Đề xuất quy hoạch 5 vùng đô thị tại TP HCM, 5 huyện hiện hữu dự kiến lên thành phố

Theo đề xuất của liên danh tư vấn quy hoạch chung TP HCM, TP HCM nên phát triển theo mô hình đa trung tâm, với 5 vùng đô thị gồm vùng trung tâm; TP Thủ Đức; TP phía bắc; TP phía tây và TP phía nam.

Một góc TP Thủ Đức - thành phố trực thuộc TP HCM hiện nay. (Ảnh tư liệu: Hải Quân).

Thông tin từ Cổng TTĐT Chính phủ trang TP HCM, thành phố hiện đang triển khai lập Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Đây là cơ sở, bước thực hiện đầu tiên nhằm điều chỉnh tổng thể đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP HCM đến năm 2025 đã được phê duyệt năm 2010.

Liên danh tư vấn cho Quy hoạch chung TP HCM gồm Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia, Viện Quy hoạch miền Nam, Công ty TNHH Không Gian Xanh và Công ty EnCity.

Theo đề xuất của liên danh tư vấn, TP HCM nên phát triển theo mô hình đa trung tâm. Khi đó, sẽ xây dựng những trung tâm đô thị quy mô lớn ở các cửa ngõ thành phố - nơi có quỹ đất lớn, giá đất thấp, nhằm kiến tạo nơi sống và làm việc cho số đông người lao động và tăng mật độ dân số.

Vì vậy, đơn vị tư vấn đề xuất quy hoạch phát triển 5 vùng đô thị, gồm vùng trung tâm (khu trung tâm hiện hữu, quận Bình Thạnh, một phần quận 12 và Gò Vấp); TP Thủ Đức; TP phía bắc (huyện Hóc Môn, Củ Chi); TP phía tây (khu vực quận Bình Tân, huyện Bình Chánh) và TP phía nam (quận 7, huyện Nhà Bè, Cần Giờ).

Trong đó, vùng đô thị trung tâm hiện hữu với 5 - 6 triệu dân là khu hành chính, đối ngoại, thương mại, dịch vụ, kinh tế tri thức, đô thị sáng tạo…

Vùng này gồm vùng Sài Gòn, vùng Chợ Lớn, khu vực Bình Thạnh, nam sân bay, tây sân bay, khu sân bay, Bình Quới - Thanh Đa, đông nam quận 12, phía đông quận Gò Vấp, phía tây quận Gò Vấp, phía tây nam quận 12 và vùng phía tây khu đô thị trung tâm.

TP Thủ Đức với 3 triệu người, trọng tâm là đô thị sáng tạo, giáo dục, đào tạo, công nghiệp công nghệ cao, trung tâm tài chính, y tế, du lịch sinh thái…

TP phía bắc với 4 - 5 triệu người là đô thị dịch vụ giải trí, văn hóa, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ sinh thái môi trường và nông nghiệp, sản xuất công nghiệp dẫn dắt, hỗ trợ và đào tạo công nghệ phục vụ nông nghiệp và công nghệ sinh thái môi trường…

TP phía tây nam gồm khu vực nằm trong quốc lộ 1A, 22, đường Lê Văn Khương thuộc quận 12, huyện Hóc Môn, trung tâm Hóc Môn, phía Tây Hóc Môn, trung tâm phát triển mới quận 12 - huyện Hóc Môn, phía tây đường vành đai 3, khu đô thị hiện hữu Củ Chi, tây nam - đông nam Củ Chi, khu sinh thái Củ Chi, công viên sinh thái lâm nghiệp, công nghiệp Củ Chi, khu đô thị tây bắc Củ Chi, đông bắc Củ Chi.

TP phía tây với 2 - 3 triệu người là đô thị công nghiệp, dịch vụ thương mại, công nghệ và dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trung tâm y sinh hóa dược, giáo dục đào tạo...

Vùng này gồm khu vực Tân Nhựt - Lê Minh Xuân, khu vực nằm giữa quốc lộ 1 và đường Tân Tạo Chợ Đệm, khu Lê Minh Xuân, Vĩnh Lộc, Bình Lợi - Lê Minh Xuân, Phạm Văn Hai, Tân Túc, phía Nam đường Vành đai 3.

Thứ năm là TP phía nam với 3 - 4 triệu người là đô thị công nghệ cao, sinh thái nước, kinh tế tri thức, văn hóa nghệ thuật, triển lãm, hội chợ, giải trí, du lịch sinh thái, công nghiệp, logistics, trung tâm kinh tế biển…

Vùng này gồm khu vực phía nam kênh Đôi, phía đông sông Cần Giuộc đến rạch Ông Lớn, phía tây đường Nguyễn Hữu Thọ, phía đông đường Nguyễn Hữu Thọ, khu Long Thới, Hiệp Phước, Bình Khánh, khu đô thị gắn với cảng Bình Khánh, khu sinh thái nông nghiệp - du lịch, khu đô thị Cần Thạnh, khu đô thị lấn biển Cần Giờ.

Nên phát triển TP HCM về hướng tây bắc thay vì phía đông và phía nam

Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, một chuyên gia về quy hoạch đô thị cho rằng, quy hoạch cần hướng tới phát triển bền vững, ít tác động đến môi trường và di sản.

Theo vị KTS này, nếu lấy đường Rừng Sác là trục đường chính thì sẽ phá hỏng khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Hiện nay, Cần Giờ vẫn phải ưu tiên là khu dự trữ sinh quyển, mọi sự phát triển ở đây phải đặt vấn đề môi trường lên hàng đầu.

Chuyên gia này cũng cho rằng, dự thảo quy hoạch chọn hướng phát triển chủ đạo về phía đông và phía nam thành phố là chưa hợp lý.

Lý do là bởi dân số TP HCM sẽ tăng cao, khiến nhu cầu về nhà ở càng lớn. Trong khi đó, khu vực phía nam gồm quận 7, huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ là nơi có địa hành thấp, thường xuyên chịu ảnh hưởng nước biển dâng và biến đổi khí hậu nên không phù hợp cho việc xây dựng đô thị, tăng mật độ dân số.

Do vậy, TP HCM nên chọn hướng phát triển chủ đạo về hướng tây bắc (khu vực Hóc Môn, Củ Chi) vì khu vực này có nền đất cao, phù hợp cho việc xây dựng các khu nhà ở cao tầng, giá rẻ cho người lao động.

Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng đề xuất 6 định hướng chiến lược cho TP HCM gồm: Phát triển hệ thống đô thị đa trung tâm với các mục tiêu như cung ứng đầy đủ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cho mọi khu đô thị lớn nhỏ; chuyển hướng chủ đạo phát triển khu nhà ở cao tầng ưu tiên về phía vùng đất cao.

Thứ hai, phát triển kinh tế biển với logistics liên kết vùng; thứ ba là quy hoạch khu đô thị TOD theo tư duy kinh tế thị trường; thứ tư là quy hoạch kết nối khu trung tâm và kết nối không gian ngầm; thứ 5 phát triển không gian xanh và đô thị ven sông Sài Gòn; cuối cùng là bảo tồn di sản 300 năm và khu trung tâm lịch sử.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.