Dành đất 'vàng' cho công viên sinh thái

Tình trạng ngập lụt nặng nề mấy ngày qua ở nhiều địa phương trên cả nước, đã đưa ra lời cảnh báo đanh thép: đã đến lúc “khơi thông dòng chảy, trả lại không gian cho nước”. TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn đã đưa ra đề xuất táo bạo “dành đất vàng làm công viên sinh thái”.

Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông về nội dung này.

Thay đổi cách làm quy hoạch

Phóng viên: Thưa ông, “đất vàng” thì nên dùng để làm nhà, trung tâm thương mại… sinh lợi nhiều hơn chứ?

TS-KTS NGÔ VIẾT NAM SƠN: Ở khu trung tâm của nhiều thành phố trên thế giới, người ta dành những khu đất rộng hàng chục hécta như Vườn Luxembourg, Champ de Mars và Tuileries tại Paris, đến hàng trăm hécta như Công viên Central Park tại New York để làm công viên sinh thái.

Những công viên như thế vừa làm chức năng “lá phổi” xanh cho thành phố vừa làm nhiệm vụ của hồ điều tiết nước cho cả khu vực, phòng khi hệ thống thoát nước bị quá tải. Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm này, bởi lẽ nếu “đong đếm” cho đầy đủ thì nguồn thu từ đất vàng để làm nhà, trung tâm thương mại… chưa chắc đủ bù đắp cho những tổn thất do ngập lụt gây ra. Đặc biệt, khi mà biến đổi khí hậu làm mực nước biển dâng và bão lớn liên tục xảy ra, đang diễn biến phức tạp.

Dành đất 'vàng' cho công viên sinh thái - Ảnh 1.

Hồ sinh thái chứa và điều tiết nước tại một khu dân cư ở quận 2. ( Ảnh: CAO THĂNG)

- Theo quy định của pháp luật về xây dựng và quy hoạch, tất cả đồ án quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị đều phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về xây dựng, về mật độ cây xanh, đường giao thông/mật độ dân số… Như vậy, có nhất thiết phải dành thêm các khu đất vàng để xây dựng công viên sinh thái?

- Việc lập quy hoạch xây dựng ở Việt Nam còn nhiều nơi, nhiều chỗ nặng tư duy hành chính, ít thực tế. Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới, trước khi lập quy hoạch bao giờ cũng phải nghiên cứu thật kỹ hiện trạng. Đến khi lập quy hoạch xong, phải tính tiếp đến việc lập kế hoạch thực hiện quy hoạch. Và quy hoạch chỉ được áp dụng khi có kế hoạch thực hiện quy hoạch khả thi, trong đó, hạ tầng luôn đi trước một bước so với xây dựng công trình.

Ở Việt Nam, nhiều nơi không những nghiên cứu thực tế qua loa mà còn cứ… nhằm khu dân cư khó giải tỏa mà “vẽ” cho chức năng phát triển cây xanh, làm đường hoặc các công trình công cộng khác. Có thể nói, vấn đề của đô thị Việt Nam là quy hoạch thiếu bền vững, thiếu tính thực tế. Muốn khắc phục bất cập này, phải thay đổi cách làm quy hoạch.

Phải có chính sách phát triển đô thị khoa học

- Nhưng chúng ta cũng xây dựng được nhiều đồ án quy hoạch phát triển đô thị có chất lượng, thậm chí, có đồ án đã đoạt được nhiều giải thưởng quốc tế như đồ án phát triển về Khu Nam TPHCM do tư vấn SOM (Mỹ) lập…

- Xây dựng được đồ án quy hoạch có chất lượng mới là bước khởi đầu. Vấn đề tiếp theo như tôi đã nói, là phải có được kế hoạch thực hiện quy hoạch khả thi. Dự án xây dựng đô thị Phú Mỹ Hưng thành công, không chỉ nhờ bản quy hoạch của SOM, mà còn nhờ vào những kế hoạch thực hiện quy hoạch rất chi tiết, bài bản do các chuyên gia kinh tế tài chính lập ra và sự quản lý đô thị hiệu quả của ban lãnh đạo dự án.

Một trong những nguyên tắc cơ bản để thực hiện quy hoạch thành công, đô thị phát triển bền vững là phải xây dựng hệ thống hạ tầng trước. Trong khi đó, ở nhiều thành phố của chúng ta, nhà đầu tư cho xây dựng nhà cửa trước, còn việc làm hạ tầng đồng bộ thì thực hiện sau.

Tất nhiên, việc này có nguyên nhân từ những khó khăn về tài chính, bởi làm hạ tầng tốn rất nhiều tiền, nhưng thực hiện quy hoạch kiểu ngược như vậy sẽ để lại những hậu quả vô cùng lớn cho đô thị, đó là tình trạng ngập nước, kẹt xe… Chúng ta đang chứng kiến hậu quả này ở nhiều thành phố trên cả nước. Đây là vấn đề thực hiện quy hoạch theo quy trình ngược của đô thị Việt Nam.

- Kinh phí làm hạ tầng rất lớn trong khi đó ngân sách hạn hẹp, còn nhu cầu phát triển nhà ở của người dân lại không thể không đáp ứng. Vậy phải cân bằng điều đó như thế nào?

- Vấn đề là phải có giải pháp để thực thi quy hoạch theo hướng bền vững. Nhà nước có thể đàm phán với nhà đầu tư trên nguyên tắc xây dựng hạ tầng luôn đi trước công trình: Một là anh chờ tôi làm xong hạ tầng theo quy hoạch rồi anh mới được xây nhà cao tầng phù hợp quy hoạch đó; hai là anh cùng ứng vốn với tôi làm hạ tầng trước, sau đó anh làm nhà.

Theo tôi, thực hiện được tình huống thứ hai là tốt nhất và Nhà nước sẽ phải có giải pháp để nhà đầu tư tham gia làm hạ tầng và được hoàn trả dần chi phí ứng vốn làm hạ tầng dưới nhiều hình thức, ví dụ như được miễn, giảm thuế… Nếu cách làm này được thực thi thì TPHCM sẽ giải quyết được tình trạng thiếu ngân sách đầu tư cho hạ tầng và đáp ứng được nhu cầu phát triển, chỉnh trang đô thị.

Có thể nói, với cách làm quy hoạch như hiện nay, nhà đầu tư đang kiếm lợi còn gánh nặng hạ tầng để lại cho Nhà nước xử lý. Hiện chưa có quy định buộc phải làm hạ tầng trước mới được xây dựng nhà, do đó muốn chấm dứt tình trạng làm quy hoạch ngược, phải điều chỉnh từ luật quy hoạch và luật xây dựng… Tóm lại, muốn đô thị phát triển bền vững thì phải có chính sách phát triển đô thị khoa học.

Quy hoạch hơn 100 hồ điều tiết nước

Theo Chương trình chống ngập nước của TPHCM, đến năm 2020, TPHCM sẽ xây dựng hơn 100 hồ điều tiết. Tuy nhiên, hiện nay ngoài hồ điều tiết được xây dựng bằng công nghệ cross - wave ngầm của Nhật Bản ở đường Võ Văn Ngân, quận Thủ Đức, có dung tích khoảng 100m3, thì 3 hồ điều tiết ở Bàu Cát (quận Tân Bình), Khánh Hội (quận 4) và Gò Dưa (quận Thủ Đức) được đề xuất làm sớm, nhưng chưa có hồ nào hoàn thành.

Ngoài ra, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM cũng đã đề xuất UBND TPHCM cho phép triển khai 5 hồ điều tiết chống ngập trong giai đoạn 2019-2020, với tổng số vốn đầu tư hơn 475 tỷ đồng tại Công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình), Công viên Làng hoa Gò Vấp (quận Gò Vấp), Công viên Khu dân cư Trần Thiện Chánh (quận 10), dải cây xanh phân cách đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) và khuôn viên cây xanh đối diện Công an phường 25 (quận Bình Thạnh). Các hồ điều tiết này có hệ thống máy bơm, cống thu nước nhằm giải quyết tình trạng ngập nước tại các khu vực lắp đặt và những tuyến đường xung quanh.

SƠN LAM

TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn cho biết thêm, theo số liệu của Sở Xây dựng TPHCM, tổng diện tích cây xanh theo quy hoạch được duyệt trên toàn thành phố khoảng 6.259ha, tương ứng với chỉ tiêu quy hoạch đất cây xanh 6,3m2/người. Trên thực tế, chỉ tiêu cây xanh công cộng chỉ đạt mức bình quân 1,6m2/người và khu vực nội thành cũ (13 quận) chỉ đạt bình quân 0,67m2/người, rất thấp so với tiêu chuẩn tối thiểu cây xanh đô thị của Tổ chức Y tế Thế giới WHO (9m2/người).

Trước bối cảnh như vậy, nên xem lại chủ trương kêu gọi xây dựng bãi đậu xe ngầm dưới các công viên. Bởi lẽ, việc xây ngầm nhiều tầng sẽ ngăn nước thẩm thấu xuống đất. Nếu xây công trình ngầm tại công viên, có lẽ chỉ nên xây hồ điều tiết ngầm mà thôi. Nội thành TPHCM có dải đất ven sông Sài Gòn rất đẹp, nên giữ lại làm không gian công cộng cho người dân. Việc này vừa giúp thành phố thông thoáng vừa giúp có không gian dành cho nước để chống ngập hiệu quả.

Khu vực Cảng Sài Gòn sau khi di dời, không nên tiếp tục phát triển nhà cao tầng, mà chỉ nên xanh hóa khu vực này. Điều quan trọng là trước thực trạng thiếu trầm trọng không gian xanh trong nội thành, các nhà quản lý đô thị cần có quyết tâm giữ lại các khu đất công lớn còn sót lại trong khu trung tâm để chuyển thành không gian xanh phục vụ người dân. Ở đây, quyết tâm của các cơ quan chức năng sẽ có ý nghĩa quyết định.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.