Nhiều thí sinh thi tại điểm trường THPT Hoài Đức B ra khỏi phòng thi với tâm trạng thoải mái, tự tin. Ảnh: Đình Tuệ.
Sáng nay (2/6), hơn 85.000 thí sinh tại Hà Nội đã bắt đầu làm bài thi Ngữ văn kì thi vào lớp 10 THPT năm 2019. Ghi nhận tại điểm thi trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội) trong sáng nay, khi tiếng trống báo hết giờ làm bài cũng là lúc các sĩ tử ra khỏi phòng thi ra về.
Chia sẻ sau giờ thi, em Nguyễn Kim Chi vui vẻ nói: "Đề thi năm nay em thấy không quá khó. Do đã chuẩn bị kĩ từ trước nên phần nghị luận em làm khá chắc. Điểm mới của đề thi năm nay là Sở ra đề ở phần 2 bàn về cách ứng xử của các bạn trẻ khi gặp hoàn cảnh khó khăn, em thấy khá hay và tự tin làm trong thời gian qui định. Hi vọng kết quả sẽ tích cực và đạt khoảng 7 điểm".
Còn em Nguyễn Văn Bình, học sinh thi tại điểm trường THPT Hoài Đức B cũng cho hay, đề thi năm nay không khó và vừa sức với thí sinh.
"Em đã ôn rất kĩ các tác phẩm văn học lớp 9 tại nhà cũng như trên lớp. Khi đọc đề thi, em thấy rất vui vì không có kiến thức nào đánh đố, chỉ ở mức cơ bản. Và em hoàn thành bài thi trước khi hết giờ tới 15 phút để có thời gian đọc lại. Đề Văn khá hay khi liên hệ về cách ứng xử của giới trẻ lúc gặp khó khăn. Em dự đoán được khoảng trên 6 điểm", Bình vui vẻ nói.
TS Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Ngữ văn trường THPT Chu Văn An (Hà Nội). Ảnh: Đình Tuệ.
Chia sẻ với chúng tôi, TS Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Ngữ văn trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho biết, đề Ngữ văn thi vào lớp 10 tại Hà Nội năm 2019 vừa sức với học trò, các yêu cầu khá rõ, quen thuộc, không đánh đố.
Với cấu trúc đề hai phần kết hợp đọc hiểu với nghị luận xã hội và nghị luận văn học; kiểu dạng câu hỏi về kiến thức văn học, Tiếng Việt, cuộc sống xã hội quen thuộc, hầu như đề tuyển sinh năm nay không làm khó thí sinh.
Cũng theo TS Thu Thuyết, còn một vài chi tiết có thể lưu ý thêm về diễn đạt câu chữ hoặc diễn đạt ý cho sáng và chuẩn mực hơn.
Ví dụ: ý 2 của câu 2 phần I, "Cũng trong khổ thơ này, các từ "bỗng" và "hình như" giúp em hiểu gì về cảm xúc, tâm trạng của nhà thơ?", có lẽ nên thay hai từ "cảm xúc, tâm trạng" bằng "tâm trạng và cách cảm nhận" sẽ phù hợp hơn.
Bởi "hình như" không hướng tới thể hiện tâm trạng, cảm xúc mà là cách cảm nhận thế giới xung quanh phút giao mùa.
Hoặc phần II, câu lệnh chung cho phần đọc hiểu nên bỏ bớt cụm từ "bên dưới".
Đề thi Ngữ văn thi vào lớp 10 THPT năm 2019. Ảnh: Đình Tuệ.
Câu hỏi 1 nên thay "hai câu văn in nghiêng ở trên" bằng "hai câu văn in nghiêng trong đoạn trích" để đảm bảo tính chuẩn mực của phong cách khoa học; thêm từ "những" cho lệnh "chỉ rõ từ ngữ dùng làm phương tiện liên kết".
Câu 3 viết đoạn văn nghị luận xã hội, diễn đạt vấn đề nghị luận chưa sáng; hơn thế nữa, câu lệnh "trình bày suy nghĩ về ý kiến "..." là câu lệnh hướng tới yêu cầu luận về toàn bộ vấn đề, đó là yêu cầu phù hợp với một bài văn hơn là một đoạn văn vốn chỉ nghị luận về một bình diện của vấn đề.
"Nhìn tổng thể, đề tuyển sinh vừa sức học trò, nhưng cũng như rất nhiều năm nay, sự lặp lại kiểu dạng, cấu trúc và nội dung kiến thức cần học trò khám phá, luận bàn sẽ ít nhiều tạo ra tâm lí học văn theo mẫu, theo công thức, giảm bớt hứng thú cho học trò khi làm bài.
Riêng đoạn văn nghị luận xã hội cũng cần thống nhất lại yêu cầu nghị luận trong câu lệnh. Sau này, trong đáp án chấm để các trò hiểu yêu cầu viết đoạn văn, phân biệt với bài văn thu nhỏ, làm nền tảng cho ôn luyện thi THPT quốc gia sau này", TS Trịnh Thu Tuyết nói.
Giáo dục 19:28 | 15/06/2019
Giáo dục 17:27 | 14/06/2019
Giáo dục 17:17 | 14/06/2019
Giáo dục 17:04 | 14/06/2019
Giáo dục 19:36 | 13/06/2019
Giáo dục 15:54 | 13/06/2019
Giáo dục 10:07 | 13/06/2019
Giáo dục 06:45 | 13/06/2019