Đến thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) niêm yết đều đã công bố kết quả kinh doanh quý III/2021 cũng như 9 tháng đầu năm.
Quý vừa qua, nền kinh tế chung cũng như ngành BĐS đã phải chịu nhiều ảnh hưởng do giãn cách kéo dài. Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp BĐS vẫn ghi nhận tăng trưởng.
Bên cạnh những ông lớn BĐS công nghiệp đã hoàn thành chỉ tiêu từ giữa năm, trong quý III đã có thêm nhiều công ty bắt đầu cán đích sau 9 tháng như Viglacera, APEC, Louis Land,... Một số doanh nghiệp địa ốc lớn như Vinhomes, Đạt Phương,... cũng đang tiến sát mục tiêu lợi nhuận năm 2021.
Nhóm môi giới BĐS cũng không ngoại lệ, cụ thể là các doanh nghiệp môi giới niêm yết như Cenland, Đất Xanh Services, hay Danh Khôi đều lần lượt báo lãi.
CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (Đất Xanh Services, mã chứng khoán: DXS) trong quý III ghi nhận doanh thu thuần đạt 894 tỷ đồng, giảm nhẹ 6% và lãi sau thuế hơn 240 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ.
Nguồn thu từ dịch vụ bất động sản giảm 44% còn 463 tỷ đồng, trong khi doanh thu bán căn hộ, nhà phố của DXS đạt 417 tỷ đồng, cao hơn gấp 3 lần so với quý III/2020.
Theo giải trình của doanh nghiệp, các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận giảm là do dịch Covid-19 bùng phát, giãn cách xã hội kéo dài liên tục nhiều tháng, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh và bán hàng.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần và lãi sau thuế DXS lần lượt là 3.022 tỷ đồng, tăng 59% và 894 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ.
Các khoản phải thu trong 9 tháng tăng mạnh lên gần 10.000 tỷ đồng do phát sinh ký quỹ hợp đồng phân phối dự án đã kéo dòng tiền kinh doanh DXS về âm 777 tỷ đồng.
Đối với CTCP Bất động sản Thế Kỷ (Cenland, mã chứng khoán: CRE), do mở rộng quy mô hoạt động, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần gần 843 tỷ đồng, tăng 40% và lãi sau thuế hơn 78 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần và lãi sau thuế Cenland lần lượt đạt 4.526 tỷ đồng, tăng 246% và 328 tỷ đồng, tăng 62%. Kết quả này tương ứng với 91% kế hoạch doanh thu và 80% kế hoạch lợi nhuận năm 2021.
Trong 9 tháng, Cenland đẩy mạnh vay thêm 1.400 tỷ đồng nhằm mua lại các bất động sản tại các dự án từ chủ đầu tư để kinh doanh bán lại. Tồn kho công ty tăng vọt, đồng thời kéo dòng tiền kinh doanh âm hơn 1.000 tỷ đồng (cùng kỳ âm 10 tỷ đồng).
Sau khi niêm yết hồi tháng 7, CTCP Bất động sản Khải Hoàn Land (Mã chứng khoán: KHG) đã có quý kinh doanh tăng trưởng so với cùng kỳ nhờ mở rộng hệ thống phân phối.
Theo đó, doanh thu thuần và lãi sau thuế Khải Hoàn Land lần lượt đạt 208 tỷ đồng, tăng 285% và 45 tỷ đồng, tăng 173% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, hai chỉ tiêu này lần lượt đạt 512 tỷ đồng, tăng 448% và 100 tỷ đồng, tăng 327%.
Tuy nhiên, các khoản phải thu giảm 571 tỷ đồng và các khoản phải trả tăng 119 tỷ đồng đã kéo dòng tiền kinh doanh trong kỳ của Khải Hoàn Land tiếp tục âm gần 400 tỷ đồng (cùng kỳ âm hơn 600 tỷ đồng).
Tương tự, CTCP Tập đoàn Danh Khôi (Mã chứng khoán: NRC) cũng báo lãi quý III hơn 73 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ ghi nhận 5 tỷ đồng.
Doanh nghiệp cho hay, công ty ghi nhận doanh thu tăng mạnh nhờ 4 hợp đồng hợp tác với Danh Khôi Holdings, CTCP Đầu tư Du lịch Hà Nội Non Nước, Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại và Dịch vụ Vinam; CTCP Du lịch và Đầu tư Xây dựng Châu Á.
Mặc dù tăng trưởng trong quý III, song do bù lỗ hai quý đầu năm, lãi sau thuế 9 tháng của Danh Khôi chỉ đạt hơn 4 tỷ đồng, giảm 125% so với cùng kỳ.
Trong kỳ, tài sản của Danh Khôi tăng mạnh 77% so với đầu năm lên 1.363 tỷ đồng, chủ yếu do phát sinh khoản phải thu dài hạn theo hợp đồng với Danh Khôi Holdings.
Dòng tiền kinh doanh trong 9 tháng doanh nghiệp âm 519 tỷ đồng (cùng kỳ âm 29 tỷ đồng) do các khoản phải thu tăng 576 tỷ đồng.
Ngành môi giới sẽ chưa thể phục hồi trong quý IV
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, từ cuối tháng 4, hầu như chỉ có các sàn giao dịch BĐS thuộc những doanh nghiệp quy mô lớn, có tiềm lực tài chính và trực tiếp làm chủ đầu tư dự án như Đất Xanh Miền Bắc, Hải Phát Land, Cengroup… mới tiếp tục duy trì hoạt động.
Trong khi đó, hoảng 80% số lượng các sàn giao dịch BĐS còn lại chỉ làm trung gian môi giới thì hầu như đang phải tạm dừng hoạt động.
Mặc dù vậy, theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VARS) trong quý III thị trường vẫn có hàng vạn giao dịch BĐS diễn ra. VARS dự báo, nhóm doanh nghiệp dịch vụ, môi giới BĐS sẽ chưa thể hồi phục hoạt động bình thường trong quý IV, song sẽ có thêm một số doanh nghiệp mới gia nhập thị trường.