Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ trang TP HCM, Cục Đường sắt Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tham gia ý kiến về Báo cáo đầu kỳ nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành.
Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, theo Quy hoạch chi tiết khu đầu mối TP HCM và Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành được quy hoạch có chức năng vận chuyển hành khách như một tuyến đường sắt đô thị nhưng kết nối liên kết vùng.
Cùng với đó, ngoài số liệu dự báo về nhu cầu vận tải đối với Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, cần nghiên cứu bổ sung các quy hoạch phát triển đô thị, khu công nghiệp... dọc tuyến để làm cơ sở lựa chọn các vị trí xây dựng ga trên tuyến bảo đảm phù hợp, phát huy được năng lực vận tải và thuận tiện cho vận tải hành khách.
Cục Đường sắt Việt Nam cũng đề nghị trong báo cáo đầu kỳ, tư vấn lập nghiên cứu cần bổ sung, làm rõ phương án tuyến, cần nêu rõ các vị trí tuyến đi qua (khu đô thị, khu công nghiệp, trung tâm kinh tế...); nhu cầu vận tải hành khách, khả năng kết nối đối với các phương thức, đầu mối vận tải trong khu vực tại các vị trí dự kiến xây dựng ga; sơ bộ về điều kiện địa chất thủy văn khu vực tuyến đi qua.
Cơ quan này đề nghị tư vấn làm rõ hơn cơ sở lựa chọn công nghệ áp dụng cho dự án. Trong báo cáo đầu kỳ, tư vấn mới chỉ liệt kê các dự án nước ngoài, sau đó đưa ra đề xuất mà chưa xây dựng cụ thể các tiêu chí để làm căn cứ lựa chọn, làm rõ tính khả thi của phương thức tiếp điện cho dự án với thực tiễn tại Việt Nam.
Cùng đó, tư vấn cần bổ sung nghiên cứu các nội dung về phòng ngừa, khắc phục sự cố thiên tai, tai nạn; các thiết bị phục vụ di dời hành khách; trang thiết bị tại ga; các cơ sở khám chữa đầu máy, toa xe; biện pháp phòng, chống cháy nổ trong ga ngầm...; nghiên cứu vị trí xây dựng Depot để bảo đảm khai thác hiệu quả, giảm chi phí vận hành trong quá trình khai thác.
Theo Cục Đường sắt Việt Nam, danh mục quy chuẩn, tiêu chuẩn đề xuất áp dụng là nội dung cần thiết của báo cáo đầu kỳ, vì vậy cần bổ sung danh mục quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng cho dự án. Trong trường hợp tham khảo áp dụng quy chuẩn nước ngoài cần phân tích so sánh đánh giá với tiêu chuẩn tương đương của Việt Nam; xác định cụ thể các thông số hình học, cấp đường sắt tương ứng theo tiêu chuẩn cấp kỹ thuật đường sắt Việt Nam.
Trong quá trình lập dự án, cần lưu ý về hành lang an toàn giao thông đường sắt, trong đó có đoạn đi song song với đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; phân tích khả năng kết nối với các tuyến đường sắt đô thị TP HCM để khai thác liên thông với tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành.
Tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, chiều dài khoảng 37 km. Điểm đầu nằm tại ga Thủ Thiêm, Thủ Đức, TP HCM, điểm cuối nằm tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Quy mô đề xuất thực hiện là đường đôi, khổ 1.435 mm, chỉ phục vụ hành khách. Tổng mức đầu tư khoảng 40.566 tỷ đồng, theo phương thức PPP.
Dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành đã được xác định đầu tư trong Quy hoạch mạng lưới 9 tuyến đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Vào tháng 11 năm ngoái, Thủ tướng đưa dự án vào danh mục kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2025.
Bộ Giao thông vận tải xác định đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành là một trong những dự án động lực nhằm tăng cường các phương thức vận tải kết nối với sân bay Long Thành. Bộ đã bố trí vốn chuẩn bị đầu tư từ năm nay để triển khai nghiên cứu.