Lái tàu thót tim khi qua 'xóm cà phê'

Kéo một hồi còi dài, song cô gái vẫn đứng sát đường ray chụp ảnh, lái tàu Nguyễn Hữu Nam buộc phải kéo phanh dừng đoàn tàu.

Ba ngày trôi qua, anh Nguyễn Hữu Nam, Xí nghiệp đầu máy Hà Nội vẫn nhớ như in thời khắc phải giật phanh tàu chiều chủ nhật 6/10. Khi đó tàu vừa rời ga Hà Nội đi Hải Phòng, đến đoạn phố Phùng Hưng, anh thấy một nữ du khách người châu Á đứng sát ray và quay lưng vào đầu máy để chụp ảnh.

Kéo còi liên tục nhưng vị khách không di chuyển, anh Nam kịp dừng tàu khi cách nữ du khách khoảng 3 mét. Lái phụ rướn người ra khỏi buồng lái quát to thì cô này mới bước khỏi đường ray.

Đây là lần thứ ba, lái tàu Nam phải phanh khẩn cấp để tránh du khách trên đường ray đoạn qua phố Phùng Hưng. Trước đó vài tháng, anh từng gặp một nam du khách ngồi trên ray, khiến anh phải dừng tàu.

"Chúng tôi rất căng thẳng, áp lực khi qua đoạn đường này khoảng một năm trở lại đây. Du khách thường đứng rất sát ray, cách 30-40 cm nên tôi rất lo tàu quệt vào người họ hoặc vướng vào váy áo các chị em mà lôi người đi", anh Nam nói.

Lái tàu thót tim khi qua 'xóm cà phê' - Ảnh 1.

Tấm biển cảnh báo đặt trước phố Trần Phú. (Ảnh: Anh Duy).

Theo anh Nam, khách đến khu phố cà phê đường tàu ngày càng đông, đồng nghĩa tình trạng mất an toàn giao thông đường sắt tăng lên, nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao. Hành lang đường sắt giữa đường tàu và quán cà phê có chỗ hẹp dưới 1 mét, nên "chỉ hai người đứng cạnh nhau mà một người nhích chân bước ra thì có thể người kia chạm vào tàu".

Để hạn chế tai nạn, các lái tàu thường kéo còi liên tục trên cả đoạn phố cà phê gần một km và đi chậm dưới 25 km/h để kịp phanh khi có sự cố.

Cũng thường xuyên đi chặng Hà Nội - Hải Phòng, lái tàu Ngô Văn Hoàn (Xí nghiệp đầu máy Hà Nội) với 37 năm trong nghề chia sẻ, du khách thích xem tàu hỏa và hiếu kỳ nên khi tàu đến họ thường nhao ra sát đường ray, hoặc đứng trên ban công giơ điện thoại sát vào đầu máy để chụp ảnh. Đặc biệt, nhiều du khách còn đứng quay lưng vào tàu để chụp ảnh mặt mình và đoàn tàu nên không chú ý khoảng cách an toàn.

Lái tàu thót tim khi qua 'xóm cà phê' - Ảnh 2.

Du khách thích thú chụp ảnh khi tàu đến. (Ảnh: Giang Huy).

Nguy hiểm nhất là đoạn đường cua trên phố Phùng Hưng, tầm nhìn bị khuất, Lái tàu Ngô Văn Hoàn nhiều lần "thót tim" khi bỗng dưng có người xuất hiện trước đầu máy hoặc đứng quá sát đường ray.

"Tôi đã hai lần phải hãm tàu trong 2 tháng gần đây khi qua đoạn này. Du khách nghĩ là họ đứng không chạm vào tàu, song thực tế họ đứng ngang người thì sẽ chạm đầu máy. Tôi thường phải hãm tàu để cho họ đứng nghiêng người rồi mới đi tiếp để đảm bảo an toàn", anh Hoàn nói.

Theo anh Hoàn, vào cuối tuần lượng khách đổ về phố đường tàu rất đông, mọi người không chỉ ngồi ở các hàng quán mà còn đi bộ dọc theo lòng ray đến ga Long Biên. Trong khi đó ở nhiều vị trí, lan can đường sắt chỉ khoảng 40 cm, khách nào không để ý sẽ không kịp nép vào bục chắn khi tàu đến.

"Tàu đi qua phố Phùng Hưng gần như không có hệ số an toàn khiến chúng tôi rất vất vả, ai trong nghề cũng đã phải hãm tàu một vài lần để tránh khách", anh Hoàn cho hay.

Lái tàu thót tim khi qua 'xóm cà phê' - Ảnh 3.

Các hộ dân làm lối đi thu hẹp nền đường sắt. (Ảnh: Anh Duy).

Phố Phùng Hưng hiện có 38 hộ kinh doanh cà phê gần đường ray tàu hỏa, trong đó phường Cửa Đông 13 hộ, phường Hàng Bông 22 hộ, phường Cửa Nam 3 hộ.

Theo ông Dương Quốc Tuấn, giám sát an toàn giao thông Công ty Quản lý Đường sắt Hà Hải, tính từ mép ray ra hai bên đường cần 6,5 m để bảo vệ công trình đường sắt và an toàn chạy tàu, cộng thêm 3 m hành lang an toàn. Song các hộ dân ở phố Phùng Hưng sống trên hành lang đường sắt chỉ cách ray 1,3 đến 1,7 m. Gần đây, các quán cà phê mọc lên nhiều và kê bàn ghế sát đường ray, cùng với đó, lượng khách đến đông càng uy hiếp an toàn chạy tàu.

"Lực lượng chức năng đã tuyên truyền cho người dân và du khách song không có chuyển biến gì", ông Tuấn nói.

Ngoài ra, ông Nguyễn Nam Hải - Trưởng phòng kỹ thuật, Công ty Quản lý Đường sắt Hà Hải cho biết, du khách đi lại nhiều khiến đá nền đường bị lún, ảnh hưởng độ đàn hồi của ray và hư hỏng nền đường, han gỉ phụ kiện... Công ty Quản lý Đường sắt Hà Hải thường xuyên phải sửa chữa khẩn cấp hạ tầng đường sắt đoạn qua phố Phùng Hưng để tránh nguy cơ trật bánh tàu.

"Chúng tôi có thể phát hiện và xử lý các hư hỏng về hạ tầng đường sắt, song quan trọng nhất là mất an toàn về người thì chưa có giải pháp", ông Hải nói.

Vài tháng trở lại đây, đoạn đường sắt từ ngã tư giao cắt với phố Điện Biên Phủ đến Phùng Hưng mọc lên hàng loạt quán cà phê nằm sát bên đường ray xe lửa, phục vụ các bạn trẻ và du khách nước ngoài với mong muốn được trải nghiệm cuộc sống của người dân sống hai bên đường tàu, ngắm cảnh tàu hỏa chạy xuyên qua lòng phố cổ.

Ngày 7/10, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo lãnh đạo các quận huyện xử lý nghiêm hành vi vi phạm hành lang đường sắt, hoàn thành trước 12/10 theo đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.