu được trên 15 tỷ đồng.

Đáng chú ý, một cá nhân đến từ Hà Nội đã trúng đấu giá 19 lô đất với số tiền cọc 7,3 tỷ đồng. Tuy nhiên sau đó người này cũng đã "bỏ cọc". 

Một phiên đấu giá đất đầu tháng 4/2022 ở Nghệ An có người tham gia chật kín hội trường. (Ảnh: Báo Nghệ An).

UBND huyện Diễn Châu quyết định hủy bỏ kết quả trúng đấu giá đất đối với các lô đất trên, đồng thời thu nộp ngân sách Nhà nước số tiền đặt cọc của khách hàng. 

Về vấn đề này, ông Chu Duy Phong, Trưởng phòng Tài chính và Kế hoạch huyện Diễn Châu cho biết, nguyên nhân nhiều nhà đầu tư bỏ cọc là sau thời gian “sốt” đất, hiện nay thị trường đất đang lắng xuống, trong khi một số nhà đầu tư không vay được tiền ở ngân hàng để giao dịch.

Không chỉ riêng huyện Diễn Châu của tỉnh Nghệ An, tình trạng đấu giá đất với giá cao sau đó bỏ cọc cũng diễn ra tại nhiều địa phương khác. 

Đơn cử, tại thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, chính quyền địa phương cũng vừa ban hành ba quyết định về việc hủy bỏ kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với các thửa đất tại khối phố Ngọc Tam, phường Điện An do người trúng đấu giá chậm nộp tiền sử dụng đất theo quy định. Để tham gia đấu giá, cá nhân này đã đặt trước tổng số tiền hơn 1,5 tỷ đồng. 

Trước đó, hồi tháng 11, UBND thị xã Điện Bàn cũng đã ra 11 quyết định hủy kết quả trúng đấu giá của một cá nhân ở Đà Nẵng đối với 11 lô đất diện tích từ 118 - 134 m2 tại khu Lô Tháp, thôn Lạc Thành Nam, xã Điện Hồng. Lý do là người trúng đấu giá chậm nộp tiền sử dụng đất theo quy định.

11 lô đất này có giá khởi điểm 5,3 tỷ đồng. Để tham gia đấu giá, cá nhân trên đã nộp tiền cọc 975 triệu đồng. Các lô đất được người này trả giá lên cao gần 13 tỷ đồng, trong đó, nhiều lô được trả giá cao gấp đôi giá khởi điểm. 

"Giá đất sẽ bị đẩy cao, nâng giá trị cổ phiếu, trái phiếu"

Tại nghị trường Quốc hội sáng 1/6, nói về những góc khuất, tiêu cực trong đấu giá quyền sử dụng đất, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho rằng, việc trúng đấu giá rồi bỏ cọc không còn là chuyện hiếm ở nước ta. Không ít nhà đầu tư đã sử dụng chiêu trò thắng đấu giá với mức cao chót vót, sau đó bỏ cọc nhằm kích, thổi giá đất để thao túng thị trường, làm lợi cho một nhóm thiểu số.

Đại biểu cho rằng điều này dẫn đến nhiều hệ lụy như giá đất bị đẩy cao, nâng giá trị cổ phiếu, trái phiếu. Nguy hiểm hơn, có những người còn lợi dụng để “đánh võng” giá trị tài sản bảo đảm cho các khoản vay ngân hàng.

Đặc biệt, việc giá đất bị đẩy lên quá cao cùng với giá ảo sẽ khiến cho giấc mơ an cư của những người có thu nhập thấp càng trở nên xa vời.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy kiến nghị Chính phủ tăng cường kiểm soát chặt chẽ hơn nữa, chỉ đạo thanh tra, kiểm tra thường xuyên hơn đối với hoạt động này.

Bà Thủy cũng kiến nghị Bộ Công an chọn một số phiên đấu giá đất để xác minh, điều tra làm rõ nhằm tăng tính răn đe, phòng ngừa vi phạm, tội phạm trong hoạt động này.

Đề xuất chỉ người trong xã được tham gia đấu giá đất ở nông thôn

Về vấn đề tham gia đấu giá đất, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho rằng, thời gian qua, khi thực hiện quy định đấu giá công khai các lô đất ở tại các địa phương đã xảy ra tình trạng nhiều người trúng đấu giá không phải là người dân tại xã đó, mà là người từ đô thị hoặc các địa phương khác tới tranh mua.

Nhóm người này không có nhu cầu mua đất, xây nhà ở mà chỉ nhằm mục đích bán lại kiếm lãi, trong đó có giới “đầu nậu”, “cò đất”, gây ra các cơn sốt ảo về giá tại địa phương.

Do vậy, HoREA kiến nghị bổ sung vào Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai nội dung: "Thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất khi giao đất ở tại nông thôn cho hộ gia đình, cá nhân đối với người đang thường trú tại xã đó. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân trong xã không tham gia đấu giá thì được đấu giá quyền sử dụng đất cho người ngoài xã”. 

Về vấn đề này, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp nhìn nhận, thực tế nhiều địa phương trên cả nước từng diễn ra hàng chục cơn sốt đất, xuất hiện tình trạng “đầu nậu”, “cò đất” gây ra các cơn sốt ảo.

Có những thửa đất nông nghiệp bị băm nhỏ, để "quăng thóc, lùa gà" bán chênh lên hàng chục triệu đồng/m2 so với giá trị thật. Nếu không ngăn chặn kịp thời việc tự do phân lô, bán nền sẽ dẫn đến lũng đoạn thị trường, gây lãng phí tài nguyên. Hoạt động này không tạo ra phát triển kinh tế mà chỉ gây rối cho phát triển kinh tế địa phương. 

Đề xuất của HoREA là một trong những phương án nhằm ngăn chặn tình trạng này, tuy nhiên Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng phải nghiên cứu kỹ lưỡng và xem xét thận trọng về tính khả thi.

"Để giải quyết triệt để tình trạng sốt đất ảo thì cần phải có các giải pháp đồng bộ về pháp lý, thủ tục hành chính, thanh kiểm tra, xử lý vi phạm… Còn việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên nguyên tắc phải công khai, công bằng cho mọi tổ chức, cá nhân đáp ứng đủ những điều kiện quy định, việc hạn chế đối tượng tham gia có thể vô hình chung hạn chế quyền của công dân", luật sư nhận định. 

Bên cạnh đó, nếu hạn chế quyền tham gia đấu giá như trên thì vẫn có những trường hợp lách luật bằng cách mua đi bán lại giữa những người thường trú ở xã và người ngoài. 

Ngoài ra, có thể có trường hợp người tạm trú ở xã có nhu cầu mua đất thật sự nhưng vì không có hộ khẩu thường trú nên không đủ điều kiện tham gia đấu giá. 

chọn
Nơi quy hoạch tổ hợp nhà ở của HanoiHouse tại ngã tư Nguyễn Phong Sắc - Tô Hiệu
Tại góc ngã tư Nguyễn Phong Sắc - Tô Hiệu có một khu đất hơn 0,2 ha, được quy hoạch cho dự án nhà ở thấp tầng và cao tầng. Chủ cũ của dự án này trước đây là Indeco, sau nhiều năm chậm triển khai đã chuyển giao cho chủ mới là HanoiHouse.