Đèo Cả (DCG) lãi 6 tháng tăng 78%, đã giải ngân 200 tỷ trái phiếu vào cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo

Nừa đầu năm 2022, Tập đoàn Đèo Cả (DCG) báo lãi sau thuế gần 258 tỷ đồng. Doanh thu của doanh nghiệp chủ yếu đến từ các hợp đồng xây lắp và các trạm thu phí BOT.

Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ sau soát xét Tập đoàn Đèo Cả.  

Vừa qua, CTCP Tập đoàn Đèo Cả (DCG) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm sau soát xét với doanh thu thuần hơn 1.970 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ, chủ yếu đến từ các hợp đồng xây lắp (1.174 tỷ đồng) và các trạm thu phí BOT (729 tỷ đồng).

Giá vốn bán hàng của Đèo Cả tăng 46% lên 1.333 tỷ đồng đã kéo biên lãi gộp giảm nhẹ từ 35,5% ở cùng kỳ về 32,3% trong nửa đầu 2022. Trong 6 tháng, doanh nghiệp ghi nhận 99 tỷ đồng doanh thu tài chính, chủ yếu lãi tiền gửi và cho vay. Các chi phí tài chính và quản lý doanh nghiệp lần lượt là 328 tỷ đồng và 120 tỷ đồng.

Kết quả, Đèo Cả báo lãi sau thuế 258 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng 78% so với cùng kỳ. 

Tính đến 30/6/2022, tổng tài sản của Đèo Cả là 41.777 tỷ đồng, tăng khoảng 6% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tài sản cố định ghi nhận 28.905 tỷ đồng, chiếm hơn 61% tổng tài sản, phần lớn là giá tạm tính của tài sản hình thành từ các dự án như BOT và cao tốc. 

Hàng tồn kho của Đèo Cả ghi nhận hơn 718 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí dở dang liên quan đến các công trình xây lắp chưa hoàn thành. Phải thu ngắn hạn ghi nhận 3.778 tỷ đồng. Chi phí trả trước dài hạn 3.924 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí lãi vay. 

Nợ phải trả của doanh nghiệp tính đến 30/6 là 29.138 tỷ đồng, không biến động nhiều so với đầu năm. Vay nợ tài chính chiếm hơn 73% tổng dư nợ, trong đó có một lô trái phiếu 200 tỷ đồng, còn lại là các khoản vay ngân hàng để thực hiện các dự án.

Nói thêm về lô trái phiếu 200 tỷ đồng, Đèo Cả cho biết, tính đến 28/6/2022, doanh nghiệp đã giải ngân toàn bộ số tiền này vào dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020. 

Tại ngày 30/6/2022, vốn điều lệ của Đèo Cả tăng 972 tỷ đồng so với đầu năm, lên 4.207 tỷ đồng. Trong đó, Chủ tịch Hồ Minh Hoàng nắm 47,74% vốn góp; CTCP Tập đoàn Hải Thạch nắm 17,26% ông Võ Thụy Linh (2,56%); Công ty TNHH Đèo Cả Capital (3,51%) và các cổ đông khác (28,93%).

Dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn của Đèo Cả. (Ảnh: Hoàng Huy).

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, Đèo CẢ đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 4.916 tỷ đồng, tăng 21,1% và lãi sau thuế 472 tỷ đồng, tăng 15,1% so với năm 2021. Cùng với đó, Đèo Cả đã có kế hoạch gia nhập sàn UpCom trong năm 2022. 

Trong hoạt động đầu tư, Đèo Cả sẽ tập trung hoàn thành việc phê duyệt triển khai các dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng, Tân Phú - Bảo Lộc. Đồng thời, nghiên cứu và tiếp cận một số Dự án mới dự kiến đầu tư theo hình thức PPP như cao tốc TP HCM - Chơn Thành và hoàn thiện hồ sơ, thủ tục pháp lý thúc đẩy các dự án đầu tư công khác.

Đèo Cả cũng lên kế hoạch tăng vốn góp tại CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (mã chứng khoán: HHV) để đầu tư vào các dự án hạ tầng, bất động sản… với tổng nhu cầu sử dụng vốn là 4.244 tỷ đồng.

 

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.