Nằm trên địa phận 3 tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh, hồ Dầu Tiếng được biết đến như là một trong những hồ nước nhân tạo lớn nhất tại Việt Nam và Đông Nam Á. Hồ có diện tích mặt nước lên đến 27km vuông, xung quanh là thảm cỏ bao la với không gian thoáng đãng, cực kì yên tĩnh.
Một vài năm trở lại đây, hồ Dầu Tiếng nổi danh như là địa điểm cắm trại, thư giãn cuối tuần cực kì lí tưởng tại khu vực phía Nam. Với không khí trong lành, mát mẻ lại sở hữu view núi Bà Đen lung linh, huyền ảo vào ban đêm, rất nhiều gia đình và các nhóm bạn trẻ đã lựa chọn hồ Dầu Tiếng là nơi dừng chân cho những chuyến đi ngắn ngày quanh khu vực Sài Gòn.
Tại hồ Dầu Tiếng, bạn có thể lựa chọn tự mang theo đồ cắm trại hoặc thuê dịch vụ cắm trại từ các bên cung cấp. Giá thuê dịch vụ có nhiều mức khác nhau tùy thuộc vào nhu cầu cụ thể của bạn. Tại Đi Bụi camping, mức giá thuê cho nhóm từ 5 người trở lên là 499.000 đồng/người.
Ở hồ Dầu Tiếng có hai mùa khí hậu nổi bật là mùa nước nổi và mùa nước cạn. Mùa nước nổi thường bắt đầu từ khoảng tháng 7 cho đến tháng 10 âm lịch. Lúc này, thời tiết tại Tây Ninh trùng với mùa mưa nên mực nước trong hồ dâng lên khá cao. Bạn vẫn có thể cắm trại vào mùa này, tuy nhiên việc tìm kiếm địa điểm dựng trại sẽ gặp đôi chút khó khăn.
Còn trong khoảng thời gian từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, hồ bước vào mùa nước cạn. Đây cũng được coi là thời điểm lí tưởng nhất để cắm trại tại hồ Dầu Tiếng. Mùa khô tại Tây Ninh khá oi bức, tuy vậy không khí quanh hồ lại khá mát mẻ. Thời tiết khô ráo cũng tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức các hoạt động ngoài trời xung quanh khu vực hồ.
Để tới được hồ Dầu Tiếng, bạn có thể lựa chọn nhiều loại phương tiện khác nhau tùy thuộc vào vị trí của điểm cắm trại. Nếu đi xe máy thì sẽ dễ dàng hơn cho việc thăm thú, chiêm ngưỡng cảnh vật xung quanh, tuy vậy, đi xe máy sẽ khó khăn hơn khi mang nhiều đồ cắm trại. Còn lựa chọn ô tô sẽ an toàn hơn, tuy nhiên với một số đoạn phải đi qua hố trâu tắm, ô tô gầm thấp phải đẩy mới vượt qua được.
Nếu xuất phát từ Sài Gòn, bạn nên đi dọc theo quốc lộ 13, đến ngã ba suối Giữa thì rẽ trái vào đường Nguyễn Chí Thanh. Tiếp tục chạy dọc theo đường DT744, Cách mạng tháng Tám, Trần Văn Lắc, sau đó rẽ phải vào đường DT702, men theo dọc bờ hồ là đến.
Còn nếu đi từ Tây Ninh, du khách chỉ cần chạy thẳng con đường Cách mạng tháng Tám, qua tòa thánh Tây Ninh tới núi Bà Đen rồi thị trấn Dương Minh Châu, cuối cùng rẽ phải theo đường ven hồ là tới địa điểm cắm trại.
Tới hồ Dầu Tiếng, bạn có thể lựa chọn cắm trại tại bãi Đá Trứng - địa điểm khá nổi tiếng với cộng đồng phượt hoặc một số điểm cắm trại tự phát khác tùy theo nhu cầu của mình.
Xem thêm: Du lịch Tây Ninh
Nếu có cơ hội cắm trại qua đêm tại hồ Dầu Tiếng, bạn sẽ vô cùng “ngỡ ngàng” bởi khung cảnh trong lành, yên tĩnh đặc trưng tại nơi đây. Ngoài hoạt động cắm trại, nghỉ dưỡng, các nhóm bạn có thể tổ chức những buổi team building hay hát hò, tổ chức chèo thuyền, bơi lội tại nơi đây.
Nếu có kế hoạch cắm trại tại hồ Dầu Tiếng, bạn nên lưu ý một số điểm sau để chuyến đi được trọn vẹn và ý nghĩa nhất:
- Tuyệt đối không xả rác sau khi cắm trại để giữ gìn vệ sinh và cảnh quan vốn có tại nơi đây.
- Địa điểm cắm trại khá gần khu dân cư vậy nên hạn chế làm ồn. Bên cạnh đó cũng không nên tổ chức hát karaoke hay bật nhạc quá muộn.
- Nên mang thêm kem bôi muỗi đốt do càng về đêm, côn trùng và muỗi xuất hiện khá nhiều.
- Chuẩn bị lều cách nhiệt, phòng khi nhiệt độ có thể xuống thấp vào ban đêm.