Từng xảy ra tai nạn thảm khốc ngay sát 'xóm cà phê đường tàu' ở Hà Nội

Năm 1978, vụ lật tàu nghiêm trọng nhất trong lịch sử ngành đường sắt xảy ra ở đầu phố Trần Phú (Hà Nội), khiến 34 người chết. Vị trí tai nạn tiếp giáp với “xóm đường tàu” - nơi hoạt động kinh doanh cà phê “xem” tàu chạy diễn ra tấp nập và hàng trăm lượt người kéo đến chụp ảnh “check-in” mỗi ngày.

Ông Đoàn Duy Hoạch - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) - cho PV Dân trí biết thông tin này trước tình hình vi phạm nghiêm trọng hành lang an toàn giao thông tại “xóm đường tàu”

Tai nạn thảm khốc

Theo Phó Tổng Giám đốc ĐSVN, tại Hà Nội đang có 2 điểm kinh doanh cà phê “xem” tàu chạy là phố Điện Biên Phủ - Phùng Hưng và phố Khâm Thiên. “Đây là trục chính của tuyến tàu quốc gia chứ không phải tuyến nhánh, là điểm tiếp chuyển quan trọng từ ga Hà Nội đi TPHCM, Hải Phòng, Yên Bái, Lào Cai.” - ông Hoạch nhấn mạnh.

Từng xảy ra tai nạn thảm khốc ngay sát 'xóm cà phê đường tàu' ở Hà Nội - Ảnh 1.

Điểm kinh doanh cà phê "xóm đường tàu" tấp nập, người dân và du khách kéo đến check-in (ảnh: Toàn Vũ)

Phó Tổng Giám đốc ĐSVN thông tin, theo đề nghị của Hà Nội, từ hàng chục năm nay đoạn tuyến Điện Biên Phủ - Phùng Hưng không chạy tàu vào ban ngày, chỉ chạy chuyến sáng sớm và tối, thứ Bảy và Chủ nhật không chạy tàu về Hà Nội. Trong khi đó, đoạn tuyến khu vực Khâm Thiên có tần suất khai thác cao, tất cả các chuyến tàu từ Hà Nội đi phía Nam hàng ngày đều chạy qua khu vực Khâm Thiên.

Dẫn chứng về an toàn giao thông đường sắt tại khu vực này, ông Đoàn Duy Hoạch cho biết: “Năm 1978 đã xảy ra vụ lật tàu nghiêm trọng tại đầu phố Trần Phú khiến 34 người chết. Nguyên nhân tai nạn do chủ quan, tại nơi xảy ra sự việc khi đó tập trung đông người nên đã gây ra thiệt hại lớn.”.

Cũng theo ông Hoạch, năm 2001 tại khu vực Cửa Nam cũng xảy ra một vụ tàu trật bánh. Sự việc xảy ra vào ban đêm nên rất may không có thiệt hại về người. Hiện đoạn tuyến Hà Nội - Giáp Bát vẫn thường xuyên xảy ra những vụ việc đáng tiếc do vi phạm hàng lang an toàn đường sắt.

Chiều 6/10 vừa qua, lần đầu tiên một chuyến tàu qua phố cà phê Phùng Hưng phải dừng khẩn cấp để tránh nhiều người tụ tập trên đường ray. Chuyến tàu LP5 đã phải dừng hơn 1 phút, sau khi du khách di chuyển ra vị trí an toàn thì đoàn tàu mới có thể tiếp tục hành trình đi Hải Phòng.

Được biết, ngành đường sắt từ lâu đã phối hợp với chính quyền địa phương, công an địa phương và các gia đình ven tuyến tàu ký cam kết không vi phạm hàng lang an toàn đường sắt, nhưng hiện nay các hộ kinh doanh phát triển mạnh nên việc duy trì cam kết không còn quy củ.

“Cự ly 1,5m có thể đảm bảo cho tàu chạy, nhưng lực hút khi tàu chạy qua rất lớn nên để đảm bảo an toàn thì khoảng cách phải là 5m theo quy định. Người dân và du khách đến chụp ảnh khi không có tàu thì không vấn đề gì, nhưng khi tàu về mà đứng chụp ảnh thì rất nguy hiểm. Với tình hình hàng quán kinh doanh cà phê tấp nập và người đến vui chơi đông như hiện nay, nếu xảy ra tàu trật bánh hay sự cố thì hậu quả sẽ rất đáng tiếc. ” - ông Hoạch nói.

Nguy hiểm rình rập!

Về các điểm kinh doanh cà phê tại “xóm đường tàu”, do tụ tập đông người vui chơi và chụp ảnh nên Phó Tổng Giám đốc ĐSVN đánh giá đó là hoạt động rất nguy hiểm và cấp thiết phải có giải pháp, tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra do vi phạm hành lang an toàn đường sắt.

Ông Hoạch cho rằng không thể cấm người dân kinh doanh, bởi các hộ dân kinh doanh được là do địa phương đã cấp phép. Tuy nhiên, muốn sử dụng không gian ven đường tàu để kinh doanh thì phải có quy hoạch cụ thể, phải có phê duyệt đó là điểm dành cho kinh doanh - du lịch, phải có biện pháp đảm bảo an toàn giao thông. Người dân có nhu cầu kinh doanh phải đăng ký và được cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương cấp phép đầy đủ.

Từng xảy ra tai nạn thảm khốc ngay sát 'xóm cà phê đường tàu' ở Hà Nội - Ảnh 2.

Hình ảnh ghi lại cho thấy lực lượng chức năng có mặt nhưng không có hành động ngăn cản du khách xâm phạm đường sắt (ảnh: Toàn Vũ)

Theo Luật Đường sắt, tàu hỏa được ưu tiên đặc biệt trong hoạt động khai thác, nhưng hiện tại khi tàu chạy qua khu vực Điện Biên Phủ - Phùng Hưng hay Khâm Thiên đều phải giảm tốc độ và di chuyển rất chậm để đảm bảo an toàn cho người dân. Việc này cũng gây thiệt hại cho hành khách đi tàu, gây ảnh hưởng tới lịch trình chạy của các đoàn tàu khác.

“Không thể tận dụng không gian đường sắt để kinh doanh, không được lấn chiếm hành lang an toàn giao thông vì bất kỳ lí do gì. Thời điểm không có tàu chạy qua thì không có nghĩa là hoạt động đường sắt bị dừng, bởi đó là lúc nhân viên đường sắt phải đi tuần đường, duy tu, bảo quản chất lượng nền đường, kiểm tra đường ray, tà vẹt, rãnh thoát nước... Việc kinh doanh, tụ tập chụp ảnh gây cản trở và ảnh hưởng rất nhiều cho bảo trì hệ thống hạ tầng đường sắt.” - ông Hoạch cho hay.

Lãnh đạo Tổng Công ty ĐSVN cũng cho biết thêm, Hà Nội đang tiến hành đục vòm cầu dẫn đường sắt ở Phùng Hưng và tân trang lại cầu dẫn cầu Long Biên phía Hà Nội để làm điểm văn hóa, du lịch. Ga Long Biên cũng đã được ngành đường sắt cải tạo theo phong cách kiến trúc tân cổ điển xu hướng Pháp, tạo hình ảnh đẹp trong chuỗi điểm đến khu vực này.

Bộ GTVT cho biết, trong 9 tháng của năm 2019, tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn TP.Hà Nội diễn biến phức tạp. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu do người dân và du khách tụ tập đông người để chụp ảnh, đứng, ngồi uống cà phê trong lòng đường sắt.

Các hộ dân kinh doanh trong khu vực tiếp giáp dọc đường sắt có hành vi họp chợ, kê bàn ghế buôn bán phục vụ du khách trong lòng đường sắt… Các vi phạm này gây nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông đường sắt.

Bộ GTVT đề nghị UBND TP Hà Nội kiên quyết xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm trật tự ATGT đường sắt theo quy định của pháp luật; Thực hiện các biện pháp để ngăn chặn, giải tán các tụ điểm đông người quay phim, chụp ảnh, ngồi uống cà phê trong lòng đường sắt.

chọn
Khu đô thị Bắc Châu Giang của Mặt Trời Thanh Hoá: Giáp cao tốc và Vành đai 5, sẽ chuyển đổi 108 ha đất lúa
Khu đô thị sinh thái Bắc Châu Giang tại TP Phủ Lý, Hà Nam do liên danh Mặt Trời Thanh Hoá - Đầu tư Tây Bắc làm chủ đầu tư có quy mô 176 ha, tổng vốn gần 9.000 tỷ đồng. Tại đây sẽ xây dựng khoảng 4.735 căn nhà ở liền kề, biệt thự và chung cư hỗn hợp.