Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030) xác định phát triển nhà ở và thị trường bất động sản là một nội dung quan trọng, đặc biệt là xây dựng quỹ nhà ở cho các đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, nhà ở công nhân, cán bộ, chiến sĩ, lực lượng vũ trang… Trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bất động sản công nghiệp và nhà ở công nhân cũng là lĩnh vực cần được đặc biệt chú trọng đầu tư. Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng đang được đẩy mạnh để trở thành ngành mũi nhọn của nền kinh tế, từ đó đòi hỏi cần phát triển đa dạng các sản phẩm bất động sản phục vụ du lịch.
Tuy nhiên, theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội, hiện nay thị trường bất động sản đang đối mặt với điểm nghẽn pháp lý, chồng chéo, cần được khắc phục, tháo gỡ để tạo điều kiện cho sự phát triển.
Đại biểu phân tích, bất động sản là thị trường nền tảng của một nền kinh tế và là thị trường tài nguyên cơ bản của một quốc gia. Tính ổn định dài hạn của thị trường bất động sản có liên quan trực tiếp đến hệ thống tài chính - ngân hàng, ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định xã hội. Do đó, cần coi bất động sản là động lực, nếu biết khơi dậy, bất động sản sẽ trở thành động lực quan trọng nhất, có tính chất dẫn dắt sự phát triển của nền kinh tế quốc dân:
"Kinh nghiệm cho thấy, khi Chính phủ quan tâm đúng mức và có đánh giá chính xác về vai trò của thị trường bất động sản trong nền kinh tế, thị trường sẽ phát triển nhanh và bền vững, có đóng góp đáng kể cho sự phát triển của quốc gia, không chỉ dưới phương diện GDP và tài sản quốc gia, mà còn là tác động lan tỏa đến những ngành kinh tế chủ đạo khác và giải quyết vấn đề việc làm, an sinh xã hội..."
Tuy nhiên, thị trường này đã bộc lộ những bất cập về cơ chế vận hành, cơ cấu hàng hóa, về thông tin, về các chủ thể tham gia thị trường, về quản lý… Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 xuất phát từ chính sách cho vay thế chấp bất động sản tại Mỹ là tác nhân cơ bản gây ra suy thoái kinh tế tại nhiều nước trên thế giới. Điều đó chứng tỏ những ảnh hưởng rất lớn của thị trường bất động sản đối với nền kinh tế.
Hiện nay, thị trường bất động sản đang phải đối mặt với các vấn đề như nguồn cung khan hiếm, chi phí đầu vào bị đẩy lên, đầu cơ tăng, giá cả bất hợp lý... dẫn tới cung - cầu mất cân bằng. Do đó rất cần các giải pháp để phát triển thị trường bền vững, lành mạnh.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc kiến nghị sớm sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Đất đai. Trong đó, khẩn trương rà soát, nghiên cứu, sửa đổi những điểm chưa phù hợp, làm rõ những vùng xám, vùng mờ, bổ sung quy định với những mô hình kinh doanh bất động sản mới, cơ sở dữ liệu, chuyển đổi số… để tạo hành lang pháp lý phù hợp cho thị trường bất động sản phát triển.
Đại biểu cũng lưu ý, để đảm bảo quá trình đồng bộ trong những quy định pháp luật thì ban chỉ đạo cần phải có sự thống nhất giữa các bộ để đảm bảo tính liên thông, khắc phục tính chồng chéo quan hệ giữa các luật cũng như các bộ ngành.