Ngày 8/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có văn bản số 1669/BNN-VP đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý thông tin đăng tải không chính xác về dịch tả lợn châu Phi.
Trước tình trạng một số tài khoản trên mạng xã hội (Facebook) đăng tải thông tin không chính xác về bệnh dịch tả lợn châu Phi gây hoang mang cho người dân, ảnh hưởng đến người chăn nuôi cũng như ngành chăn nuôi, ngày 8/3, Bộ NN&PTNT đã có văn bản số 1669/BNN-VP do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến ký đề nghị Bộ TT&TT xử lý thông tin đăng tải không chính xác về dịch tả lợn châu Phi.
Theo văn bản này, để việc phòng, chống dịch tả lợn châu Phi đạt hiệu quả, đúng yêu cầu, vừa bảo vệ sản xuất, vừa thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm thịt lợn an toàn, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ TT&TT tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những thông tin đăng tải sai sự thật để tránh gây hoang mang trong xã hội.
Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng thông tin kịp thời, chính xác cho người dân về diễn biến tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi và các biện pháp phòng chống dịch theo Chi thị 04/CT-TTg ngày 20/2/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Nông nghiệp kiến nghị xử lý việc đăng tải thông tin không chính xác về dịch tả lợn châu Phi. (Ảnh: BNEWS/TTXVN).
Dưới góc độ pháp lý, hành vi đưa những thông tin thất thiệt, sai lệch lên mạng gây hoang mang dư luận có bị xử lý không?
Theo đó, cùng với công nghệ phát triển, việc người dân sử dụng mạng xã hội làm phương thức liên lạc, tiếp nhận, chia sẻ thông tin đã không còn xa lạ.
Thời gian qua, cũng xuất hiện nhiều trường hợp sử dụng mạng xã hội để tung những tin kiểu giật gân nhằm thu hút sự quan tâm của mọi người để "câu like", bán hàng hoặc cố tình gây ảnh hưởng đến người khác.
Điều đáng nói là ở đây những thông tin này có thể thiếu căn cứ, không đúng sự thật, tuy nhiên nó vẫn được nhiều người quan tâm, lan truyền.
Hành vi này tưởng chừng như vô hại, không ảnh hưởng đến ai hoặc do ý thức chủ quan không cần quan tâm việc mình làm sẽ gây hậu quả như thế nào.
Việc tung tin đồn thất thiệt trên mạng sẽ gây kích động dư luận, gây hoang mang tinh thần người dân, ảnh hưởng đến trật tự, an ninh xã hội; thậm chí đã dẫn tới nhiều vụ việc gây thiệt hại về vật chất, tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của người khác từ những tin đồn không được kiểm chứng.
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, nghiêm cấm thực hiện các hành vi sau đây trên mạng, kể cả mạng xã hội, như:
Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích chống lại Nhà nước CHXHCN Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc; đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân,…
Do đó, hành vi tung tin thất thiệt, sai sự thật trên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo khoản 2 Điều 64 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, các hành vi sau đây bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng:
Tiết lộ bí mật đời tư hoặc bí mật khác khi chưa được sự đồng ý của cá nhân, tổ chức có liên quan trừ trường hợp pháp luật quy định; miêu tả tỉ mỉ hành động dâm ô, chém, giết, tai nạn rùng rợn trong các tin, bài, phim, ảnh; cung cấp nội dung thông tin mê tín dị đoan, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam,…
Khoản 3 Điều này cũng quy định phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp nội dung thông tin không phù hợp với lợi ích đất nước;…
Trong lĩnh vực dân sự, căn cứ Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân và quy định tại Điều 584, từ Điều 589 đến Điều 592 Bộ luật Dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, thì cá nhân bị xâm phạm có quyền yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, yêu cầu đính chính, xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại. Nặng hơn thì bị xử lý hình sự.
Nếu xác định được người thực hiện hành vi tung tin sai lệch, thất thiệt lên mạng xã hội và thông tin thất thiệt đó có tính chất vu khống thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.
Ngoài ra, tùy theo vụ việc cụ thể, người vi phạm cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet.
Theo đó, người nào thực hiện hành vi "Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet những thông tin trái với quy định của pháp luật và hành vi này xâm phạm lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm.
Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.
Tùy trường hợp vi phạm, người phạm tội có thể được áp dụng theo khoản 2 Điều 288 BLHS 2015 về việc áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội với mức hình phạt là phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.