Khi còn đương thời thì hờ hững
Biển người hâm mộ trong đêm nhạc "Trần Lập - hẹn gặp lại" vừa diễn ra vào ngày 26/02/2017. |
Trần Lập là một ngoại lệ trong câu chuyện này, bởi khi anh còn sống đến khi anh qua đời hơn một năm, người hâm mộ Rock vẫn dành cho vị thủ lĩnh Bức Tường những tình cảm nguyên vẹn, thậm chí còn ngưỡng mộ anh nhiều hơn khi chứng kiến anh chống chọi với bệnh tật với một tinh thần thép. Sức ảnh hưởng của Trần Lập trong làng Rock Việt là không phải bàn cãi, nhưng tinh thần lạc quan và ý chí chiến đấu đến cùng để sống những ngày có ý nghĩa thực sự là một cú hích mạnh mẽ dội vào lòng người hâm mộ, khiến cả những người không yêu nhạc Rock cũng yêu mến và xót thương cho anh.
Trong đêm nhạc “Trần Lập – hẹn gặp lại”, hòa lẫn trong các fan của Rock là những người yêu tinh thần của Trần Lập, họ đến chưa hẳn là vì đêm nhạc quy tụ nhiều nghệ sĩ hàng đầu mà họ đến chính là để “gặp” Trần Lập, được sống cùng anh trong hồi ức của chính họ, những hoài niệm mà âm nhạc của Bức Tường và giọng ca Trần Lập đã đi qua cuộc đời họ, đã dạy cho họ bao bài học, thậm chí an ủi họ trên nhiều quãng khó khăn của cuộc đời. Thế nhưng, vì họ đã vô tâm hoặc coi việc thụ hưởng âm nhạc của nghệ sĩ nói chung là một việc đương nhiên, vậy nên chỉ đến khi nghệ sĩ đó qua đời, người yêu nhạc mới nhận ra chính bản thân mình đã “bạc đãi” âm nhạc của nghệ sĩ mình yêu mến như thế nào.
Đêm nhạc tưởng nhớ nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 sau khi ông đã qua đời (Ảnh: Báo Nghệ An) |
Trước đó, người yêu nhạc bàng hoàng hay tin hàng loạt nghệ sĩ lão làng của nền âm nhạc Việt qua đời: Nhạc sĩ Thanh Tùng, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, nhạc sĩ Lương Minh, ca sĩ Minh Thuận... là những nghệ sĩ có bề dày hoạt động nghệ thuật và sở hữu những bản hit đi cùng năm tháng. Người hâm mộ có thể không nhớ tên tác giả, nhưng những giai điệu của “Một mình”, của “Em và tôi”, của “Không!”, “Ai đưa em về”... khi cất lên thì dường như ai cũng thấy quen thuộc.
Âm nhạc của người nghệ sĩ này đã tiếp cận với công chúng nhẹ nhàng, đồng điệu và sâu đến những hồi ức của họ. Không biết vì lẽ gì mà người yêu nhạc không nhận ra, chỉ cho đến khi hay tin, thì hàng loạt những thán từ “bàng hoàng”, “đau xót”, “tiếc thương” được giật tít lên mặt báo. Để làm gì? Chỉ để nhận ra chúng ta đã “bạc đãi” âm nhạc của họ đến thế nào, trong khi chính những ca khúc đó đã từng ở trong tim họ, thậm chí từng cứu rỗi cho những cuộc tình của chính họ, là bài học của cuộc đời họ. Nhưng...
Phải chết mới thiêng?
Cái câu hỏi đến là chua chát nhưng tiếc thay lại đúng như thế. Không chỉ riêng âm nhạc, hàng loạt nghệ sĩ ở các lĩnh vực khác với những hoạt động nghệ thuật để đời, truyền cảm hứng cho bao thế hệ nhưng phải đến khi qua đời thì mới được vinh danh. Mà, sự vinh danh ấy đến từ cái giật mình của đồng nghiệp, những người chua xót hộ người nghệ sĩ đã nằm xuống, phải “xin” mới được vinh danh. Cho dù người nghệ sĩ ấy vốn không cần những màn vinh danh màu mè ấy ngay từ khi còn sống, thì huống chi khi họ đã buông hết sân si ở đời, vinh danh hay không vinh danh, tưởng nhớ hay không tưởng nhớ có nghĩa lý gì đâu.
Nghệ thuật ở Việt Nam mang khái niệm “vô giá” với đại đa số công chúng. “Vô giá” ở đây được được hiểu là miễn phí. Và vì thế, đại bộ phận khán giả vẫn thích nghe nhạc chùa, xem phim chùa, nhóm khán giả bỏ tiền ra để mua một đĩa nhạc gốc hoặc bỏ tiền để xem một đêm nhạc chất lượng thực sự rất ít. Vấn đề bản quyền luôn là một chủ đề gây tranh cãi bởi tính thích thụ hưởng miễn phí của người “yêu” nghệ thuật nói chung và “yêu” nhạc nói riêng ở Việt Nam.
Sau khi nhạc sĩ Thanh Tùng qua đời, âm nhạc của ông "bỗng dưng" được người hâm mộ quan tâm và chia sẻ các bài hát liên tục trên mạng xã hội. Đêm nhạc của nhạc sĩ này cũng diễn ra ngay sau đó (Ảnh: gia đình xã hội) |
Vì người yêu nhạc luôn thích những món ăn tinh thần miễn phí, luôn nghe nhạc một cách “vô tư” và không có nhu cầu để nâng cao gu thưởng thức nghệ thuật của mình, họ đổ lỗi cho nhiều thứ: Thời gian, cơm áo, gạo tiền... để “lòi” ra cái điều cuối cùng là tâm lí “thích miễn phí” và không trân trọng chất xám của người nghệ sĩ đương thời.
Và vì thế, khi chủ nhân của tác phẩm mà họ đã và đang yêu thích qua đời, họ mới “bàng hoàng”, “đau xót”, “tiếc thương” những giá trị nghệ thuật bất hủ của người nghệ sĩ đó mang lại cho họ, rồi những đêm nhạc tưởng nhớ được dựng lên, đông nghịt khán giả, đông nghịt tiếc nuối, đông nghịt xót xa hoài niệm... Ầm ĩ qua đi, người yêu nhạc quay lại thói quen cố hữu của mình là xài chùa và thờ ơ với tác phẩm của người nghệ sĩ mình yêu thích, để rồi câu chuyện về cái bánh xe cứ lăn về chỗ cũ, nghệ sĩ đương thời cứ thở dài với tác phẩm của chính mình: Có lẽ, phải chết mới thiêng!