Loạt cây cầu đang nối đuôi nhau về đích sau nhiều năm chậm tiến độ ở TP HCM

Hàng loạt cây cầu tại TP HCM như cầu Nam Lý, cầu Long Đại, cầu Phước Long, cầu Rạch Đỉa... được khởi động trở lại sau nhiều năm chậm tiến độ, tạm ngừng thi công.

Sau nhiều năm chậm tiến độ, chủ yếu vì lý do mặt bằng thi công, loạt cây cầu tại TP HCM bao gồm  cầu Nam Lý, cầu Phước Long, cầu Rạch Đỉa, cầu Tăng Long, cầu Long Đại, cầu Long Kiểng và cầu Vàm Sát 2 đã lần lượt được TP HCM thi công trở lại.

Trong đó, cầu Long Kiểng nằm tại huyện Nhà Bè và cầu Vàm Sát 2 tại huyện Cần Giờ đã khánh thành sau một thời gian tái xây dựng.

Cầu Long Kiểng được phê duyệt cách đây hơn 22 năm. Sau nhiều lần bị tạm ngưng, tháng 8/2018, dự án tái khởi động và đến tháng 12/2019 lại tạm dừng do không có mặt bằng.

Ngày 8/9/2022, UBND huyện Nhà Bè bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư và các nhà thầu tiếp tục thi công. Công trình dài hơn 318 m, đường dẫn hai đầu 661 m, tổng vốn đầu tư hơn 589 tỷ đồng. Sau một năm thi công trở lại, cây cầu này đã được TP HCM thông xe vào dịp 2/9 vừa qua.

 Cầu Long Kiểng hiện nay. (Ảnh tư liệu: Hải Quân).

Về cầu Vàm Sát 2, cầu này được Sở Giao thông Vận tải phê duyệt năm 2016 (điều chỉnh tháng 3/2022). Sau khi tiếp nhận mặt bằng đợt 1, dự án khởi công vào đầu năm 2018.

Song do không được giao tiếp mặt bằng nên công trình đã tạm dừng từ tháng 12/2019 đến tháng 10/2022. Sau 11 tháng thi công trở lại, chủ đầu tư đã hoàn thành công trình trước một tháng so với kế hoạch. TP HCM cũng đã khánh thành cây cầu này vào dịp 2/9 vừa qua.

Cầu Vàm Sát 2 được xây dựng song song với cầu Vàm Sát hiện hữu, vốn có tải trọng thấp và đã xuống cấp. Điểm đầu là đường Lý Nhơn, phía đường Rừng Sác; điểm cuối là ngã ba đường Lý Nhơn và đường đê Soài Rạp. Dự án có tổng mức đầu tư gần 343 tỷ đồng.

 Cầu Vàm Sát 2 hiện nay. (Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ trang TP HCM).

Ngoài hai cây cầu đã được khánh thành, các cây cầu chậm tiến độ lâu năm và đã được thi công trở lại như cầu Nam Lý, cầu Long Đại, cầu Phước Long, cầu Rạch Đỉa, cầu Tăng Long hiện cũng đã lần lượt được TP HCM thi công trở lại và đang băng băng "về đích".

Mới nhất, ngày 28/10, UBND TP Thủ Đức đã phối hợp Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các Công trình Giao thông TP HCM bàn giao mặt bằng thi công cầu Tăng Long nằm trên địa bàn 4 phường gồm Long Trường, Trường Thạnh, Tăng Nhơn Phú A và Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức.

Cầu Tăng Long bắc qua rạch Trau Trảu nằm trên tuyến đường Lã Xuân Oai. Dự án có tổng quy mô 2,6 ha, có 34 hộ dân bị ảnh hưởng với tổng mức đầu tư 741 tỷ đồng.

Cây cầu này đã được khởi công vào ngày 14/12/2017 đến thời điểm tháng 9/2019 đã hoàn thành phần kết cấu nhịp đúc hẫng nhánh trái, phần tường chắn hộp cầu nhánh trái phía Khu công nghệ cao. Sau đó dự án đã phải ngưng thi công do vướng mặt bằng.

Sau khi thi công trở lại, dự kiến cầu sẽ được hoàn thành và đưa vào lưu thông trước ngày 30/4/2025.

 Cầu Tăng Long trên tuyến đường Lã Xuân Oai. (Ảnh tư liệu: Hải Quân).

Cách cầu Tăng Long khoảng 10 km, cũng nằm tại tại TP Thủ Đức, hồi cuối tháng 3, TP HCM đã bàn giao mặt bằng và tiếp tục thi công xây dựng cầu Nam Lý trên đường Đỗ Xuân Hợp, phường Phước Long B.

Cây cầu có chiều dài khoảng 750 m, được xây dựng để thay thế đập Rạch Chiếc, với tổng mức đầu tư 919 tỷ đồng, khởi công vào tháng 10/2016 và đã triển khai thi công tại các vị trí đã có mặt bằng.

Dự án đã bị tạm dừng thi công từ tháng 4/2019 để chờ tiếp tục bàn giao mặt bằng. Sau 4 năm tạm dừng, đến tháng 3, TP Thủ Đức đã cơ bản hoàn tất công tác bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án. Dự kiến thời gian hoàn thành cây cầu này vào tháng 5/2024.

 Cầu Nam Lý trên tuyến đường Đỗ Xuân Hợp được khởi công lại. (Ảnh tư liệu: Hải Quân).

Trên địa bàn TP Thủ Đức còn có một cây cầu khác là cầu Long Đại, cầu này cũng đã được thi công trở lại vào cuối năm 2022. Theo Báo Xây dựng, dự án được phê duyệt năm 2015 và khởi công vào tháng 3/2017.

Cầu Long Đại có chiều dài 493 m, bề rộng 14 m với quy mô 4 làn xe, với tổng mức đầu tư khoảng 350 tỷ đồng.

Dự kiến cây cầu sẽ hoàn thành sau hai năm, Song do vướng giải phóng mặt bằng nên phải tạm ngưng thi công. Đến cuối năm 2022 dự án mới khởi động trở lại. Dự kiến cây cầu này sẽ được khánh thành vào tháng 12 năm nay.

 Cầu Long Đại sẽ được hoàn thành vào tháng 12 năm nay. (Ảnh tư liệu: Hải Quân).

Bên cạnh ba cây cầu nằm trên địa bàn TP Thủ Đức, TP HCM còn hai cây cầu chậm tiến độ và đã được thi công trở lại là cầu Phước Long và cầu Rạch Đỉa.

Đối với cầu Phước Long, theo thông tin từ Báo Pháp luật Việt Nam, cầu được triển khai thi công từ năm 2020, song cũng đành tạm ngưng vì thiếu mặt bằng. Đến hồi tháng 6, khu vực này bắt đầu bàn giao mặt bằng trở lại cho chủ đầu tư - Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP (Ban Giao thông) để tái khởi động vào tháng 7.

Cầu Phước Long mới dài 380 m, rộng 10,5 m, nằm trên đường Phạm Hữu Lầu, nối quận 7 - Nhà Bè. Theo kế hoạch trước đó, tổng vốn đầu tư 398 tỷ đồng bằng vốn ngân sách nhà nước, thực hiện giai đoạn 2016 - 2019.

Hiện dự án đã được điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án từ gần 398 tỷ đồng lên 748 tỷ đồng. Trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật từ 166 tỷ đồng lên 515 tỷ đồng. Điều chỉnh thời gian thực hiện dự án thành từ năm 2016 - 2025.

 Cầu Phước Long trên đường Phạm Hữu Lầu. (Ảnh tư liệu: Hải Quân).

Về cầu Rạch Đỉa, cây cầu này đã được TP HCM khởi công vào hồi tháng 6 vừa qua. Theo đại diện Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các Công trình Giao thông TP HCM (Ban Giao thông), cầu Rạch Đỉa được UBND thành phố phê duyệt từ năm 2001 và được duyệt điều chỉnh từ tháng 9/2017.

Cầu nằm tại phường Tân Phong, kết nối quận 7 - huyện Nhà Bè, với chiều dài 318 m, gồm 9 nhịp, bề rộng phần vượt sông 10,5 m, phần trên cạn 9 m; phần đường vào cầu dài khoảng 233 m, rộng từ 14 m đến 27 m. Tổng mức đầu tư khoảng 513 tỷ đồng.

Hiện tại, Ban Giao thông đã chuyển 100% chi phí bồi thường theo dự toán được duyệt cho Quận 7 và huyện Nhà Bè. Dự kiến thời gian hoàn thành cây cầu này vào tháng 2/2024.

Cầu Rạch Đỉa mới sẽ được xây dựng tại khu vực cầu sắt Rạch Đỉa hiện hữu. (Ảnh tư liệu: Hải Quân).

chọn
ĐHĐCĐ KSF: Hướng đến thành cổ đông chiến lược của SCG, dồn lực cho siêu dự án Wonder Tower tại Ciputra
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, lãnh đạo KSF cho biết, trong ba năm tới sẽ tập trung hoàn thành ba dự án Golden River, Sky City và Wonder Tower. Trong ba năm tới doanh nghiệp cần tổng mức đầu tư khoảng 35.000 tỷ đồng, doanh thu dự kiến trên 50.000 tỷ đồng.