CTCP Phát triển Tổng hợp Hưng Thịnh Phát vừa công bố đã hoàn tất phát hành 28.880 trái phiếu với mệnh giá 100 triệu đồng/tp ra thị trường trong nước, huy động 2.880 tỷ đồng.
Đợt phát hành được diễn ra vào ngày 31/12/2023 và vừa hoàn tất vào ngày 6/3. Kỳ hạn trái phiếu là 48 tháng, đáo hạn vào ngày 31/12/2027. Lãi suất trái phiếu thuộc loại lãi suất kết hợp, lãi suất phát hành ở mức 12%/năm.
Các nội dung khác như mục đích phát hành, tài sản đảm bảo, trái chủ,... không được doanh nghiệp công bố.
Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, đây cũng là lô trái phiếu duy nhất đang lưu hành của Hưng Thịnh Phát.
Về tổ chức phát hành trái phiếu, Hưng Thịnh Phát được thành lập vào tháng 10/2021, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sở hữu đi thuê.
Thời điểm mới thành lập, Hưng Thịnh Phát đặt trụ sở chính tại quận 1, TP HCM và hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn, vốn điều lệ 30 tỷ đồng. Hai thành viên góp vốn thành lập công ty là ông Lâm Kỳ Diệu (nắm 70% vốn điều lệ) và ông Phạm Văn Ngọc (nắm 30% vốn điều lệ). Trong đó, ông Diệu giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc và là người đại diện pháp luật doanh nghiệp.
Đến tháng 11/2022, Hưng Thịnh Phát dời trụ sở về TP Thủ Đức, TP HCM, đồng thời phần vốn góp 30% của ông Ngọc được chuyển sang cho bà Nguyễn Thị Lệ Thủy. Phần vốn góp 70% của ông Diệu không thay đổi.
Ngày 19/12/2023 (tức khoảng 2 tuần trước khi phát hành lô trái phiếu 2.888 tỷ đồng nói trên), Hưng Thịnh Phát chuyển mô hình hoạt động sang công ty cổ phần và tăng vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng lên 940 tỷ đồng. Phần vốn tăng thêm đến từ 3 cổ đông mới là ông Nguyễn Đình Ngọc, ông Lê Khởi và bà Nguyễn Thị Anh Thư. Khi đó, đây cũng là 3 cổ đông nắm quyền sở hữu lớn nhất tại Hưng Thịnh Phát, trong đó, bà Thư nắm 46,81% vốn điều lệ, còn ông Ngọc nắm 45,74% vốn điều lệ.
Vị trí người đại diện pháp luật kiêm Tổng Giám đốc doanh nghiệp lúc này cũng được chuyển sang cho ông Ngọc.
Ngày 9/1 vừa qua, Hưng Thịnh Phát tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 1.200 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông mới không được doanh nghiệp tiết lộ.
Cả hai cổ đông lớn nói trên của Hưng Thịnh Phát đều có mối liên hệ với nhóm Danh Khôi.
Bà Thư hiện đang là Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm người đại diện theo pháp luật tại Công ty TNHH Bất động sản GDK - nơi bà là cổ đông lớn nắm 97% vốn điều lệ. Phần vốn 3% vốn điều lệ còn lại do CTCP Đầu tư Danh Khôi Holdings sở hữu.
Về phía ông Ngọc, ngoài Hưng Thịnh Phát, ông đang đứng tên đại diện pháp luật kiêm Chủ tịch HĐQT tại CTCP Bất động sản ADK - nơi ông là cổ đông lớn nắm 96,9% vốn điều lệ và CTCP Đầu tư Danh Khôi Holdings nắm 3% vốn điều lệ.
Báo cáo tài chính của CTCP Tập đoàn Danh Khôi (mã chứng khoán: NRC) cũng thể hiện GDK và ADK là hai doanh nghiệp có cùng thành viên quản lý chủ chốt với Danh Khôi.
GDK và ADK đều có địa chỉ tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định và là hai trong số các doanh nghiệp xuất hiện trong thương vụ nhóm Danh Khôi mua lại dự án Nhơn Hội - Bình Định từ CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán: PDR).