Kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2018, với tình hình làm bài không khả quan, nhiều thí sinh và phụ huynh đều bày tỏ sự lo lắng về mức điểm chuẩn của các trường năm nay.
TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Đào tạo ĐH Kinh tế Quốc dân - cho biết hiện nay chưa có phổ điểm nên chưa thể khẳng định về điểm chuẩn.
Tuy nhiên, nếu thực tế đúng như những gì dư luận phản ánh sau kỳ thi, phổ điểm giảm, điểm chuẩn sẽ giảm chung.
Đề thi khó, điểm chuẩn các trường đại học được dự đoán giảm. Ảnh: Lê Quân. |
Ông đánh giá điểm trúng tuyển vào trường sẽ thấp hơn năm ngoái, đặc biệt đối với những ngành lấy điểm cao. Do vậy, trường khó có ngành lấy điểm chuẩn 27 điểm như đợt tuyển sinh 2017. Những ngành lấy điểm ở mức trên dưới 20 điểm sẽ ít bị ảnh hưởng.
Ông Triệu nói thêm đối với trường thường lấy điểm trúng tuyển tương đương mức đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ quy định ở các năm trước, điểm chuẩn cũng khó hạ thấp dưới 15.
"Nếu đúng như Bộ nói, tức 60% câu hỏi ở mức thông thường, 40% để phân loại, điểm trung bình vẫn là 5. Lấy dưới mức này sẽ ảnh hưởng tới uy tín trường", ông lý giải.
Từ tình hình làm bài của thí sinh, TS Trần Văn Tớp - phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội - cho biết nhiều thí sinh than đề khó, không làm được hết. Do đó, số lượng điểm 9, 10 sẽ ít hơn so với năm ngoái.
"Đề thi khó, điểm giảm thì điểm chuẩn khả năng cao sẽ giảm. Tuy nhiên, khi chưa có phổ điểm, khó xác định sẽ giảm bao nhiêu", ông nói.
Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội chia sẻ thêm trong quá trình tư vấn tuyển sinh, trường ghi nhận nhiều thí sinh được 22, 23 điểm. Trường hợp đạt 28, 29 điểm chưa xuất hiện, không loại trừ khả năng các em tự tin, không cần tư vấn.
Những thí sinh đạt 22, 23 điểm lo lắng về việc ứng tuyển các ngành "hot" của trường vì mức điểm này quá thấp so với điểm chuẩn năm ngoái.
Dù vậy, trường vẫn động viên các em còn cơ hội vì mặt bằng chung điểm thấp, trường chắc chắn không thể lấy điểm trúng tuyển cao.
Trong khi đó, ông Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM - khẳng định điểm chuẩn các trường đại học năm nay sẽ giảm, thậm chí giảm sâu.
"Nếu như các trường Y năm trước lấy 28, 29 điểm, năm nay sẽ về lại mức điểm chuẩn 25, 26", thầy Dũng nhận định.
Theo ông với đề thi khó như vậy, điểm thi của thí sinh chắc chắn sẽ giảm, kéo theo điểm chuẩn giảm. Đây là điều hoàn toàn bình thường.
Tình hình làm bài không khả quan, nhiều thí sinh và phụ huynh mong điểm chuẩn sẽ giảm. Ảnh: Lê Quân. |
"Quan trọng hơn, với đề thi khó, điểm thi thấp, thí sinh sẽ bớt ảo tưởng khả năng của mình. Các em sẽ chọn trường đại học phù hợp với học lực. Đồng thời, đề thi khó sẽ phân hóa thí sinh tốt hơn, hạn chế tình trạng thí sinh 29, 30 điểm rớt oan như năm ngoái", ông Dũng nhận định.
Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cũng dự đoán đợt thay đổi nguyện vọng sau khi biết điểm thi sẽ có rất nhiều thí sinh phải đăng ký lại nguyện vọng.
Cùng quan điểm trên, ông Đỗ Minh Hà - phó hiệu trưởng ĐH Mở TP.HCM - cho rằng điểm chuẩn sẽ giảm 2-3 điểm, không thể giảm sâu hơn.
"Hiện tại, mỗi ngành của các trường đều có nhiều tổ hợp xét tuyển, trung bình là 4 tổ hợp. Thí sinh sẽ chọn tổ hợp mình cao điểm nhất để xét tuyển nên khó có khả năng điểm chuẩn giảm sâu", ông Hà nói.
Ông Trần Đình Lý - Trưởng phòng Đào tạo ĐH Nông Lâm TP.HCM - nhận định điểm chuẩn các trường top trên sẽ giảm nhiều, các trường top giữa điểm chuẩn cũng giảm nhẹ.
"Chắc chắn điểm sàn (do các trường xác định) sẽ thấp hơn năm 2017. Có thể điểm chuẩn các trường giảm 1-3 điểm tùy ngành và tổ hợp", ông Lý dự đoán.
Đặc cách xét tốt nghiệp THPT năm 2018 với 13 thí sinh vùng mưa lũ
Đây là phát biểu của ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT trong buổi họp báo về kì thi THPT ... |
Thí sinh bật khóc vì đề thi THPT quốc gia 2018 quá khó, Bộ GD&ĐT nói gì?
Đại diện Bộ GD&ĐT trả lời các câu hỏi liên quan đến phản ánh nhiều thí sinh bật khóc vì đề thi THPT quốc gia ... |
Họp báo kì thi THPT quốc gia 2018: Bộ Giáo dục nói về nội dung đề và cách chấm điểm toàn bài thi
Chiều ngày 27/6, Bộ GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức họp báo để báo cáo kết quả của việc tổ chức kì thi THPT quốc ... |