Đề xuất 15.300 tỷ đồng phát triển hạ tầng TP HCM

15.300 tỷ đồng được đề xuất sử dụng để bố trí bổ sung cho 31 dự án chuyển tiếp tăng vốn; bố trí cho lập quy hoạch TP HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và dự án tăng cường tiếp cận và kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga thuộc metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

 Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). (Ảnh: Báo Thanh Niên)

Theo thông tin từ Zing, UBND TP HCM kiến nghị HĐND TP HCM chấp thuận hơn 15.300 tỷ đồng trong 20.688 tỷ đồng nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn của thành phố (giai đoạn 2021-2025) đã thông qua để bố trí cho các dự án trên địa bàn.

Theo UBND TP HCM, nguồn vốn ngân sách địa phương năm 2021 là 142.577 tỷ đồng (phân bổ chi tiết 121.868 tỷ đồng, dự phòng 20.688 tỷ đồng). Nghị quyết 5 hồi tháng 4 của HĐND TP HCM thông qua việc phân bổ 5.352 tỷ đồng từ nguồn dự phòng, còn 15.300 tỷ đồng chưa phân bổ.

Nguồn tiền dự phòng được đề xuất sử dụng để bố trí bổ sung cho 31 dự án chuyển tiếp tăng vốn; bố trí cho nhiệm vụ lập quy hoạch TP HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bố trí cho dự án tăng cường tiếp cận và kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga thuộc metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Đồng thời bố trí bổ sung vốn cho Chương trình kích cầu đầu tư; bố trí bổ sung cho cho hai dự án thành phần thuộc dự án xây dựng đường vành đai 3 và cao tốc TP HCM - Mộc Bài.

UBND TP HCM cho biết vốn cân đối ngân sách địa phương giải ngân năm 2021 là 18.680 tỷ đồng (đạt 63,8% kế hoạch); còn 10.590 tỷ đồng chưa hoàn thành. Việc các chủ đầu tư không đạt tỷ lệ giải ngân năm 2021 đã gây áp lực về giao kế hoạch vốn các năm tiếp theo.

Theo đó, UBND TP HCM trình HĐND TP HCM cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2021 sang năm 2022 với 865 dự án, tổng số vốn hơn 2.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, UBND TP HCM cũng trình HĐND TP HCM phương án điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2022 sử dụng nguồn vốn dự phòng của thành phố là 8.565 tỷ đồng.

Kế hoạch đầu tư công năm 2022 của TP HCM có tổng vốn là 42.508 tỷ đồng, trong đó phân bổ chi tiết là 29.464 tỷ đồng và dự phòng là hơn 13.000 tỷ đồng.

Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước TP HCM, tính đến cuối tháng 6, thành phố mới giải ngân 6.216 tỷ đồng, đạt 19% so với kế hoạch 42.508 tỷ đồng được giao.

Ngoài ra, tỷ lệ giải ngân cũng bị ảnh hưởng do phân bổ kế hoạch vốn còn chậm, công tác phối hợp trong giải quyết thủ tục đầu tư còn bị động; công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của một số dự án chưa quyết liệt.

Nguồn tiền từ dự phòng vốn cân đối ngân sách TP HCM nhằm bố trí cho nhiều dự án tăng vốn; 15 dự án chuyển tiếp; các dự án chuẩn bị đầu tư như vành đai 3 TP HCM, cao tốc TP HCM - Mộc Bài; bố trí các dự án cấp bách được đề xuất bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; các dự án thực hiện khẩn cấp.

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.