Điều đáng sợ nhất của người mẹ là đánh mất sự kết nối với con?

Nhờ sự kết nối, tiếp xúc trực tiếp của cơ thể, sự giao lưu về cảm xúc, sự thấu hiểu về tư tưởng, người mẹ sẽ tìm được hướng đi đúng đắn nhất trong nuôi dạy con mình.
 
dieu dang so nhat cua nguoi me la danh mat su ket noi voi con Bám mẹ là bản năng gốc ở mọi loài, thế nhưng người ta lại coi nó là 'cái tội'

Chị Nguyễn Thị Ngọc Minh - giảng viên khoa Ngữ văn – ĐH Sư phạm Hà Nội và là mẹ của hai cậu con trai. Tuy chưa bao giờ tự nhận mình là hot mom nhưng những quan điểm tích cực của chị trong nuôi dạy con nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng nuôi con nhỏ. Ngoài sở hữu những bài viết được chia sẻ hàng trăm đến hàng nghìn lượt, chị Ngọc Minh còn là sáng lập viên và điều hành dự án Phát triển văn hóa đọc “Sách ơi mở ra”. Cùng trò chuyện với chị về những quan điểm tích cực trong nuôi dạy con của chị.

dieu dang so nhat cua nguoi me la danh mat su ket noi voi con
Chị Nguyễn Thị Ngọc Minh - giảng viên khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm HN.

- Trải qua hành trình làm mẹ đã 10 năm, chị cho rằng đâu là nỗi sợ lớn nhất của chị khi làm mẹ?

Đúng là khi làm mẹ, bất kì ai cũng phải đối mặt với rất nhiều thách thức và lo âu. Với tôi, nỗi sợ hãi lớn nhất không phải là những vất vả mà mình phải trải qua mà là cảm giác mình đánh mất sự kết nối với con, vì quá bận rộn hoặc vì khi đứa trẻ đã lớn, có nhu cầu độc lập và chúng tự tìm cách trượt ra khỏi vòng tay của mình. Những vất vả khó khăn có thể làm gia tăng tình yêu thương của người mẹ, nhờ đó có thể gia tăng sức mạnh để vượt qua khó khăn, nhưng sự mất kết nối có thể trở thành một hố sâu ngăn cách giữa cha mẹ và con cái, và đó có lẽ là mối đe dọa lớn nhất tới tình mẫu tử.

- Là giảng viên của một trường ĐH, chị có gặp áp lực phải làm người mẹ hoàn hảo nuôi dạy nên những đứa con hoàn hảo? Vì chị là giáo viên, người ta sẽ mặc định chị làm mẹ phải thật tốt!

Thực ra tôi gần như không gặp phải áp lực này, vì tôi cho rằng có áp lực hay không đều là do mình. Nếu mình đủ hiểu biết và tin tưởng vào con, đủ kiên định với mục tiêu giáo dục lâu dài của mình và bình tĩnh chờ con khôn lớn, thì mình sẽ không dễ bị lung lạc bởi những ý kiến của người khác.

Hơn nữa, tôi không đặt quá nhiều kì vọng của con, và thường chia sẻ với mọi người về một mơ ước rất giản dị của tôi là nuôi dạy con thành một con người bình thường, dù làm việc gì cũng cố gắng làm thật trọn vẹn và thành tâm, không phải chỉ vì lợi ích cá nhân mà còn vì giúp ích cho người khác. Tôi cũng không ngại chia sẻ với mọi người về những điểm không hoàn hảo của bản thân cũng như của con, vì suy cho cùng, không có ai là hoàn hảo, đặc biệt, trẻ con luôn luôn không hoàn hảo. Vậy thì hà cớ gì phải gồng mình lên để chứng tỏ sự hoàn hảo không bao giờ đạt tới đó. Với cách nghĩ như vậy, tôi hoàn toàn buông bỏ được các áp lực để có thể cảm nhận được hạnh phúc của việc làm mẹ.

dieu dang so nhat cua nguoi me la danh mat su ket noi voi con
"Khi sự kết nối trở nên bền chặt, tình yêu thương được vun đắp từ thời thơ ấu trong gia đình, tôi tin rằng đứa trẻ sẽ trở thành những con người tự tin, hạnh phúc và sống tử tế trong tương lai".

- Chị quan điểm con càng được ở gần mẹ thì càng tốt, xin chị chia sẻ rõ hơn về quan điểm này?

Thực ra sự kết nối giữa mẹ và con rất quan trọng. Tôi hiểu kết nối ở đây theo 3 nghĩa: sự kết nối về cơ thể, sự kết nối về cảm xúc và sự kết nối về tư tưởng. Kết nối về cơ thể mang lại cho cả mẹ và con cảm giác thân thiết, ruột thịt, khiến cho người mẹ có thể lắng nghe được trạng thái sức khỏe của con, hiểu được thiên hướng, sở trường, cá tính của con và đó là nền tảng của mọi sự kết nối. Sự kết nối về cảm xúc giúp cho người mẹ có thể hiểu được tâm trạng của con, có thể chia sẻ với con những cảm xúc của mình. Sự kết nối về tư tưởng giúp cho mẹ có thể hiểu rõ những suy nghĩ, quan điểm, lập trường của con trước các vấn đề trong cuộc sống, để có thể định hướng cho con.

Trong 3 sự kết nối này, thì kết nối cơ thể là nền tảng, vì tôi cho rằng toàn bộ sự sống của con người phụ thuộc vào cơ thể, các cảm xúc hay suy nghĩ, tư tưởng cũng chẳng qua là sự phản ứng của cơ thể với môi trường bên ngoài.

Khi đánh mất sự kết nối, đặc biệt là đánh mất sự kết nối với con bằng cơ thể, thì dù sống chung một nhà, gặp nhau hàng ngày, nhưng cha mẹ và con cái có thể không hiểu nhau, không chia sẻ được với nhau, đứa trẻ và cả bố mẹ có thể cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình.

Nhu cầu về sự an toàn, tương thuộc, theo nhà tâm lý học Abraham Maslow là một trong những nhu cầu cốt yếu nhất của con người, cho nên khi con cái bị đẩy xa khỏi bố mẹ, không tìm thấy sự che chở và thấu hiểu trong gia đình của mình, nó có thể tìm chỗ dựa ở những mối quan hệ khác, tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn.

Ngược lại, với những gia đình mà sợi dây kết nối giữa bố mẹ và con cái đã được chăm chút và vun đắp ngay từ thời còn nhỏ, đứa trẻ được thỏa mãn nhu cầu an toàn và nhu cầu về sự tương thuộc, nó sẽ cảm thấy hạnh phúc và tự tin, nhờ vậy có thể giúp cho con xây dựng được một đời sống tinh thần và một nhân cách lành mạnh.

dieu dang so nhat cua nguoi me la danh mat su ket noi voi con
"Con cái cần có quyền được gần gũi với mẹ hơn bất cứ một người nào khác trong gia đình".

- Vậy chẳng lẽ con ở gần bố, ông bà nhiều hơn mẹ thì không tốt hay sao?

Tôi đã đọc một bài báo trên tạp chí Scientificamerican của Katherine Harmon, trong đó tác giả chứng minh rằng sự tiếp xúc da kề da giữa cha mẹ và con cái sẽ đem lại những lợi ích vô cùng to lớn cho cả bố mẹ và con cái. Đứa trẻ được tiếp xúc da kề da với mẹ từ khi mới sinh ra sẽ ít quấy khóc hơn, dễ ngủ hơn và thậm chí não bộ cũng phát triển tốt hơn. Người mẹ được tiếp xúc da kề da với em bé sẽ giảm stress, nắm bắt và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của con, vì sự tiếp xúc này giúp giải phóng oxytocin trong cơ thể, giúp mang lại cảm giác thư giãn, dễ chịu cho cả mẹ và bé.

Sự gần gũi của con cái với bố/ ông bà cũng rất quan trọng, tuy nhiên, tôi cho rằng người mẹ luôn là người có khả năng gần gũi với con cái nhất. Mẹ là môi trường đầu tiên của đứa trẻ, đứa trẻ là một phần của cơ thể mẹ, nên nếu không vì một lí do bất khả kháng nào đó, thì con cái cần có quyền được gần gũi với mẹ hơn bất cứ một người nào khác trong gia đình.

dieu dang so nhat cua nguoi me la danh mat su ket noi voi con
"Không đứa trẻ nào giống đứa trẻ nào, cho nên không có một công thức và phương pháp duy nhất đúng cho tất cả mọi đứa trẻ".

- Giữa vô vàn các phương pháp sách vở nuôi dạy con, rèn con, luyện con, nếu không có sự kết nối với con, người mẹ liệu có thể tìm hướng đi đúng đắn trong nuôi dạy con mình?

Tôi cho rằng, khi có tình yêu thương và sự hiểu biết, người mẹ sẽ hiểu được phương pháp nào là phù hợp nhất với con mình. Tình yêu thương và sự hiểu biết này bắt nguồn từ sự kết nối, sự gần gũi và tiếp xúc trực tiếp của cơ thể, sự giao lưu về cảm xúc và sự thấu hiểu về tư tưởng. Nếu thiếu những gốc rễ căn bản đó, thì mọi phương pháp sẽ không thể áp dụng được. Vì mỗi đứa trẻ là khác biệt, là duy nhất, không đứa trẻ nào giống đứa trẻ nào, cho nên không có một công thức và phương pháp duy nhất đúng cho tất cả mọi đứa trẻ.

- Để có sự kết nối với con và duy trì sợi dây đó, theo chị người mẹ nên làm gì? Bản thân chị làm gì để duy trì sợi dây gắn kết với con?

Tôi cho rằng, để duy trì sự kết nối đó, người mẹ cần dành thời gian cho con, cũng như cần sự hỗ trợ của rất nhiều những thành viên khác trong gia đình để có thể dành đủ thời gian cho con. Trong cuộc sống hiện đại, nhiều bà mẹ rất bận rộn, vừa phải đáp ứng yêu cầu công việc, vừa phải làm việc nhà, cho nên dành một khoảng thời gian nhất định trong ngày cho con không phải là một điều dễ thực hiện.

Tôi thường chia thời gian của mình thành nhiều ngăn, trong đó ngăn con cái được coi là một ngăn ưu tiên, và cố gắng dù bận đến đâu cũng không được xâm phạm vào ngăn này. Mặt khác, lại phải làm thế nào để khoảng thời gian đó trở nên có chất lượng. Muốn vậy, người mẹ cần phải gạt bỏ tất cả mọi suy nghĩ lo tính về công việc, về cuộc sống để tập trung hoàn toàn vào đứa trẻ, có thể cùng đọc chung với con một cuốn sách, chơi chung với con một trò chơi, xem chung với con một bộ phim, tập trung hoàn toàn vào hiện tại, ở đây là lúc này.

dieu dang so nhat cua nguoi me la danh mat su ket noi voi con
"Tôi thường chia thời gian của mình thành nhiều ngăn, trong đó ngăn con cái được coi là một ngăn ưu tiên".

Ngoài ra, có thể biến mọi thời gian và không gian trong gia đình thành không gian của sự sẻ chia. Trên bàn ăn, cha mẹ và con cái có thể kể cho nhau nghe về những hoạt động trong ngày. Lúc đưa con đi học, có thể nói chuyện với con về những cảnh tượng trên đường đi. Lúc đón con từ trường về nhà, có thể quan sát các biểu hiện trên cơ thể để nhận biết được tình trạng sức khỏe, cảm xúc của con. Trước khi đi ngủ hoặc sau khi tỉnh dậy vào buổi sáng, có thể ôm con thật chặt để giúp con cảm nhận được cảm giác dễ chịu, hạnh phúc vì mình được yêu thương.

Những hành động tuy nhỏ đó, nhưng giống như mưa dầm thấm lâu, sẽ gia tăng sợi dây kết nối giữa cha mẹ và con cái. Khi sự kết nối trở nên bền chặt, tình yêu thương được vun đắp từ thời thơ ấu trong gia đình, tôi tin rằng đứa trẻ sẽ trở thành những con người tự tin, hạnh phúc và sống tử tế trong tương lai. Và đó chính là những điều mà tôi tin rằng, bất cứ bố mẹ nào cũng kì vọng.

- Xin cảm ơn chị vì cuộc trò chuyện này!

MỜI XEM THÊM

dieu dang so nhat cua nguoi me la danh mat su ket noi voi con Tại sao không nên áp dụng thưởng phạt trong giáo dục trẻ?
dieu dang so nhat cua nguoi me la danh mat su ket noi voi con Bí quyết làm một người mẹ hạnh phúc

Tùng Lâm

Ảnh: NVCC

chọn
Những dự án sắp ra mắt của Vincom
Dự kiến giai đoạn quý II - quý IV/2024, Vincom sẽ khai trương 6 dự án, gồm Vincom Mega Mall Grand Park; Vincom Plaza Hà Giang; Vincom Mega Mall The Empire; Vincom Plaza Điện Biên Phủ; Vincom Plaza Đông Hà Quảng Trị và Vincom Plaza Bắc Giang.