DIC Group khẳng định cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước đúng quy định, đã qua nhiều lần thanh tra

DIC Group cho biết công tác cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại công ty đã triển khai theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời khẳng định hoạt động thanh tra Chính phủ là bình thường trong giai đoạn hiện nay.

Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Group, mã chứng khoán: DIG) vừa đăng tải thông tin về công tác cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại DIC Group, sau khi Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước ngày 27/2 vừa qua. 

DIC Group cho rằng đây là hoạt động rất bình thường của Thanh tra Chính phủ trong giai đoạn hiện nay, đồng thời cung cấp một số thông tin liên quan đến nội dung này. 

Cụ thể, về công tác cổ phần hóa, công ty khẳng định việc thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa, Tổ giúp việc, thuê đơn vị tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp tại thời điểm 1/1/2007, phê duyệt giá trị doanh nghiệp, quyết toán chi phí cổ phần hóa, quyết toán vốn Nhà nước tại DIC Group theo đúng chủ trương, nghị định của Chính phủ và thông tư của Bộ Tài chính.

Doanh nghiệp có tiền thân là Nhà nghỉ Bộ Xây dựng được thành lập từ năm 1990, sau đó chuyển đổi mô hình thành Công ty Đầu tư Xây dựng và Dịch vụ du lịch (năm 1993) và Công ty Đầu tư Phát triển – Xây dựng (năm 2001), là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Bộ Xây dựng. 

Đầu năm 2007, thực hiện chủ trương và lộ trình sắp xếp đổi mới doanh nghiệp Nhà nước của Chính phủ, Bộ Xây dựng đã thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa công ty mẹ Công ty Đầu tư phát triển xây dựng thuộc Bộ Xây dựng. Sau đó, Ban chỉ đạo cổ phần hóa DIC đã thành lập Tổ giúp việc Ban chỉ đạo.

Thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc đa số là nhân sự thuộc Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính và các cơ quan Trung ương, DIC Group chỉ có người đại diện vốn tham gia với tư cách cung cấp các hồ sơ, giấy tờ liên quan để phục vụ công tác cổ phần hóa. 

Đến ngày 15/10/2007, Bộ Xây dựng ban hành quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa công ty mẹ: Công ty Đầu tư Phát triển - Xây dựng.

Cổ phiếu DIC được chào bán lần đầu vào ngày 26/11/2007 trên Sàn Giao dịch Chứng khoán TP HCM. Công ty đăng ký doanh nghiệp lần đầu vào ngày 13/3/2008 và tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần đầu ngày 23/2/2008.

Ngày 18/4/2014, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Cục thuế tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã kiểm tra xác định vốn Nhà nước bàn giao từ doanh nghiệp nhà nước Công ty Đầu tư phát triển – Xây dựng sang Tổng CTCP Đầu tư phát triển dây dựng. Kiểm toán Nhà nước khu vực IV đã kiểm toán tại thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần. 

Ngày 13/7/2016, Bộ Xây Dựng ban hành Quyết định số 687/QĐ-BXD về Giá trị vốn nhà nước tại thời điểm 0 giờ ngày 13/03/2008 để bàn giao doanh nghiệp nhà nước: Công ty Đầu tư phát triển - xây dựng sang Tổng CTCP Đầu tư phát triển xây dựng (DIC Group). 

DIC thuộc đối tượng doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ vốn và thuộc nhóm các Tổng công ty đến hết 2018 phải thoái hết vốn nhà nước tại doanh nghiệp. (Nguồn: DIC Group). 

Năm 2017, căn cứ chỉ đạo tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã phê duyệt phương án thoái vốn Nhà nước tại DIC Group trong năm 2017.

Ngày 28/11/2017, Bộ Xây dựng đã thoái vốn Nhà nước tại DIC Group theo phương thức bán khớp lệnh cổ phiếu DIG trên sàn giao dịch chứng khoán TP HCM. Số tiền thu được từ thoái vốn đã nộp về Quỹ Hỗ trợ sản xuất và Phát triển doanh nghiệp. Ngày 26/12/2017, Bộ Xây dựng đã ra văn bản chấp thuận kết quả thoái vốn nhà nước tại DIC Group, xác nhận số tiền DIC Group đã nộp về Quỹ là hơn 2.274 tỷ đồng.

Đến ngày 6/1/2018, DIC Group tổ chức ĐHĐCĐ bất thường, Bộ Xây dựng chính thức không còn là cổ đông tại doanh nghiệp.  

DIC Group khẳng định công tác cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại công ty đã trải qua nhiều lần thanh tra, kiểm toán, kiểm tra,… và đã có kết luận. (Nguồn: DIC Group). 

DIC Group cho biết thêm, các nội dung liên quan đến công tác cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã được thanh tra, kiểm toán,… và đã được các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Thanh tra Chính phủ kiểm tra, hướng dẫn, tham gia ý kiến cũng như điều tra của Cơ quan công an kết luận DIC thực hiện theo đúng quy định và đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ. 

Qua sơ lược quá trình thực hiện nêu trên có thể thấy công tác cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại công ty đã triển khai theo đúng quy định của pháp luật, đã trải qua nhiều lần thanh tra, kiểm toán, kiểm tra,… và đã có kết luận. 

Trong các quá trình thanh tra nêu trên, doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường, triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh đề ra.

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.