Trái ngược với Việt Nam, người đi bộ ở Nhật Bản thường di chuyển về phía bên tay trái. Ngay cả khi di chuyển trên thang cuốn, người Nhật thường xếp hàng và chỉ đứng ở phía tay trái cầu thang, họ “chừa” phía bên phải dành cho những ai đang có chuyện gấp để di chuyển nhanh hơn.
Khi gặp mặt, họ sẽ cúi đầu để thể hiện sự tôn trọng với người đối diện. Cái cúi đầu càng thấp thì chứng tỏ người đối diện có tuổi tác và địa vị càng cao. Vì vậy, nếu đang đi tham quan trên đường, bạn vô tình bắt gặp cái cúi đầu của người nào đó thì hãy cúi đầu chào lại.
Xếp hàng là một trong những nét văn hóa của Nhật Bản.
Ăn uống khi đang di chuyển trên đường phố, đặc biệt là trong tàu điện ngầm chính là một điều tối kị ở Nhật. Người Nhật cho rằng đây chính là một thói quen xấu, vì vậy nếu đang có ý định thưởng thức ẩm thực khi đang di chuyển trên hè phố thì bạn nên “dẹp” bỏ chúng nhé.
Một nét văn hóa khác của người Nhật chính là việc xếp hàng. Họ xếp hàng khi mua sắm, lên tàu điện ngầm, xe bus và cả khi chờ thang máy. Ở bất kì nơi công cộng nào, họ cũng hạn chế gây ồn ào. Khi đi tàu điện ngầm hay xe bus bạn nên cắm tai nghe, đọc sách và nếu có cuộc gọi đến, bạn nên hãy lưu ý trả lời điện thoại nhỏ nhất có thể. Vì người Nhật ghét sự ồn ào.
Người Nhật rất kỹ tính trong cách dùng đũa khi ăn uống. Bạn không nên cắm thẳng đũa lên bát cơm, vì đó được coi như nghi thức cúng cơm cho người chết. Bên cạnh đó, bạn cũng không nên dùng đũa để gắp thức ăn cho người khác hay đảo qua đảo lại đồ ăn, cọ xát hai chiếc đũa lại với nhau… Tất cả những hành động này đều gây mất điểm và được coi là hành động thiếu lịch sự khi bạn ăn uống tại Nhật Bản.
Đối với việc ăn uống, người Nhật cũng có những nét văn hóa đáng tìm hiểu
Trên bàn ăn tại các nhà hàng, nhân viên sẽ cấp cho bạn một chiếc khăn nóng để lau tay. Bạn đừng nên sử dụng khăn nóng này cho việc lau miệng sau khi ăn. Đây được coi là hành động bất lịch sự.
Khi ăn bạn cũng nên bưng chén lên, tuyệt đối đừng cúi người xuống. Ngoài ra, sau khi thanh toán, nếu có ý định thêm tiền boa cho nhân viên thì bạn nên suy nghĩ lại. Khác với các nước phương Tây, ở Nhật Bản, hành động bỏ lại tiền boa chính là thể hiện sự không tôn trọng và thậm chí là mang ý nghĩa lăng mạ nhân viên phục vụ.