Phở khô còn có tên khác là phở "hai tô". Ảnh: Trần Huyền |
Đặt chân đến Gia Lai, dù bạn hỏi bất kì anh lái taxi hay người bán hàng ven đường cũng như nhiều người dân phố Núi về đặc sản nổi tiếng ở đây, không ai là không biết món phở Khô trứ danh.
Phở khô là món ăn dân dã nổi tiếng của phố núi Gia Lai hay còn có tên gọi khác là phở hai tô. Sở dĩ có tên gọi như vậy vì khi thưởng thức món ăn này, thực khách sẽ được phục vụ hai tô, một tô bánh phở và một tô nước dùng. Bởi vậy, từ hàng chục năm nay phở khô vẫn có sức sống lâu bền trong lòng người Gia Lai và khách du lịch, bởi sự độc đáo từ cách chế biến đến cách trình bày khi ăn.
Phở khô sau khi chần vẫn nguyên dạng ban đầu. Ảnh: Trần Huyền |
Phở khô dùng sợi phở tròn mảnh chứ không mềm và dẹt như phở thông thường. Nhiều người cho rằng, phở khô khá giống sợi hủ tiếu nhưng lại là loại phở đặc biệt chỉ có thể tìm thấy ở Gia Lai. Phở được làm hoàn toàn từ gạo nên khi chần, trộn lên vẫn dai, thơm chứ không dính như sợi hủ tiếu cũng không nhũn nát hay vón cục như nhiều loại mì khô, phở khô khác.
Nước dùng được nấu từ nước hầm xương nên có vị thanh ngọt ngon miệng. Ảnh: Trần Huyền |
Ngoài sợi phở, nước dùng cũng là thành phần quan trọng làm tạo nên yếu tố "đặc biệt" cho món ăn. Nước dùng của phở khô Gia Lai trong veo và có vị thanh ngọt rất ngon miệng được người ta ninh từ xương lợn và bò.Trong tô nước dùng có thể là một vài viên bò, đôi ba miếng bò tái thái lát mỏng hay thịt gà, điểm xuyết màu xanh của hành lá rau thơm hấp dẫn vô cùng.
Đến Pleiku đừng quên ăn phở Khô... ngon quên đường về. Ảnh: Trần Huyền |
Cũng là phở, nhưng có lẽ phở khô Gia Lai là món ăn duy nhất mà các nguyên liệu thịt lại có thế kết hợp nhuần nhị với nhau được như thế. Trong tô phở khô là thịt lợn bằm nhỏ, loại ba chỉ pha chút mỡ màng mềm mại; trong tô nước dùng lại có thể dùng thịt bò sừn sựt, thịt gà dẻo dai vậy mà khi ăn cùng với nhau lại trở nên hấp dẫn, ngon miệng.
Tô phở khô ngoài phở còn có thêm giá chần, chút thịt nạc bằm, rắc chút hành phi thơm vàng, điểm thêm vài lát ớt đỏ, tùy khẩu vị mỗi người mà có thể chế thêm tương nâu, xì dầu, tương ớt, chanh, giấm cho vừa vặn.
Khi ăn, cho tương đen vào bánh phở và trộn đều với các gia vị khác. Ảnh: Trần Huyền |
Nhiều người nhận thấy, thứ làm nên độ ngon của phở khô chính là nước tương đen. Dù chỉ là gia vị ăn kèm, nhưng nếu thiếu tương đen, thực khách sẽ cảm thấy món ăn của mình như mất đi quá nửa hương vị. Tương đen được lên men từ đậu nành, bên cạnh vị mặn còn có vị ngậy béo, ngọt dịu và thơm của lạc lên men.
Khi ăn phở khô Gia Lai, bạn không nên vội vàng, tuy không nóng hôi hổi như phở thường nhưng cái thú gia giảm rau thơm, cho tương đen, gia vị vào trộn đều thật kĩ, tới khi các nguyên liệu thấm đều mới từ từ đưa lên miệng thưởng thức, đưa đẩy thêm ngụm nước dùng ngọt béo mới thấy hết cái tình ý sâu sắc trong món ăn phố núi.
Mỗi suất ăn như thế này có giá 35.000 đồng. Ảnh: Trần Huyền |
Nhẩn nha vị dai dai của phở hoà quyện cùng vị thơm, cay của các loại gia vị, rồi xì xụp với tô nước lèo, lim dim mắt, gật gù hưởng vị ngon của miếng thịt bò non, mềm cùng vị ngọt của nước lèo giữa đại ngàn gió núi, thấy đất trời như tươi đẹp hơn. Có lẽ vì thế mà những con người nơi đất đỏ xem món phở khô như một phần không thể thiếu trong nét văn hoá ẩm thực của nơi này.
Bởi vậy mà phở khô Gia Lai ngày nay được người cao nguyên tự hào mang đi khắp nơi, đưa hương vị phố núi giới thiệu với bạn bè các vùng miền, chinh phục những chuyên gia ẩm thực khó tính nhất để trở thành một trong mười đặc sản Việt Nam được tổ chức kỉ lục châu Á công nhận đạt giá trị ẩm thực châu Á. Kết quả đó làm cho những người con Gia Lai không khỏi mừng vui và tự hào.
Đô thị 11:40 | 11/02/2020
Kinh doanh 11:16 | 11/02/2020
Đô thị 14:33 | 09/09/2019
Thời sự 12:16 | 24/05/2019
Lối sống 06:29 | 06/05/2019
Pháp luật 21:11 | 31/03/2019
Pháp luật 07:35 | 14/02/2019
Pháp luật 04:59 | 29/01/2019