Dẹp 'phố cà phê đường tàu' là cần thiết, không nên tiếc rẻ

Đang có nhiều ý kiến tiếc nuối “cà phê đường tàu”. Nhưng vì sự an toàn cho cho người dân và du khách, việc dẹp bỏ là cần thiết.

Sau khi Bộ GTVT đề nghị Hà Nội giải toả các tụ điểm cà phê trong hành lang đường sắt vì mất an toàn giao thông, ngay lập tức có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh yêu cầu này. Người làm giao thông thấy mất an toàn giao thông, nguy hiểm cho người dân kiên quyết bắt dẹp, một số bày tỏ quan điểm cần quản lý tốt, không nên bỏ...

Dẹp 'phố cà phê đường tàu' là cần thiết, không nên tiếc rẻ - Ảnh 1.

Du khách chen nhau chụp ảnh đoàn tàu lăn bánh.

“Cà phê đường tàu”, một trải nghiệm mạo hiểm

Theo tìm hiểu của phóng viên VOV, từ cuối năm 2017, trên các tuyến phố Lê Duẩn - Điện Biên Phủ - Trần Phú - Phùng Hưng, phường Cửa Đông, Hàng Bông, Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm) bắt đầu xuất hiện “cà phê đường tàu”. Tiếp đó, xuất hiện ở phường Khâm Thiên, Văn Miếu (quận Đống Đa, Hà Nội)…

Từ giữa năm 2018, các công ty du lịch bắt đầu dẫn du khách nước ngoài đến trải nghiệm cảnh mạo hiểm với tiêu chí “chưa đến phố đường tàu là chưa ghé Hà Nội”.

Thấy du khách tới đông, nhiều người dân cạnh khu vực đường tàu đã mở quán cà phê bất chấp cảnh báo nguy hiểm. Đặc biệt, gần đây từ 14h đến 23h30 hằng ngày, sinh viên, khách du lịch rất đông, họ ngồi sát và thậm chí ra giữa đường ray uống cà phê. Khi tàu đến, họ đứng sát để quay phim, chụp ảnh.

Dẹp 'phố cà phê đường tàu' là cần thiết, không nên tiếc rẻ - Ảnh 2.

Dù nhiều ý kiến tiếc nuối “cà phê đường tàu” nhưng các cơ quan quyết dẹp để đảm bảo an toàn cho người dân và du khách.

Con phố dài 200m, nối đường Điện Biên Phủ với đường Trần Phú. Trước đây phố là khu ổ chuột, giữa là tuyến đường sắt, hai bên là những dãy nhà xập xệ.

Từ khi xuất hiện “cà phê đường tàu”, phố bỗng trở thành điểm đến du lịch thú vị với khách nước ngoài và giới trẻ trong nước.

Dẹp 'phố cà phê đường tàu' là cần thiết, không nên tiếc rẻ - Ảnh 3.

Mới đây một nữ du khách Canada gặp nạn vì lúc tàu đến trên vai đeo ba lô chưa kịp tháo ra để nép vào tường.

Thống kê của UBND quận Hoàn Kiếm, chỉ tính riêng khu vực đoạn đường tàu 200 m (giữa phố Trần Phú và Điện Biên Phủ) có tới khoảng chục hộ kinh doanh cà phê, quầy lưu niệm. Tại khu vực phường Đống Đa có khoảng 6 quán cà phê mới mở.

Ông Dương Quốc Tuấn, phụ trách công tác đảm bảo hành lang an toàn giao thông đường sắt thuộc Công ty cổ phần Đường sắt Hà Hải, đơn vị trực tiếp quản lý khu vực “cà phê đường tàu”, du khách trong và ngoài nước đang quá mạo hiểm, đem cả tính mạng của mình ra để đặt cược vào “cà phê đường tàu”.

“Khu vực “cà phê đường tàu” rất hẹp, tôi chứng kiến nhiều du khách phải co mình lại và nép sát vào tường mỗi khi tàu chạy qua”, ông Tuấn cho biết.

Dẹp 'phố cà phê đường tàu' là cần thiết, không nên tiếc rẻ - Ảnh 4.

Tàu từ Hà Nội đi Hải Phòng đã phải dừng hơn một phút ở Phùng Hưng để chờ nhiều du khách đang ngồi uống cà phê và chụp ảnh trên đường tàu kịp “sơ tán” khỏi đường ray mới có thể tiếp tục hành trình.

Quy định chỉ giới đảm bảo an toàn công trình đường sắt là 8,6 m tính từ mép đường ray ngoài cùng. “Tuy nhiên, khu vực “cà phê đường tàu” do tính lịch sử nên hai bên nhà dân chỉ cách mép ray ngoài cùng từ 1,8 m đến 2,3 m.

Khi tàu chạy qua khoảng không còn lại rất ít, đe dọa nghiêm trọng đến an toàn giao thông, nguy cơ tai nạn rất cao. Việc lấn chiếm mở quán hết sức nguy hiểm nên cần phải giữ nguyên hiện trạng theo quy định pháp luật”, ông Tuấn cho biết.

Dừng tàu khẩn cấp để “sơ tán” khách trên phố cà phê Phùng Hưng

Theo Xí nghiệp Đầu máy xe lửa Hà Nội, vào lúc 15h23 ngày 6/10, tàu LP5 do lái tàu Nguyễn Hữu Nam điều khiển xuất phát từ ga Hà Nội đi Hải Phòng, khi đến km1+200 (đoạn qua phố cà phê Phùng Hưng) đã phải dừng hơn một phút để chờ nhiều du khách “sơ tán” khỏi đường ray mới có thể tiếp tục hành trình.

Dẹp 'phố cà phê đường tàu' là cần thiết, không nên tiếc rẻ - Ảnh 5.

Đây là hành lang chạy tàu, chúng ta không nên suy nghĩ là nơi kinh doanh du lịch. Không có lý do gì để kinh doanh ở đó.

"Tại khu vực Phùng Hưng, tốc độ chạy tàu tối đa là 25 km/h song các lái tàu thường điều khiển dưới 20 km/h và kéo còi liên tục để cảnh báo du khách", ông Quách Tuấn Anh, quản đốc Xí nghiệp Đầu máy xe lửa Hà Nội cho biết, đây là lần đầu tiên một đoàn tàu phải dừng hẳn tại đoạn này để tránh khách.

Quản đốc Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội cho biết, thời gian qua chưa có tai nạn tại khu vực cà phê đường tàu Phùng Hưng do tàu đi chậm và các chủ quán thường cảnh báo du khách khi tàu qua. Tuy nhiên, các lái tàu rất căng thẳng khi đi qua khu vực đông người tụ tập.

Dẹp 'phố cà phê đường tàu' là cần thiết, không nên tiếc rẻ - Ảnh 6.

Đừng mạo hiểm, đem cả tính mạng của mình ra để đặt cược vào “cà phê đường tàu.

“Cách đây 2 tháng, tại khu vực cà phê đường tàu tại đoạn qua phố Khâm Thiên đã xảy ra va chạm giữa tàu SE8 và một du khách khiến người này bị xây xát”, ông Tuấn cho hay.

Không "tham bát bỏ mâm", xóa là cần thiết

Bên cạnh đó, có một số ý kiến bày tỏ tiếc nuối nếu xóa mất tụ điểm này và cho rằng, Hà Nội nên giữ nét độc đáo "cà phê đường tàu” và có thêm các biện pháp đảm bảo an toàn thay vì ngăn cấm.

Còn chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh cũng cho rằng, do chính quyền quản lý kém nên đã để người dân tự phát sống trên hành lang giao thông đường sắt nhiều năm, cũng như để các quán cà phê hoạt động trong lòng đường sắt. Do đó, chính quyền cần có giải pháp hợp lý, vừa không để mất an toàn giao thông vừa khai thác du lịch.

Lý giải nguyên nhân cần xóa tụ điểm cà phê đường tàu, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị UBND Hà Nội xóa tụ điểm cà phê đường tàu dựa trên đề xuất của Tổng công ty Đường sắt.

"Đây là hành lang chạy tàu, chúng ta không nên suy nghĩ là nơi kinh doanh du lịch. Không có lý do gì để kinh doanh ở đó", ông Hoạch nhấn mạnh.

Dẹp 'phố cà phê đường tàu' là cần thiết, không nên tiếc rẻ - Ảnh 7.

Mỗi lần tàu qua, khách uống nước lại phải ôm bàn chạy, người đứng chỉ cách đonà tàu 40, 50cm rất nguy hiểm.

Ông Hoạch cho biết, các quán cà phê ven đường sắt từ đầu năm nay có chiều hướng gia tăng mạnh hơn các năm trước, trải dài khu vực đường tàu gần phố Điện Biên Phủ và Khâm Thiên. Việc du khách đi lại xung quanh đường tàu gây mất an toàn khi có tàu chạy qua và gây cản trở đến việc duy tu bảo trì đường sắt.

Lãnh đạo ngành đường sắt lấy dẫn chứng, nhiều năm trước đã có một số vụ trật bánh tàu trong trung tâm Hà Nội khiến một số người chết và bị thương, do đó để đảm bảo an toàn thì chính quyền cần nghiêm cấm không kinh doanh du lịch trong hành lang đường sắt đang hoạt động.

Hà Nội đã quy hoạch khu vực tham quan tại vòng cầu đường sắt phố Phùng Hưng hay ga Long Biên để phục vụ du khách, không nên hoạt động tự phát. 

Trước đó, ngày 4/10, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị TP Hà Nội giải tán tụ điểm cà phê gần sát đường sắt, đe dọa mất an toàn; đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn. Nếu để tình trạng tái lấn chiếm sẽ xử lý cán bộ địa phương quản lý.

Ngày 7/10,UBND thành phố Hà Nội có văn bản chỉ đạo các quận huyện có tuyến đường sắt đi qua chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm trật tự ATGT đường sắt trên địa bàn. Việc xử lý hoàn thành trước ngày 12/10 tới.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.