Di tích Quốc gia - Chùa Cầu Hội An báo động ô nhiễm, xuống cấp nghiêm trọng

Con kênh chảy xuyên qua chân Chùa Cầu (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) đang trong tình trạng ô nhiễm khiến khách du lịch phải nín thở khi đi qua đây. Ngoài ra, việc Chùa Cầu đang xuống cấp đặt ra "bài toán 2 trong 1" về phía chính quyền TP Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Chùa Cầu hay còn gọi là Cầu Nhật Bản, Lai Viễn Kiều (TP Hội An, Quảng Nam) được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia vào năm 1990, là biểu tượng của phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới.

Trung bình mỗi ngày, cây cầu này có hơn 4 nghìn lượt khách trong và ngoài nước tham quan.

Từ nhiều năm qua, việc ô nhiễm nước thải sinh hoạt chảy qua chân Chùa Cầu khiến người dân và khách du lịch "thất kinh" mỗi khi tham quan.

Di tích Quốc gia - Chùa Cầu Hội An báo động ô nhiễm, xuống cấp nghiêm trọng - Ảnh 1.

Du khách tham quan Chùa Cầu. (Ảnh: Văn Luận - Hà Anh).

Tháng 11/2018, Trạm xử lí nước thải Chùa Cầu thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình cải thiện chất lượng nước với công nghệ xử lí nước thải hiện đại tại khu vực Chùa Cầu chính thức được đưa vào vận hành với công suất 3.000-5.000 m3/ngày đêm.

Đây là dự án có tổng mức đầu tư hơn 1,2 tỉ Yên Nhật, trong đó chính phủ Nhật Bản viện trợ không hoàn lại 1,1 tỉ yên Nhật (khoảng 228 tỉ đồng), còn lại do TP Hội An đối ứng.

UBND TP Hội An thông tin, áp dụng công nghệ xử lí nước tiên tiến, không chỉ cải thiện môi trường nước khu vực mà còn đảm bảo chất lượng nước thải đầu ra đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra kênh Chùa Cầu.

Từ đó, góp phần cải thiện cảnh quan môi trường, nâng cao giá trị di tích và xử lí nước sinh hoạt cho hơn 1.000 hộ gia đình ở các xã, phường: Thanh Hà, Cẩm Hà, Tân An, Cẩm Phô và Minh An.

Khi công trình đưa vào sử dụng mang lại hiệu quả, nước trong xanh, không mùi hôi thối khiến người dân rất vui mừng. Tuy nhiên, mới đây, tình trạng nước thải đen ngòm lại tái diễn khiến người dân và du khách nín thở mỗi khi đi tham quan.

Di tích Quốc gia - Chùa Cầu Hội An báo động ô nhiễm, xuống cấp nghiêm trọng - Ảnh 2.

Nước thải hôi thối dưới chân Chùa Cầu hiện nay đang tái diễn. (Ảnh: Văn Luận - Hà Anh).

"Những ngày nắng nóng này, mùi nước thải bốc lên, xộc thẳng vào mũi khiến ai cũng kinh. Chúng tôi mong chính quyền thành phố Hội An quan tâm, xử lí", một người dân bày tỏ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, kể từ ngày đưa vào vận hành, trạm xử lí nước thải Chùa Cầu hoạt động tốt, nguyên nhân khiến nguồn nước dưới chân cầu này đang bị ô nhiễm trở lại là do vỡ đường ống của trạm bơm dẫn về xã Cẩm Thanh nên phải bơm nước thải ra Chùa Cầu để xử lí.

"Đơn vị thi công đã khắc phục xong xuôi sự cố này. Ngoài ra, nước kênh hiện tại có màu đục ngầu vì một ít nước thải ở đường Phan Châu Trinh phía sau trạm xử lí vẫn chảy ra khu vực di tích, ảnh hưởng đến nguồn nước con kênh.

Thành phố đang lên kế hoạch thu gom hết lượng nước thải này để chuyển vào nhà máy xử lí nhằm giải quyết triệt để ô nhiễm", Phó Chủ tịch UBND TP Hội An giải thích.

Không chỉ bị ô nhiễm, chúng tôi đã đưa tin trước đó, Chùa Cầu còn đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Cụ thể, ở phần thân cầu, nhiều vị trí liên kết giữa đòn tay đỡ mái với các cột bị mục ruỗng. Nhiều thanh xà gỗ đỡ mái ngói bị nứt nẻ, cong vênh không thể khớp nối nhau. Các phần mố trụ đỡ xuất hiện nhiều vết nứt, bong tróc vôi vữa.

Hiện kết cấu phần trên (thượng bộ) gồm phần cầu và miếu đang có độ tách rời nhỏ khoảng 10 cm, riêng phần mái nhiều chỗ đã bị dột nước mưa thấm xuống làm ảnh hưởng đến các cấu kiện bằng gỗ của công trình.

Ngoài ra, vị trí móc nối bằng gỗ giữa các kết cấu công trình với nhau bị nước mưa thấm vào lâu ngày có dấu hiệu mục, ăn mòn. Trên tường xuất hiện nhiều vị trí bị ố đen, vữa nứt loang lổ.

Đặc biệt, móng, mố, trụ là hệ thống chịu lực chính đã xuống cấp, cần có giải pháp can thiệp trước khi phát sinh các dấu hiệu nguy hiểm.

Di tích Quốc gia - Chùa Cầu Hội An báo động ô nhiễm, xuống cấp nghiêm trọng - Ảnh 3.

Thân gỗ lót ở Chùa Cầu đang xuống cấp. (Ảnh: Văn Luận - Hà Anh).

Tại hội thảo gần đây nhất là 3 năm trước, khi tham vấn ý kiến về vấn đề tu bổ Chùa Cầu, đa phần các ý kiến đề nghị lựa chọn giải pháp hạ giải toàn bộ di tích để xử lí triệt để các hạng mục.

Tuy nhiên, nếu hạ giải toàn bộ thì cũng còn nhiều vấn đề băn khoăn đối với chuyên gia, nhà nghiên cứu, chính quyền TP Hội An.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, Chùa Cầu là một di tích đặc biệt nên trước khi trùng tu phải tiến hành tham vấn cộng đồng.

Vừa qua, phía chính quyền TP Hội An đã đề nghị Trung tâm Văn hóa Thể thao - Truyền thanh - Truyền hình (đơn vị phụ trách việc bán vé, tham quan khu phố cổ Hội An) cần tăng cường giám sát việc thực hiện quy định số lượng khách tham quan tại di tích Chùa Cầu (tối đa là 20 khách/lượt). Đồng thời thông báo đến các đơn vị lữ hành, du khách để cùng phối hợp trong quá trình tham quan tại di tích.

Đây là biện pháp tạm thời trong khi chờ giải pháp tối ưu cũng như đánh giá toàn diện của các nhà khoa học trong nước và quốc tế về việc trùng tu, bảo vệ Chùa Cầu.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.