Cách các nước châu Á phản ứng trước việc người dân mua khẩu trang, thực phẩm, giấy vệ sinh trong cơn hoảng loạn giữa dịch Covid-19

Người dân châu Á đang mua sắm hàng hóa trong cơn hoảng loạn giữa dịch Covid-19. Các mặt hàng như khẩu trang, nước rửa tay, thực phẩm thiết yếu, giấy vệ sinh... đều nhanh chóng "bốc hơi" khỏi các kệ hàng.

 Tại Nhật Bản

Cứ mỗi buổi sáng, người dân lại xếp hàng dài bên ngoài siêu thị và các hiệu thuốc. Các kệ hàng từ khẩu trang đến giấy vệ sinh đều được lấy đi hết một cách nhanh chóng.

Những tin đồn gây hoang mang trên mạng xã hội và truyền thông nước này về việc giấy vệ sinh phụ thuộc vào việc nhập khẩu từ Trung Quốc, đã khiến cho người dân Nhật Bản mua hàng trong cơn hoảng loạn, bất chấp việc Thủ tướng Shinzo Abe đã thông báo tới toàn dân, rằng: "Hầu như tất cả giấy vệ sinh tiêu thụ ở Nhật Bản đều được sản xuất tại nước này". 

Tại đây cũng có tình trạng các doanh nghiệp và cá nhân trục lợi bằng cách bán lại khẩu trang với giá cắt cổ trên internet.

Cách các nước châu Á phản ứng trước việc người dân mua khẩu trang, thực phẩm, giấy vệ sinh trong cơn hoảng loạn giữa dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Người mua tại một siêu thị ở Hong Kong đi qua các kệ hàng trống vào cuối tháng 1. Sự bùng phát của Covid-19 đã gây ra cơn hoảng loạn mua hàng trên khắp lục địa châu Á, các chính phủ đang thực hiện từng bước để làm dịu nỗi lo lắng của người dân. (Ảnh: Getty)

Chính phủ Nhật Bản hi vọng việc gia tăng sản xuất, cũng như áp dụng các hình phạt cứng rắn sẽ sớm chấm dứt tình trạng hỗn loạn này. 

Thủ tướng Abe cũng đang đẩy mạnh gấp đôi nguồn cung khẩu trang trên toàn quốc, lên 600 triệu chiếc bắt đầu từ tháng này, và trợ cấp một phần cho các nhà sản xuất. Sự thiếu hụt nguồn cung cũng đã dẫn đến việc các công ty mới tham gia vào việc kinh doanh. Ví dụ như tập đoàn sản xuất điện tử Sharp tuyên bố họ sẽ bắt đầu sản xuất khẩu trang y tế trong tháng này với công suất là 150.000 chiếc/ngày.

Tại Hàn Quốc

Là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, nhưng người dân Hàn Quốc lại không mấy hoảng loạn khi mua thực phẩm. Tuy vậy, mặt hàng khẩu trang lại là một câu chuyện khác, khiến cho chính phủ nước này phải can thiệp.

Hôm thứ Hai vừa rồi, chính quyền Tổng thống Moon Jae-in đã công bố một hệ thống phân phối khẩn cấp, mỗi người dân chỉ được phép mua hai chiếc khẩu trang trong một tuần, từ các hiệu thuốc, hợp tác xã nông nghiệp và các bưu điện. Chính sách này được đưa ra sau lệnh cấm xuất khẩu khẩu trang, vì người mua phải xếp hàng rất lâu mới mua được mặt hàng này. 

Hiện tại, người dân nước này được phép mua khẩu trang cứ mỗi 5 ngày một lần.

Tại Đài Loan

Đài Loan là nơi đầu tiên trên thế giới đình chỉ việc xuất khẩu khẩu trang y tế từ ngày 24/1, trong khi dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi lệnh này được ban hành, một số du khách Đài Loan đã tranh thủ mua tích trữ khẩu trang mang về khi du lịch đến Nhật Bản trong kì nghỉ Tết Nguyên đán.

Đài Loan đã kiểm soát tình hình bằng cách ra lệnh cho tất cả các nhà cung ứng khẩu trang y tế giao sản phẩm của họ cho chính quyền, để phân phối khẩu trang cho các nhà thuốc. 

Năng lực sản xuất khẩu trang tại các địa phương đã tăng lên gấp đôi, từ 4 triệu chiếc vào tháng Giêng lên 10 triệu chiếc mỗi ngày kể từ ngày thứ Hai vừa rồi.

Cách các nước châu Á phản ứng trước việc người dân mua khẩu trang, thực phẩm, giấy vệ sinh trong cơn hoảng loạn giữa dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Khẩu trang y tế luôn là mặt hàng khan hiếm tại các quốc gia châu Á. (Ảnh: Reuters).

 Tại Hong Kong

Kể từ Tết Nguyên đán, khẩu trang y tế, nước rửa tay và các loại chất khử trùng là các mặt hàng được người dân săn đón nhiều nhất tại Hồng Kong. Nhưng rồi mặt hàng giấy vệ sinh mới là thứ gây nên sự hoảng loạn trong mua sắm tại Hong Kong.

Đầu tháng 2, người tiêu dùng Hong Kong đã điên cuồng mua giấy vệ sinh, do lo ngại rằng các nhà sản xuất ở trung Quốc đại lục sẽ ngừng cung cấp mặt hàng này cho thành phố. Chính phủ đã nhanh chóng bác bỏ những tin đồn này, và đảm bảo rằng nguồn cung sẽ ổn định, ít bị ảnh hưởng. 

ParknShop, một trong những chuỗi siêu thị lớn nhất trong thành phố, cho biết họ phải tăng gấp đôi năng suất giao hàng giấy vệ sinh để đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Hiện tại, mặt hàng giấy vệ sinh đã được đặt đầy lên kệ hàng tại các siêu thị và cửa hàng tạp hóa. Tuy nhiên, nguồn cung khẩu trang và các sản phẩm y tế khác vẫn đang cạn kiệt.

Hãng kinh doanh Tycoons, các chính trị gia, doanh nhân đã nhanh chóng ra tay giúp đỡ người dân. Tỉ phú Lý Gia Thành đã đích thân mang 250.000 khẩu trang, 5.000 bộ quần áo bảo hộ từ New Zealand về, để ủng hộ chính phủ đối phó với dịch Covid-19.

Tại Trung Quốc 

Việc mua sắm trong hoảng loạn ở Trung Quốc đại lục đang dần biến mất, khi các công ty đẩy mạnh sản xuất. 

Trả lời phỏng vấn Nikkei Asian Review, Zhang Zheming, một nhà thiết kế nội thất, 35 tuổi, ở Trùng Khánh, cho biết ông đã vội vàng mua khoảng 200 khẩu trang vào cuối tháng 1, do lo ngại về sự cạn kiệt của nguồn cung. 

"Hiện tại, tôi không phải dự trữ khẩu trang nữa. Tôi có thể dễ dàng đặt mua chúng tại các nhà thuốc hoặc ở những nơi khác. Có rất nhiều khẩu trang cho người dân sử dụng".

Các doanh nghiệp từ hãng sản xuất ô tô BYD đến hãng lắp ráp điện thoại thông minh Foxconn đã chuyển hướng sản xuất khẩu trang tại Trung Quốc. Sinopec, một đại gia dầu khí Trung Quốc, đã biến các trạm xăng của mình thành một mạng lưới phân phối khẩu trang, và đã bán 30.000 khẩu trang mỗi ngày tại 50 địa điểm khác nhau ở Bắc Kinh.

Tại Indonesia

Cảnh sát Indonesia đã xử lí các địa điểm bị nghi ngờ cất giữ khẩu trang y tế. Có ít nhất là 10 vụ bắt giữ các điểm sản xuất khẩu trang không đạt tiêu chuẩn tính đến thời điểm này, bao gồm cả các công nhân trong một nhà máy ở phía bắc Jakarta.

Trước đó, nước này tuyên bố đã xác nhận hai bệnh nhân nhiễm Covid-19 đầu tiên. Điều này đã khiến người tiêu dùng đổ xô đến các hiệu thuốc và cửa hàng tiện lợi, khiến cho mặt hàng khẩu trang và nước rửa tay hết một cách nhanh chóng.

Cách các nước châu Á phản ứng trước việc người dân mua khẩu trang, thực phẩm, giấy vệ sinh trong cơn hoảng loạn giữa dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Phun thuốc khử trùng bên trong một nhà thờ Hồi giáo vào ngày 8/3, sau khi Indonesia xác nhận các trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên. (Ảnh: Antara Foto/Reuters).

Tại Singapore

Mặc dù Singapore đã nhận được sự đánh giá cao về công tác ngăn chặn dịch bệnh, nhưng nước này cũng không thể tránh khỏi việc người dân mua hàng trong cơn hoảng loạn.

Người tiêu dùng dự trữ hàng tạp hóa và nhu yếu phẩm hàng ngày, sau khi chính quyền nâng mức độ cảnh báo y tế từ màu vàng sang màu cam vào ngày 7/2. Nhà chức trách nước này đã kêu gọi người dân hết sức bình tĩnh. Tuy nhiên, bất chấp thông tin thành phố có kho dự trữ khẩu trang, người dân vẫn xếp hàng dài tại các cửa hàng và hiệu thuốc, để chờ mua.

Thủ tướng Singapore, Lý Hiển Long, đã phản ứng và nhấn mạnh rằng không có nguy cơ hết thực phẩm. Thủ tướng cho biết: "Tâm lí sợ hãi có thể gây hại nhiều hơn là virus. Nó có thể khiến cho chúng ta hoảng loạn, hoặc làm những việc khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn, như lan truyền tin đồn trên mạng, tích trữ khẩu trang hoặc thực phẩm, hoặc đổ lỗi cho các nhóm cụ thể về sự bùng phát của dịch bệnh".

 Sau lời kêu gọi của thủ tướng, việc tích trữ đã giảm đi, cho thấy dân chúng đã hưởng ứng và bình tĩnh hơn trước vụ việc.

Tại Thái Lan

Một số bệnh viện tư nhân đã lên tiếng về việc khan hiếm mặt hàng khẩu trang, do tình trạng người dân mua hàng trong hoảng loạn. Chính phủ nước này đã can thiệp, cấm xuất khẩu khẩu trang để bảo vệ nguồn cung trong nước. 

Hơn nữa, tất cả các khẩu trang được sản xuất bởi 11 hãng tại Thái Lan phải được gửi đến một trung tâm phân phối của Bộ Thương mại.

Tuy nhiên, khẩu trang vẫn khó tìm thấy tại các cửa hàng và siêu thị. Đối với những người có nhu cầu khẩn cấp, lựa chọn duy nhất là xếp hàng tại các trung tâm phân phối của BộThương mại vào khoảng 4 giờ sáng, để có cơ hội mua tối đa 4 chiếc khẩu trang.

Tỉ phú Chearavanont, người giàu nhất Thái Lan và là Chủ tịch tập đoàn CP Group, cho biết ông đầu tư khoảng 100 triệu baht (khoảng 73 tỉ đồng) để sản xuất khoảng 3 triệu khẩu trang mỗi tháng. Nhà máy của ông dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động trong vòng 5 tuần tới.

Tại Ấn Độ

Một chủ nhà thuốc ở phía nam New Delhi cho biết ông đã nhanh chóng bán hết khẩu trang và chất khử trùng vào đầu tháng 3, sau khi nước này báo cáo các trường hợp nhiễm Covid-19. Ông cho biết; "Thay vì một chiếc khẩu trang, khách hàng đã mua tới 4 đến 5 chiếc".

Thứ Năm tuần trước, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ, Harsh Vardhan, thông báo với quốc hội rằng chính phủ đang hạn chế xuất khẩu "các mặt hàng quan trọng", bao gồm cả khẩu trang N95. 

Bộ trưởng cũng cho biết các tiểu bang cũng như chính quyền trung ương đã có một "kho dự trữ" các thiết bị bảo hộ cá nhân. Hai ngày trước đó, nước này đã hạn chế xuất khẩu các loại thuốc thông thường như thuốc hạ sốt paracetamol và 25 loại dược phẩm khác, bao gồm vitamin B1 và B12.

"Không cần phải hoảng sợ", Thủ tướng Narendra Modi đã viết lên Twitter vào hôm thứ Ba tuần trước. "Chúng ta cần phải đồng hành cùng nhau, thực hiện các biện pháp nhỏ nhưng quan trọng để tự bảo vệ mình", ông nói. 

Ông cũng đăng một thông báo với các khuyến nghị như rửa tay, hạn chế ra những nơi công cộng, tránh chạm vào mắt, mũi và miệng của mình.

Cách các nước châu Á phản ứng trước việc người dân mua khẩu trang, thực phẩm, giấy vệ sinh trong cơn hoảng loạn giữa dịch Covid-19 - Ảnh 4.

Sinh viên tại Đại học Sư phạm Hà Nội đang làm sạch tay. Xịt khử trùng tay là một trong những sản phẩm được bán phổ biến trên toàn quốc. (Ảnh: Reuters)

 

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.