Nguyễn Thế Hoàng Linh: ‘Giàu về tiền mới chỉ là một dạng giàu trung bình’

Khác với nhiều tác giả khác cần nhiều thời gian để ấp ủ, “thai nghén” cho tác phẩm của mình, Nguyễn Thế Hoàng Linh có khả năng viết và sáng tạo hàng ngày, thậm chí hàng giờ, thậm chí là ngay lập tức khi ý tưởng lóe lên trong đầu.

nguyen the hoang linh giau ve tien moi chi la mot dang giau trung binh

--

---

----

Anh là tác giả của hàng nghìn bài thơ, truyện, những phát ngôn về tư tưởng, quan điểm, tranh vẽ, những bức ảnh… Sáng tác nhiều, nhưng số đầu sách xuất bản của anh lại khá hạn chế, thay vào đó anh chọn Internet làm công cụ “xuất bản” chính cho các tác phẩm của mình.

Thú vị hơn nữa, gần đây, anh trở thành người đầu tiên tại Việt Nam đứng ra thu phí bản quyền các tác phẩm của mình trên Facebook cá nhân. Dưới đây là những quan điểm hết sức thú vị của Nguyễn thế Hoàng Linh về việc “kiếm tiền” của nghệ sỹ trong thời đại ngày nay.

nguyen the hoang linh giau ve tien moi chi la mot dang giau trung binh

- Cá nhân anh, một người viết, một tác giả, một nhà tư tưởng, anh chủ yếu sống bằng nguồn thu nhập nào?

Tôi sống một nửa bằng thu nhập từ bán sách, thu phí đọc Facebook và một nửa là tiền tích lũy từ việc khác. Kho nhiều nghìn tác phẩm giúp tôi thi thoảng “bắt nạt” được độc giả và sống ngày càng thoải mái về tiền bạc. Việc này so với tiến độ giàu có của một tác giả hàng đầu và có số lượng tác phẩm lớn ở nước ngoài là chậm hơn rất nhiều nhưng dù sao không khí nghệ thuật nước nhà đang ngày càng sáng sủa hơn nên vậy cũng được rồi. Cái làm tôi đau lòng hơn việc tiền đến chậm luôn là việc cái hay được phổ biến chậm khiến thế giới tốt chậm hơn tôi mong muốn. “Ra vườn nhặt nắng” (Tập thơ mới nhất của Nguyễn thế Hoàng Linh vừa xuất bản – PV) có thể giúp ích cho nhiều cho trẻ em và mọi lứa tuổi trong nhiều thế hệ nhưng mới chỉ bán được mười mấy nghìn bản và nhiều trẻ con vẫn bị đối xử bằng sự không sáng suốt và thiếu tử tế hàng ngày của những người thiếu được tiếp xúc với cái hay, cái tốt, cái đúng.

- Vài năm trở lại đây, anh là tác giả đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam có ý tưởng về việc thu tiền bản quyền đối với công chúng khi đọc các tác phẩm của mình trên Facebook cá nhân, việc này phải chăng là thể hiện sự mất niềm tin vào xã hội và sự bảo trợ của các cơ quan Tác quyền khác?

Tôi viết từ năm 12 tuổi, hồi 16, 17 tuổi cũng có lúc gửi tác phẩm cho vài tờ báo nhưng chưa bao giờ họ đăng hay phản hồi. Như vậy là việc đưa tác phẩm tới công chúng cứ bị phụ thuộc vào một bên thứ 3 mà bạn chẳng biết năng lực của họ tới đâu. Vậy là tôi cứ tiếp tục viết cho mình đọc như một thú vui tự thân. Tới năm 2002 tôi bắt đầu biết sử dụng internet và gặp ngay diễn đàn Trái tim Việt Nam để đăng tác phẩm. Lúc đó, diễn đàn tuyệt vời này mở ra một sân chơi và cơ hội việc làm quá lớn và mới mẻ, đặc biệt cho thanh niên Việt Nam; rất nhiều người thành danh ngày nay đã khởi đầu từ đó. Chỉ cần bấm nút đăng bài là có người đọc được hay phản hồi ngay lập tức và tôi thấy ngay internet là môi trường có nhiều độc giả và tương tác tự do mà tôi muốn sinh sống. Chỉ vài tháng tôi đã có vài chục nghìn lượt đọc. Sau 2 năm thường xuyên đăng tác phẩm lên topic của mình trong diễn đàn, tôi đã có được đề nghị in sách.

Nhưng nhuận bút theo mức chung 10% - 12% giá bìa x 1000 hoặc 2000 bản in mỗi năm không đủ ăn sáng. Ngoài ra, mâu thuẫn của tôi với khâu biên tập (tôi luôn đòi giữ nguyên bản tác phẩm) khiến mỗi cuốn sách rất lâu mới được in. Có một số tờ báo đề nghị tôi gửi tác phẩm nhưng rồi tôi cũng bỏ cộng tác vì đó không phải môi trường đem lại cho tôi hạnh phúc. Tôi chuyển sang tự in, để giá ở mức mình thấy xứng đáng, tự tìm cách bán và ngay từ cuốn “Em giấu gì ở trong lòng thế?” 1.0 đã có thể trả cho mình cao gấp nhiều lần các nhà sách. Tôi trả nhuận bút cho các cộng tác viên cũng vậy. Nhưng thu nhập vậy vẫn chưa đủ nên tôi nghĩ ra thêm hình thức thu phí đọc Facebook như những tờ báo thu phí đọc hoặc các trang phim thu phí xem phim.

Độc giả muốn đọc hết các tác phẩm ở chế độ Friends thì phải kết bạn với tôi và muốn kết bạn thành công thì phải trả phí kết bạn theo năm, chính là phí đọc.

- Kết quả thế nào ạ?

Trong 4 năm nay tính từ lúc bắt đầu thực hiện, tôi có trung bình 60 người trả tiền đọc mỗi năm, với mức 500 nghìn rồi tăng lên 1 triệu rồi 2 triệu/người mỗi năm. Ngoài ra thì tôi còn có thể đổi gói kết bạn lấy đồ ăn, tác phẩm của người khác, dùng để trao học bổng xem miễn phí cho những người tôi thấy rất thực sự giỏi và trả lương cho những độc giả tôi thuê quản lí các fanpage của mình. Tôi thấy rất vui vì phát minh này mở ra cho mình bao nhiêu hướng mới. Nhưng nó cũng biến tôi thành tù nhân của độc giả vì lỡ cam kết sẽ post trung bình ít nhất 2 tác phẩm mới mỗi ngày, tức là trên 730 tác phẩm mới mỗi năm để xứng đáng với số tiền họ bỏ ra. Còn rất nhiều thứ buồn cười liên quan đến phát minh này nhưng phải là Friend bạn mới thấy hết, cũng như thấy hết được kho hơn 10000 tác phẩm nhiều thể loại mà tôi dành cả thanh xuân làm mòn cột sống để tạo ra.

nguyen the hoang linh giau ve tien moi chi la mot dang giau trung binh

- Nhưng thực sự không phải ai cũng là “thiên tài” để đưa ra luật chơi của riêng mình như anh. Vậy những người còn lại thì sao, hay chúng ta lại quay lại cái vòng luẩn quẩn là tự xoay xở hoặc làm nghề khác để nuôi dưỡng nghệ thuật?

Bất cứ ai cũng có thể dùng nút Add Friend để thu phí đọc, xem trên Facebook.

Tôi cố tình thu mức phí trên trời và cứ tăng liên tục đến khi còn rất ít độc giả mua được vì muốn tạo cho độc giả cảm giác rõ hơn về giá trị tác phẩm và cơ hội mua rẻ sẽ mất đi khi bạn chần chừ. Bài toán thu phí của tôi không chỉ để kiếm tiền. Tôi thấy nó như kiểu trò chơi hay thuyết âm mưu và cũng chưa rõ nó còn mở rộng ra tới đâu. Nếu để mức giá hợp lí hơn thì nhiều người có đông đảo khán giả và tác phẩm sẽ có thu nhập từ phí xem Facebook cao hơn tôi nhiều.

Bạn có thơ, truyện, tranh, ảnh,âm nhạc, video hay nội dung nói chung, chỉ cần thu 1 người 50 nghìn/năm như vé xem triển lãm cả năm và đạt con số tối đa 5000 người kết bạn là đã có 250 triệu mỗi năm. Quan trọng là tác phẩm của bạn có đủ hay để có nhiều người bỏ tiền ra và bạn có lao động đủ nhiều để phục vụ họ được thường xuyên. Facebook cũng đang có kế hoạch cho các tác giả thu phí nên có lẽ sắp tới bạn cũng không cần dùng phát minh thủ công của tôi và quản lí phí thu dễ dàng hơn.

Facebook chỉ là 1 kênh để bạn có thể kiếm tiền từ tác phẩm. Có nhiều kênh bạn sẽ có nhiều nguồn thu nhập. Đó mới chỉ là online. Nhưng online chính là nơi có khán giả nhiều nhất và là giải pháp cho bạn khi offline chưa đem lại đủ cơ hội cho bạn.

- Nhưng dường như vẫn chưa có một giải pháp nào tốt hơn để cải thiện thu nhập cho các nghệ sỹ, khi mà tiền bản quyền thì vẫn rất ít, lại nhỏ giọt và khá phức tạp quan liêu, trừ những ca sỹ thuộc hàng “sao” thì đồng lương của các nghệ sỹ tại các đoàn văn nghệ hay catxe cho diễn viên phim truyền hình cũng vô cùng thấp. Đây thực sự là một sự bế tắc?

Internet như đã nói, là một giải pháp khổng lồ, một đại siêu thị kết nối nhiều tỷ người tham gia. Một người vô danh cũng có thể trở thành ngôi sao ca hát, diễn xuất hay làm phim trên Youtube và giàu nhờ chạy quảng cáo từ lượng view khủng thì tại sao bạn phải bám vào đồng lương công chức nghệ thuật, vào hội đoàn văn nghệ vốn là thứ đang bị đào thải vì thiếu chất lượng nghệ thuật, không có khán giả, lãng phí thuế và phải quỵ lụy bao định hướng phản tự do sáng tạo quá. Bế tắc phải chăng vì bạn không chịu học hỏi, thích nghi để có thể làm khán giả hứng thú, trả tiền như những người khác. Không còn khán giả, nhà nước cũng dần bỏ mặc bạn vì bạn chẳng còn khán giả để phục vụ mục đích tuyên truyền nữa. Sự bế tắc này nhiều khi chỉ đơn giản là tiến trình đào thải cái kém để nghệ sỹ đúng là nghệ sỹ hơn, phải sáng tạo, học hỏi, cập nhật, độc lập hơn, phải biết dùng internet hơn. Giờ này mà còn không biết đến những siêu sao trên internet hay nói “mạng là ảo” thì bao giờ bạn mới thực sự bước được vào kho trí tuệ đương đại khổng lồ và đầy sức sống quyết định tương lai nhân loại này đây.

nguyen the hoang linh giau ve tien moi chi la mot dang giau trung binh

- Từ lâu nay người ta vẫn quan niệm, nghệ sỹ chân chính thì thường hay nghèo? Điều này có đúng không, thưa anh?

Để là nghệ sỹ chân chính thì bạn phải có nhiều sản phẩm hay. Để giàu thì bạn phải có nhiều sản phẩm bán được. Cái hay không đối lập với cái bán được nên bạn vẫn có thể có được cả hai.

Nghệ sỹ có sản phẩm vừa hay vừa bán được ở nước ngoài đếm không xuể. Ở Việt Nam thì nghệ sỹ vừa hay vừa giàu ít hơn nhưng bạn cứ kể tên những người có nhiều sản phẩm hay là bạn vẫn thấy có người giàu.

Chẳng qua xã hội Việt Nam nói chung nghèo có thâm niên nên cơ bản nghệ sỹ cũng chịu chung số phận. Ngày nay, khi xã hội tham gia kinh tế thị trường, giàu lên, mua sắm nghệ thuật nhiều hơn thì nhiều nghệ sỹ cũng giàu lên. Bây giờ chỉ ra một nghệ sỹ có nhiều tác phẩm xuất sắc mà vẫn nghèo đâu có dễ.

- Vậy lý do chính cho việc nghệ sỹ giàu hay nghèo là từ đâu?

Năng lực. Bạn muốn đạt được cái gì, bạn phải có đủ năng lực cho việc đó. Nghèo là do năng lực kiếm tiền và quản lí tiền của bạn hạn chế chứ không phải do bạn làm nghề gì, càng không phải bởi bạn là nghệ sỹ chân chính. Một người chê làm nghệ thuật nghèo, đi làm kinh doanh cả đời vẫn sẽ nghèo nếu không đủ năng lực kinh doanh.

Một người có nhiều tác phẩm hay nhưng không biết bán cũng giống như người trồng được dưa ngon nhưng lệ thuộc vào thương lái. Thương lái không đến, dưa ế. Thương lái ép giá, khó giàu. Thương lái ép hướng trồng trọt (sáng tác), mất bản sắc. Bạn muốn giảm phụ thuộc vào thương lái thì ngoài trồng dưa, bạn phải học thêm cách bán dưa. Ngày nay đâu hiếm người nông dân không chỉ trồng trọt, chăn nuôi mà còn bán nông sản trực tuyến. Thiếu hụt kỹ năng nào khiến bạn không xử lí được tốt vấn đề thì học thêm kỹ năng đó mới khiến bạn vượt qua.

- Nhưng vẫn có những người vẫn sống thoải mái với nghệ thuật, là do may mắn hay do họ giỏi xoay xở?

Có những người làm nghệ thuật chân chính, tạo ra những sản phẩm đỉnh cao vẫn nghèo là vì tính khí, lựa chọn của họ hoặc họ bị rơi vào thời đại, môi trường chưa thưởng thức được hoặc chưa có thói quen trả tiền cho sản phẩm nghệ thuật.

Nhưng có phải lúc nào, nơi nào trên trái đất cũng khó khăn với nghệ thuật, nghệ sỹ như vậy đâu. Còn quá nhiều môi trường mà nghệ thuật đã thành nhu yếu phẩm, lượng người yêu nghệ thuật lớn và giá tác phẩm cao giúp người nghệ sỹ làm ra tác phẩm hay sống được, sống giàu. Ngày nay bạn hoàn toàn có thể tiếp cận những môi trường nhiều cơ hội đó qua Internet.

Người làm nghệ thuật đang có nhiều kênh giới thiệu tác phẩm tới đông đảo công chúng khắp thế giới như Facebook, Youtube, Amazon, Instagram, iTunes, Soundcloud, Spotify, Bandcamp, Behance…

Lá Studio vẽ “Ra vườn nhặt nắng” 2.0 và 3.0 cho tôi là thần tượng của nhiều khán giả nước ngoài và thường xuyên có được những hợp đồng làm sách từ nước ngoài qua việc giới thiệu tác phẩm trên những trang chia sẻ tác phẩm quốc tế như vậy. Nếu tác phẩm đủ hay, bền bỉ up tác phẩm lên Facebook hay các kênh nhiều người xem tương tự là khán giả sẽ đông lên, cơ hội sẽ tăng, bạn sẽ có cửa sống. Có cực kỳ nhiều nghệ sỹ khắp thế giới đang chăm chỉ tìm đầu ra cho dưa của mình như vậy hàng ngày chứ không xin giải cứu. Việc tự xoay xở đầu ra cho tác phẩm của mình chính là chủ động sinh tồn.

Nói về sự chủ động sinh tồn, ngay cả khi tua lùi về thời chưa có internet, ngay cả ở những nơi sinh tồn mâu thuẫn nặng nề với nghệ thuật, “cơm áo không đùa với khách thơ” thì vẫn có những nghệ sỹ giỏi cả nghệ thuật cả sinh tồn. Tranh không bán được thì họ vẽ thuê bao bì, biển hiệu; đạo đức nghề nghiệp vẫn khiến họ chuyên tâm để đó vẫn là những tác phẩm xuất sắc.

Nghệ thuật của tôi là niềm vui, sức mạnh của tôi, nó làm tôi vui và giúp tôi mạnh hơn. Tôi luôn làm nghệ thuật, luôn biến các chất liệu của đời sống thành nghệ thuật, bằng cách này hay cách khác chứ không đối lập nó với cuộc sống, cơm áo. Đó là phương châm sống của những người luôn biết làm cho mình giàu có về năng lực sống, năng lực làm nghệ thuật.

Rất nhiều nghệ sỹ vẽ ra những bức graffiti tuyệt đẹp, không nhận được một đồng, chấp nhận rủi ro bị phạt, tác phẩm lúc nào cũng có thể bị xóa. Nhiều khi họ còn không buồn ký tên và hạnh phúc vì điều đó. Đó mới thực sự là những tâm hồn giàu nghệ thuật để cho đi nhiều hơn là đòi hỏi nhận về từ nghệ thuật. Giàu về tiền mới chỉ là một dạng giàu trung bình.

Không phải nghệ sỹ nào cũng đảm đương được cả nghệ thuật và sinh tồn nhưng những người đảm đương được cả hai thì càng đáng ngưỡng mộ, học hỏi. Họ có thật và có nhiều.

Nếu bạn không mài dũa phần sinh tồn thì tự việc đó đã khiến bạn gặp nhiều bế tắc trong cuộc sống chứ không chỉ là vấn đề với nghệ thuật hay tiền.

nguyen the hoang linh giau ve tien moi chi la mot dang giau trung binh

- Có một bộ phận lớn các nghệ sỹ hiện nay sống chủ yếu nhờ nguồn thu nhập bằng việc “bán” thương hiệu cá nhân như: Tham dự event, Quảng cáo… họ gần như coi việc này là một nghề. Theo anh vấn đề này nên được đánh giá như thế nào?

Nghề nào cũng cần nhân sự để hoạt động nên ai thấy hợp thì cứ làm. Nhưng nghệ thuật có sự danh giá của nó, đó là con đường của đỉnh cao, cần thẩm mỹ ngày một cao hơn. Để đạt được điều đó phải có sự tập trung và nâng cấp bản thân cao độ. Bạn càng ăn bớt thời gian đầu tư cho việc đó, hay hạ thấp chất lượng tác phẩm, bạn càng rời xa nghệ thuật và đã có tên gọi cho điều này là “nghệ sỹ nửa mùa”. Tôi chỉ đưa ra logic nhân quả như vậy chứ không đánh giá lựa chọn công việc. Ai làm nghệ thuật không hướng tới đỉnh cao thì chuyển hướng làm cái gì thấp cấp hơn cũng là đỡ rác cho môi trường nghệ thuật. Chỉ cần thưởng thức những người tài năng nhất, thành tâm nhất với nghệ thuật cũng không đủ thời gian nên không cần phải lo ông này ông kia bỏ nghệ thuật đi chạy “show” cho thị hiếu làng nhàng.

- Dường như trong chính thế giới nghệ thuật cũng đã thiếu sự công bằng, khi mà tôi thấy “nghệ sỹ biểu diễn” thì thường kiếm tiền dễ hơn “nghệ sỹ sáng tạo”, trừ những nhân vật thực sự năng động và viết làm hình ảnh, dựa vào truyền thông. Đây có hoàn toàn là vấn đề của thẩm mỹ của công chúng hay nhận thức xã hội?

Suy nghĩ tác giả thì phải giàu hơn người thể hiện tác phẩm cũng chưa đúng. Ví dụ Tuấn Ngọc dù hát bài của tác giả nào thì khán giả cũng vẫn chạy theo Tuấn Ngọc. Như vậy, bản thân ca sỹ thành công đã là một dạng tác giả cho hình ảnh, giọng hát của mình, như một linh vật trong lòng khán giả rồi.

Người ta hay nói bóng đá nữ Việt Nam nhiều thành tích hơn nhưng lại nhận được ít tiền hơn bóng đá nam, thật bất công. Đây là so sánh khập khiễng, cái chính là ai hấp dẫn hơn, ai có được nhiều khán giả xem và chi tiền mua vé hơn, ai bán được nhiều quảng cáo hơn. Nguồn tiền quay trở lại chính là từ đó. Thù lao của họ tỷ lệ thuận với hiệu ứng họ tạo ra. Nếu thị trường đều cho mọi người cơ hội thì việc ai được đưa tiền ít hay nhiều sẽ do sự tự do của thị trường và sự hài lòng của người tiêu dùng quyết định. Ngay cả ở Việt Nam mới thoát phong kiến, chiến tranh chưa lâu thì các nghệ sỹ cũng vẫn đang có thị trường tự do về nghệ thuật như vậy nhờ Internet. Cuộc sống công nghệ đang tạo dựng rất nhiều cơ hội cho mỗi người, có nhiều trang phục vụ riêng cho những người nghệ sỹ giới thiệu và bán sản phẩm như đã kể. Đó là chưa kể các trang gây quỹ cho dự án như Kickstarter, Indiegogo; ở Việt Nam cũng có Comicola. Con đường làm nghệ thuật và đưa sản phẩm tới công chúng đã sáng sủa, dễ dàng ra bao nhiêu khi bạn luôn có thể tạo trang cá nhân như một cửa tiệm, tờ báo, kênh truyền hình, triển lãm riêng. Các công cụ thanh toán trực tuyến nở rộ cũng giúp ích nhiều trong việc thu tiền từ khán giả.

Chính những nền tảng công nghệ giúp người ta tiếp cận, mua bán sản phẩm nghệ thuật dễ dàng hơn và việc nhiều nghệ sỹ nhanh nhạy, chăm chỉ sử dụng các ứng dụng này khiến khí hậu nghệ thuật được mở rộng, lan tràn hơn. Sự tiếp xúc với các tác phẩm nghệ thuật như cơm bữa, với mật độ cao hơn bao giờ hết, nhất là qua smartphone, đang nâng cấp thẩm mỹ của công chúng và nhận thức xã hội hay còn gọi là dân trí. Như vậy, cứ đưa thật nhiều tác phẩm hay đến được với công chúng thì dân trí sẽ cao lên và đối xử tử tế hơn với những người nghệ sỹ. Dù bạn có thất vọng về dân trí thì cũng đã có cách nâng cấp nó lên như vậy, như bao người đang bền bỉ làm.

Những trang giới thiệu, bán sản phẩm, gây quỹ hàng triệu, tỷ người dùng vừa được nhắc đến không tự nhiên mà có. Đó đều là nỗ lực làm việc để tạo ra một thế giới thuận tiện, nhiều cơ hội, tốt đẹp hơn. Trong khi người ta chăm chỉ tạo ra những ứng dụng giúp chia sẻ và vô số người chăm chỉ tận dụng những cơ hội này, cùng đẩy thế giới đi lên thì những người kêu không có cánh cửa cho nghệ thuật đang ở đâu?

nguyen the hoang linh giau ve tien moi chi la mot dang giau trung binh

- Vậy dường như trong thị trường nghệ thuật đang có một sự bất công?

Nếu có sự bất công ở đây thì là vấn đề bản quyền. Rất nhiều người thành công nhờ tác phẩm của người khác, không chi trả tiền bản quyền sòng phẳng cho người khác và họ giàu lên bằng tiền đáng ra là của người khác. Đó là việc đánh cắp sự giàu có của người khác qua việc ăn cắp bản quyền mà pháp luật rất hiếm khi can thiệp.

Sự bất công của những người làm nghệ thuật bao cấp chiếm nhiều phúc lợi xã hội và tiện nghi truyền thông khiến những nghệ sỹ độc lập không có nhiều đất diễn, đất sống đang được giải quyết bằng việc các nghệ sỹ độc lập đang có các kênh riêng của mình nhờ công nghệ và hợp đồng với các công ty tư nhân. Sự cân bằng lại về truyền thông và cơ hội này đang làm cho công chúng được thấy đầy đủ bức tranh nghệ thuật Việt Nam hơn và những cái đỉnh cao đang trở lại vị trí đứng đầu xứng đáng của nó. Những giải thưởng Ngọt vừa có được là ví dụ tiêu biểu.

- Vậy để đưa ra một lời khuyên tốt nhất cho những người còn đang loay hoay mưu sinh khác, anh muốn nói gì?

Yêu cầu của làm nghệ thuật là tạo được tác phẩm hay. Nếu không có năng lực này, hãy chọn việc phù hợp năng lực hơn. Có tác phẩm hay rồi thì hãy chăm chỉ xây nên một kho tác phẩm hay. Đó chính là gia tài của bạn. Để bán gia tài này, bạn hãy kiên trì đăng nó trên những trang có nhiều người xem, mua. Trên những trang đó đang có sẵn nhiều cao thủ để bạn học hỏi.

Cảm ơn anh đã trả lời phỏng vấn!

***

nguyen the hoang linh giau ve tien moi chi la mot dang giau trung binh

Nguồn ảnh: Blog Hnaiamel, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Đào Quang Huy, Trần Đại Thắng

Bài viết thuộc chuyên đề: Nghệ sỹ sống bằng gì? - Tổ chức và thực hiện: Lan Anh

nguyen the hoang linh giau ve tien moi chi la mot dang giau trung binh

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.