Nhà thơ Nguyễn Phong Việt: Có một Tháng Chạp đong đầy như thế! | |
Nhà thơ Nguyễn Phong Việt: 'Bà xã nặng lòng khi đọc thơ tôi viết' | |
Nguyễn Phong Việt và một buổi chiều hạnh phúc bên ‘những vết thương’ |
Nhà thơ Nguyễn Phong Việt – từng là đứa trẻ lớn lên ở vùng quê nghèo với những năm tháng tuổi thơ thật sự tận hưởng đúng nghĩa của một cái Tết, anh cho rằng đó là điều may mắn nhất mà mình có được khi nhắc về Tết. |
Trong khi nhiều người đang quay quắt với câu hỏi: Tết đã về chưa?”, hay “Tết này không còn vui như Tết xưa”… thì nhà thơ Nguyễn Phong Việt lại cho rằng, Tết không phải là một cái gì đó quá tưng bừng, cũng không hẳn là nó sẽ hiện hữu trước mắt mà Tết chính là trong tâm hồn mình, là được trở về, được ăn mâm cơm giản đơn thôi nhưng rộn ràng tiếng cười của gia đình, được ngồi cạnh bên hớp ngụm trà nóng tâm tình cùng mẹ cha…
Tết bắt đầu từ chiếc giỏ xách đi chợ của Má…
Tết xưa và Tết nay trong cảm nhận của anh thế nào?
Việt vẫn còn nhớ như in cái cảm giác, một buổi sáng thấy Má đi chợ về với cái giỏ nặng hơn bình thường, và lúc đó mình biết Tết đã bắt đầu với các món ăn tự làm trong ngày Tết như cốm, bánh thuẫn, bánh bông lan, mứt gừng, mứt bí, nấu bánh tét, bánh chưng, làm dưa món, củ kiệu…
Ở quê hay có những bộ lư đồng trên bàn thờ để cúng ông bà, gần Tết Ba lấy ra chùi, đánh bóng, phơi nắng… Má thì mua lá chuối về phơi, dây lạc ngâm nước để gói bánh tét... Riêng mình háo hức nhất là được mua quần áo mới, giày dép và mũ mới... Thời ấy, mỗi năm Việt chỉ được mua một bộ quần áo và một đôi giày sandanl thôi. Thay vì được mua quần áo mới vào ngày đầu năm học thì bố mẹ lại đợi đến Tết mới mua để cho con mình có đồ mới ngày Tết luôn.
Không khí Tết ở quê ngày xưa đến rất sớm, nhưng đến một cách từ từ chậm rãi để tất cả mọi người đều cảm nhận được. Vì thế cho nên, đứa trẻ ngày xưa thời của Việt được sống trong những ngày Tết rất dài, mình thấy được màu sắc, ngửi cả mùi vị, nghe âm thanh và hòa vào không gian Tết ngày một rõ hơn…
Đó là điều mà Việt thấy còn rất thiếu ở những cái Tết hiện đại. Cuộc sống bây giờ, đặc biệt là ở những khu đô thị lớn như TP.HCM hay Hà Nội, cứ hối hả bon chen khiến người ta không kịp lắng lại để hít thở, cảm nhận ngày xuân đang về rồi tự hỏi rằng là, “Tết sao chẳng còn vui”…
Anh vẫn nhớ như in cái cảm giác, một buổi sáng tháng Chạp, thấy Má đi chợ về với cái giỏ nặng hơn bình thường, và anh biết Tết đã bắt đầu. |
Ở quê anh, không khí Tết có nhiều thay đổi hay không?
Việt may mắn được tận hưởng một không khí Tết mà có lẽ nó vẫn luôn là những ký ức đẹp nhất của một đứa bé – là mình lớn lên trong một vùng quê nghèo. Ngày thường, ai cũng bận bịu với cuộc sống, với những lo toan bộn bề thì ngày Tết là dịp thảnh thơi để hàng xóm láng giềng có thể ngồi lại với nhau, tâm tình, trò chuyện hay quan tâm, chăm sóc nhau… đó là một giá trị tinh thần rất lớn mà chỉ ở quê mới nhìn thấy.
Đó cũng là lý do vì sao mà mỗi năm khi Tết đến Việt đều đưa bé con của mình về quê đón Tết. Ở Sài Gòn, thú thật là Việt vẫn cảm nhận cái mùi Tết không nhiều. Mình cũng có thể ra chợ hoa, đường hoa… nhưng cái đó chỉ là một phần rất nhỏ trong không khí Tết cổ truyền của người Việt.
Việc mình mang bé con mình về quê với mong muốn là dù ít hay nhiều bé cũng có cơ hội tận hưởng cái Tết quê, mặc dù nó không còn nguyên vẹn không khí của ngày xưa nhưng ít nhất nó vẫn giữ được phong vị đặc trưng ấy. Dù xã hội có thay đổi thì ở quê, ngày Tết vẫn giữ được những nét truyền thống như gói bánh, làm mứt, vẫn trên bàn là những chậu hoa thọ vàng ươm ngào ngạt mùi Tết…
Mỗi khi Tết đến, anh nhớ nhất về điều gì?
Việt nhớ nhất khoảng thời gian gần 15 cái Tết mình sống trong không khí mùng 1 Tết có tiếng pháo. Lúc đó, ở quê, đêm giao thừa mọi người thức trễ để cúng kiếng nên sáng cũng dậy muộn hơn bình thường, và khi mình mở cửa bước ra thì thấy đường xá rất vắng lặng, không khí hơi lành lạnh, sương mù mờ mờ lãng đãng, trên đường thì đầy xác pháo màu đỏ bay ngập tràn... Đó là khoảnh khắc khiến mình cảm thấy có một chút gì đó hơi buồn, nhưng lòng lại rất hân hoan.
Rồi chợt nhận ra mình đã vừa bắt đầu một năm mới, tuổi mới và những dự định mới cho 12 tháng tới… Việt nghĩ để diễn tả được cảm giác đó ngay lúc này thì thật sự rất khó, nhưng khoảnh khắc mình đứng trong một khung cảnh như vậy, rồi mở lồng ngực ra hít hà không khí đó không bao giờ quên được.
Ngày Tết là dịp để sum họp và Việt cho rằng đó chính là thông điệp lớn nhất của ngày Tết. |
Tết về, chỉ muốn dành trọn thời gian cho gia đình
Điều mà anh ấn tượng nhất mỗi khi Tết về?
Những năm gần đây, dịp Tết mình thường tự chạy xe về quê, cảm giác hân hoan khi được nhìn ngắm đường xá, nhà cửa mọi người bày biện để chuẩn bị đón Tết, rồi những chợ hoa Tết ven đường cũng rộn ràng kẻ bán người mua, các em nhỏ tụm lại vui chơi… Và đặc biệt nhất là cảnh các bạn sinh viên chạy xe máy từ Sài Gòn về quê. Có những bạn chạy xe biển số Nha Trang, Phú Yên, Bình Định hay Quãng Ngãi… dù đường xa hay mưa gió nhưng ai cũng háo hức vì được trở về sau một năm xa cách gia đình. Nhìn những cảnh này tự nhiên lòng mình cũng rộn ràng, xúc động hơn và mình thấy, Tết là chính ở những khoảnh khắc này.
Tết là thời gian để người ta nghỉ ngơi, hưởng thụ sau một năm lao động vất vả. Dù năm qua có gặp phải khó khăn hay biến cố trong cuộc sống, thậm chí ngay tại thời điểm Tết có người còn gặp chuyện không vui… nhưng không khí của ngày Tết cũng cho chúng ta một phần nào đó cảm thấy nhẹ lòng hơn, đáng yêu hơn và Việt cho rằng chỉ có Tết ở Việt Nam mới có không khí như vậy thôi.
Với anh, Tết của một người đã có vợ khác như thế nào so với người còn đang độc thân?
Thật ra, ngày xưa khi còn sinh viên, mỗi lần về quê đón Tết mình ít khi ở nhà, đa số là đi chơi, gặp gỡ bạn bè… Đôi khi nghĩ lại mình cảm thấy bản thân như là một đứa con bất hiếu vậy. Cứ về nhà là cùng bạn bè đi chơi, cà phê, ăn uống… có lúc đi từ sáng đến tối, rồi về nhà mệt lại lăn ra ngủ, sáng hôm sau lại tiếp tục những cuộc hẹn hò như vậy nữa… cứ thế qua hết một mùa Tết và gần như mình quên hẳn gia đình của mình, quên ba mẹ ở nhà chờ cơm, hay đợi mình về để trò chuyện…
Với đàn ông có gia đình - Tết chỉ muốn được ở nhà.... |
Tuy nhiên, thời điểm đó mình không nghĩ được những chuyện này đâu, mình cảm thấy những điều đó rất bình thường và vui. Cho đến khi Việt có gia đình và con cái rồi, ngày Tết, mình trở về và cảm giác lớn nhất là chỉ muốn ở nhà. Muốn được ăn sáng cùng Ba Má, rồi ngồi nhâm nhi tách trà nóng, trò chuyện cùng mọi người trong gia đình về công việc, cuộc sống, nghe Ba Má kể về những chuyện ngày xưa… Tết là dịp để ôn lại kỷ niệm, thế nên có những câu chuyện được kể đi kể lại qua hàng năm nhưng không bao giờ làm cho mình cảm thấy cũ kỹ mà ngược lại còn rất háo hức…
Rõ ràng, Việt thấy cảm xúc của một người độc thân về quê ăn Tết với cảm xúc của một người đã có gia đình nó khác nhau hoàn toàn về suy nghĩ và tâm thế. Và đến một cái tuổi nhất định nào đó, khi mình có gia đình và con cái thì mới biết giá trị của gia đình nó lớn đến mức nào. Mình sẽ chỉ muốn dành trọn vẹn thời gian đó cho gia đình, cho những người thân yêu của mình. Bạn bè không phải là không cần thiết nhưng có rất nhiều dịp khác nhau trong năm để gặp gỡ nhau và trò chuyện… Vậy thì tại sao, dịp Tết mình lại không dành trọn vẹn cho gia đình?!
Cảm ơn anh về những chia sẽ đầy thú vị. Chúc anh và gia đình năm mới vạn sự như ý!
Giải trí 07:10 | 03/02/2017
Giải trí 05:36 | 28/01/2017
Giải trí 00:00 | 28/01/2017
Giải trí 19:02 | 27/01/2017
Giải trí 01:10 | 26/01/2017
Giải trí 01:09 | 26/01/2017
Giải trí 05:55 | 25/01/2017
Giải trí 03:05 | 25/01/2017