Doanh thu phim Việt, kết quả cuộc chiến không ai kiểm chứng

Trước thông tin bộ phim Hai Phượng đạt doanh thu 135 tỉ đồng và công chiếu tại Mỹ, nhiều người đặt câu hỏi rằng đây là bước tiến vượt bậc của điện ảnh Việt Nam hay chỉ là điểm sáng nhỏ lẻ rồi lại trở về manh mún, bế tắc.

Cùng trao đổi chủ đề này với PV là nhà báo, nhà thơ Nguyễn Phong Việt, người đã có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh.

- Thưa anh, doanh thu 135 tỉ đồng của phim Hai Phượng vừa được công bố có phải là cú lội ngược dòng cho dòng phim hành động và đánh bại các phim hài tình cảm đang thống trị sân chơi điện ảnh Việt hay không?

Ngay từ ban đầu, khi phim Hai Phượng chọn thời điểm 22/2 để ra mắt, nhiều người đã hoài nghi về sự thành công doanh thu vì lúc đó không còn là giờ vàng mùa phim Tết. Cuối cùng, phim này đã có cú lội ngược dòng ấn tượng. Qua đó, chúng ta thấy rõ ràng, chủ đề và nội dung phim Hai Phượng đã tạo ra bước ngoặc cho thị hiếu khán giả.

Và mùa phim Tết vừa qua cũng cho thấy, màu phim tấu hài, vốn làm mưa làm gió trong những năm về trước thì thời điểm này đã gần như khép lại. Sự thành công của phim Cua lại vợ bầu đã cho thấy một xu hướng mới là phim hài bi, hài của số phận chứ không còn kiểu như các diễn viên hài đem mảng miếng sân khấu lên màn ảnh rộng nữa.

Thứ 2, thành thật mà nói, kịch bản của phim Hai Phượng khá yếu. Nhưng bù lại, phần kĩ thuật hành động lại cực kỳ ấn tượng, có sự đột phá rất lớn trong cách dàn dựng. Có thể nói từ lâu lắm rồi, sau phim Dòng máu anh hùng, khán giả Việt Nam mới được xem một bộ phim hành động mà yếu tố võ thuật được chăm chút, tính toán kĩ lưỡng như trong phim Hai Phượng. Vì thế, tác phẩm này có lí do để thắng lớn về mặt doanh thu.

Doanh thu phim Việt, kết quả cuộc chiến không ai kiểm chứng - Ảnh 1.

Không chỉ Hai Phượng, doanh thu "khủng" của các phim điện ảnh Việt Nam đều không được kiểm chứng.

- Doanh thu 135 tỉ đồng vừa công bố là chỉ tính 2 tuần tại thị trường Việt Nam. Vậy đối với thị trường Mỹ, phim Hai Phượng có thể mong đợi gì?

Với quan sát và kinh nghiệm cá nhân của tôi, việc phát hành phim điện ảnh Việt tại Mỹ có lẽ chỉ mang tính chất giới thiệu chứ thật sự rất khó mong đợi doanh thu ấn tượng. Ngay cả các phim có chất lượng cao của các nền điện ảnh Trung Quốc, Hàn Quốc,... cũng gặp vấn đề này tại Mỹ.

Song, đây chắc chắn là tín hiệu vui cho điện ảnh Việt. Tuy phim Hai Phượng chỉ phát hành tại một số cụm rạp nhỏ tại Mỹ nhưng cũng cách là để Ngô Thanh Vân mở rộng mạng lưới quan hệ sản xuất phim. Điều này quan trọng hơn rất nhiều so với doanh thu.

- Có thông tin cho biết bộ phim Hai Phượng còn được bán cho dịch vụ xem phim trực tuyến lớn nhất tại Mỹ là Netflix với con số "khủng". Tuy nhà sản xuất Ngô Thanh Vân từ chối bình luận nhưng nếu đây là sự thật thì điện ảnh Việt có quyền hi vọng gì với một hướng phát hành mới?

Đó là một hướng đi mới và rất tốt nếu như phim Hai Phượng có thể nắm bắt cơ hội. Theo tôi biết, phim điện ảnh Việt đầu tiên phát hành trên Netfix là Chung cư ma, nhà sản xuất Skyline đã chỉnh sửa để đáp ứng yêu cầu của phía đối tác. Trong tương lai, nếu phim điện ảnh Việt muốn chinh phục thị trường quốc tế thì tiêu chuẩn chất lượng cần phải có ngay từ ban đầu khi bắt tay sản xuất.

Tôi cũng để ý rằng, đối với thị trường Việt Nam, Netflix có vẻ ưa chuộng các phim hành động và kinh dị hơn các phim tình cảm, hài hước. Vì với nền điện ảnh non trẻ của chúng ta thì các hành động, kinh dị vẫn có màu sắc riêng so với các thị trường khác. Nhưng nếu so về phim hài và tình cảm thì Việt Nam vẫn còn thua xa các thị thường trong khu vực Đông Nam Á chứ đừng nói đến châu Á.

Doanh thu phim Việt, kết quả cuộc chiến không ai kiểm chứng - Ảnh 2.

Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Phong Việt.

- Quay lại câu chuyên doanh thu khủng của phim Việt trong thời gian gần đây, nhiều ý kiến nghi ngờ về tính chính xác và minh bạch của những công bố này. Quan điểm của anh ra sao?

Nói cho chính xác, doanh thu vẫn là điều khoản bí mật trong hợp đồng giữa bên sản xuất và bên phát hành. Việc công bố doanh thu thường gắn với công tác PR, quảng bá. Vì ai cũng hiểu, một bộ phim có doanh thu tốt tức là ít nhiều có sự quan tâm của khán giả. Với các khán giả còn nghi ngờ chất lượng của bộ phim đó thì tin tức doanh thu tốt sẽ thu hút họ mua vé xem thử, đó là thói tò mò được dẫn dắt.

Cho đến bây giờ, việc công bố doanh thu các phim tại thị trường Việt vẫn hoàn toàn không có đơn vị nào kiểm chứng, kiểm toán độc lập để khẳng định sự chính xác của các con số. Mỗi nhà phát hành đều có cách đo lường của riêng họ, căn bản thì giống nhau nhưng cách thức của mỗi bên có chênh lệch một chút. Nói cho cùng, các nhà phát hành đều có quyền công bố doanh thu của một bộ phim mà họ tin là sẽ thắng lớn. Nhưng khả năng các nhà phát hành công nhận số liệu lẫn nhau là rất thấp. Đó là sự khác biệt giữa thị trường Việt Nam so với các thị trường lớn của quốc tế.

- Không thể phủ nhận rằng doanh thu “khủng” của các bộ phim có đóng góp rất lớn của công tác PR, truyền thông, quảng bá. Vì thế, đã có những chiêu trò PR bẩn từ chuyện đời tư của nghệ sĩ. Làm sao để hạn chế tình trạng này?

Thực ra, quy trình PR quảng bá đều có công thức chung, chỉ khác nhau ở chất liệu và cách làm của từng đơn vị. Ở thị trường Việt Nam, có những thời điểm rất ngặt nghèo mà nếu bạn không cố gắng gây chú ý để khán giả, truyền thông quan tâm thì khả năng thất bại là rất cao.

Vài năm trước, một phim có thể được giữ ổn định số lượng xuất chiếu trong 3 ngày đầu tiên ra mắt (thứ 6, thứ 7 và Chủ nhật). Sau đó, nhà phát hành dựa trên tỉ lệ người xem để quyết định số lượng xuất chiếu cho phù hợp, có thể tăng lên hoặc giảm đi.

Nhưng bây giờ, ngay từ ngày đầu tiên bộ phim phát hành, nếu lượng khán giả ủng hộ không khả quan thì tình hình 2 ngày kế tiếp sẽ bị ảnh hưởng. Đó là bài toán cực kỳ khó đối với nhà sản xuất khi thương thảo với nhà phát hành và cơ hội cứu vãn sản phẩm đó ngày càng mong manh.

Vì thế, có những bộ phim chất lượng tốt nhưng vẫn thua tức tưởi như Song Lang. Ngược lại, nhiều bộ phim chất lượng ở mức trung bình khá như Siêu sao siêu ngố khi biết cách quảng bá đã có thể thu về 109 tỷ đồng. Cho nên việc sử dụng chiêu trò, mánh lới trong cách truyền thông, quảng bá là không thể tránh khỏi.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, chiêu trò chỉ có hiệu quả với những bộ phim có chất lượng. Còn với các bộ phim dở thì chiêu trò có thể gây tác dụng ngược trong thời đại khán giả rất thông minh và sức mạnh của mạng xã hội ngày càng lớn.

- Có thể nói, giai đoạn trưởng thành của điện ảnh Việt Nam khá chậm trước sự đổ bộ ngày càng lớn mạnh của doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường nội địa. Liệu chúng ta có nên lo lắng về tình hình này hay không?

Không ai phủ nhận rằng, nguồn lực nền điện ảnh Việt Nam đang dựa vào nước ngoài rất nhiều. Mặc dù thị trường trong nước có các cụm rạp của Galaxy, BHD, Cinestar... nhưng phải thừa nhận CGV, Lotte đã tạo nên sự thúc đẩy mạnh mẽ. Khi các doanh nghiệp nước ngoài nhìn ra được tiềm năng của thị trường Việt Nam và đầu tư để tạo ra sự cạnh tranh, buộc các doanh nghiệp nội địa thay đổi để tăng tốc là tín hiệu tốt.

Còn nói về chất lượng sản xuất phim, có phải chúng ta chưa bao giờ nghĩ rằng một bộ phim Việt như Em chưa 18 lại đạt doanh thu kỷ lục 172 tỷ đồng. Như vậy, không phải khán giả Việt không ủng hộ phim nước nhà mà thực tế là phần lớn các nhà sản xuất đang làm ra những sản phẩm quá tệ. Nếu chúng ta vẫn làm ra những bộ phim quá dở thì phải chấp nhận chuyện khán giả mua vé xem các bộ phim nước ngoài.

Các quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc,...đã có quy định nhằm đảm bảo số lượng xuất chiếu của phim nội địa so với phim nước ngoài. Nhưng nếu Việt Nam học hỏi và ban hành quy định này thì phải gắn với tiêu chuẩn chất lượng phim.

Vì có những bộ phim quá dở, nếu áp dụng quy định bảo hộ phim nội địa sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh doanh của các cụm rạp. Khi phim có chất lượng tốt, chúng ta có thể yêu cầu các nhà phát hành đảm bảo xuất chiếu. Còn với các phim dở, không chiếu cũng được. Đó là câu chuyện kinh doanh mà rất cần sự điều tiết của cơ quan Nhà nước.

- Trước khi chờ sự điều tiết này, chính cộng đồng doanh nghiệp về phim ảnh Việt Nam có thể làm gì?

Chúng ta nên có hiệp hội Nhà sản xuất phim để cùng nhau đưa ra các phương hướng, kế hoạch phát triển thị trường thay vì tình trạng mất trật tự như hiện nay. Tránh sự việc như vừa qua, cả 2 phim đều có sự tham gia của 1 ngôi sao điện ảnh ra rạp cùng lúc. Đây là chuyện hiếm hoi vì các thị trường nước khác sẽ thỏa thuận để 2 tác phẩm cùng thắng chứ không phải làm khó lẫn nhau như chúng ta.

Trường hợp ồn ào của phim Trạng Quỳnh và Cua lại vợ bầu trong mùa phim Tết vừa rồi có liên quan đến diễn viên Trấn Thành đang nói lên thực trạng chung là các nhà sản xuất lẫn phát hành tại Việt Nam đang mạnh ai nấy làm.

Còn ở nước ngoài, họ đoàn kết và giúp đỡ nhau. Lấy một ví dụ đơn giản, cùng trong 1 tháng nếu có 4 bộ phim hành động ra mắt thì chỉ có cách “giẫm lên nhau mà sống” . Nhưng nếu có 1 phim hành động, 1 phim kinh dị, 1 phim hài, 1 phim tình cảm thì quá lý tưởng. Vậy nên, sự ngồi lại và thỏa thuận giữa các nhà sản xuất Việt Nam là rất cần thiết nhưng cũng rất gian nan.

Cảm ơn anh đã có nhiều chia sẻ thú vị.

Hiện tượng "best-seller" Nguyễn Phong Việt: "PR giỏi cũng chỉ lừa độc giả được một lần"Hiện tượng 'best-seller' Nguyễn Phong Việt: 'PR giỏi cũng chỉ lừa độc giả được một lần' Nhà thơ Nguyễn Phong Việt: "Háo hức một cái Tết quê"Nhà thơ Nguyễn Phong Việt: 'Háo hức một cái Tết quê' Nhà thơ Nguyễn Phong Việt: Có một Tháng Chạp đong đầy như thế!Nhà thơ Nguyễn Phong Việt: Có một Tháng Chạp đong đầy như thế!
chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.