Đơn giá xây dựng không sát thực tế khiến nhà thầu càng làm càng lỗ

Các nhà thầu cho biết nhiều định mức, đơn giá xây dựng hiện chưa phản ánh đúng hao phí thực tế, thậm chí có xu hướng cắt giảm so với mức cũ khiến họ càng làm càng lỗ.

Nội dung trên được nhiều nhà thầu giao thông chia sẻ tại hội nghị tháo gỡ khó khăn về định mức, đơn giá xây dựng, khai thác, cung ứng vật liệu do Bộ Xây dựng phối hợp Bộ Giao thông Vận tải tổ chức, ngày 29/1. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh nhiều dự án giao thông trọng điểm quốc gia gặp vướng mắc về quản lý chi phí đầu tư, định mức, giá xây dựng, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai.

Đại diện Tập đoàn Đèo Cả, nhà đầu tư PPP thi công, quản lý vận hành công trình hạ tầng giao thông, cho biết nhiều định mức xây dựng áp dụng theo Thông tư 12 của Bộ Xây dựng không phản ánh đúng hao phí thực tế trên công trường.

Ví dụ, về định mức thi công móng cấp phối đá dăm, hao phí vật liệu là 1,42 m3 đá cho mỗi m3 móng hoàn thiện, trong khi quy định là 1,34 m3 đá cho mỗi m3 móng. Tương tự, chi phí ca máy thi công khoảng 1,5 triệu đồng mỗi m3 bê tông, còn quy định là 0,5 triệu đồng mỗi m3 bê tông.

Về chi phí nhân công, theo ông, nhà thầu phải trả cho lao động phổ thông, chưa qua đào tạo là 400.000-500.000 đồng một ngày nhưng đơn giá ban hành của địa phương thấp hơn một nửa, chỉ khoảng 200.000-300.000 đồng một ngày. Ngày nghỉ, lễ nhà thầu trả nhân công gấp đôi hoặc ba lần nhưng không có định mức, dự toán nào tính cho họ.

Hội nghị tháo gỡ khó khăn về định mức, đơn giá xây dựng, khai thác, cung ứng vật liệu do Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải tổ chức, sáng ngày 29/1. Ảnh: Ngọc Diễm 

Cùng quan điểm, Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng Trường Sơn, cho biết ngay từ khi cao tốc giai đoạn một triển khai từ năm 2017 đến 2020, tình trạng thiếu vật liệu, chủ yếu là đất đắp, cát diễn ra gay gắt. Giá vật liệu tăng cao so với giá dự toán hoặc giá hợp đồng. Ví dụ nhà thầu phải mua 254.000 đồng mỗi m3 cát đắp tại một dự án quốc lộ vào quý III/2022, trong khi giá địa phương công bố là 153.000 đồng mỗi m3.

Ông Sơn nêu lý do là các địa phương không ban hành đơn giá kịp thời và sát với thực tế, hoặc do chủ mỏ thao túng, liên kết tự ý nâng giá vật liệu. Giá cao còn do thiếu cung vì các mỏ tại địa phương có công suất chỉ vài chục nghìn khối, trong khi nhu cầu của dự án lên hàng chục triệu khối.

Về bất cập đơn giá vật liệu thi công, ông Trần Văn Giầu, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và xây dựng Trung Chính, cũng cho hay máy cẩu theo định mức từ 16 đến 25 tấn, trong khi thực tế phải sử dụng cẩu trên 50 tấn mới đảm bảo an toàn, đáp ứng tiến độ dự án. Còn cẩu 16 tấn gần như không dùng, cẩu 25 tấn chỉ thi công lan can, chuyển vật tư, thiết bị.

Thêm vào đó, chi phí thuê thép hình (loại thép thường được sử dụng trong xây dựng cầu đường) trên thị trường khoảng 700.000-900.000 đồng một tấn mỗi tháng, trong khi định mức đơn giá thấp hơn 2,7 lần, chỉ khoảng 255.000 đồng mỗi tấn một tháng.

Cao tốc 45 - Nghi Sơn, Thanh Hóa. Ảnh: Lê Hoàng 

Trước những bất cập trên, đại diện các nhà thầu đề nghị Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải phối hợp các hiệp hội, doanh nghiệp khảo sát thực tế tại dự án để cập nhật định mức và điều chỉnh một số khoản mục như chi phí nhân công, giá ca máy, chi phí chung, thu nhập chịu thuế trước. Quá trình thực hiện cần đề cao việc lấy ý kiến các hiệp hội, doanh nghiệp, vốn là đối tượng chịu tác động chính.

Bộ Xây dựng cũng cần có hướng dẫn cụ thể về phương pháp xác định giá vật liệu tại mỏ để các địa phương công bố làm cơ sở cho chủ đầu tư thanh toán cho nhà thầu. Đại diện nhà thầu Trường Sơn cho biết họ phải tự thỏa thuận, đền bù đất, tài sản trên đất ở mỏ cho người dân, gây khó khăn khi thực hiện và thanh tra, kiểm toán sau này.

Thứ trưởng Xây dựng Bùi Hồng Minh yêu cầu các địa phương rà soát, làm rõ tình trạng đơn giá xây dựng địa phương ban hành chưa theo kịp thị trường. Trong quý I, Bộ Xây dựng dự kiến ban hành bổ sung 318 định mức, còn Bộ Giao thông Vận tải là 547 định mức.

Ngoài ra, hai bộ nghiên cứu thành lập một tổ công tác tháo gỡ khó khăn về định mức, đơn giá xây dựng trong quý này. Tổ công tác sẽ nhận phản ánh của các chủ đầu tư, nhà thầu thi công, ban quản lý dự án, địa phương về định mức chưa phù hợp hoặc thiếu để điều chỉnh, ban hành mới.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.