Đồng Nai tiếp tục huỷ 24 dự án khu dân cư, khu đất đầu tư BT tại huyện Long Thành

Ngoài Long Thành, các huyện tại Đồng Nai như Nhơn Trạch, Thống Nhất, Trảng Bom cũng đã thông báo huỷ hàng trăm dự án khu dân cư do chậm tiến độ. Đơn cử như Khu đô thị Đại Phước 130 ha, Khu dân cư dịch vụ Giang Điền (khu B) 105 ha, Khu dân cư dịch vụ Giang Điền (Long Điền) 97 ha, khu dân cư thị trấn Long Thành,...

Báo Đồng Nai thông tin từ UBND huyện Long Thành, thời gian qua, trên địa bàn huyện có 16 dự án khu dân cư, tái định cư bị hủy do quá thời hạn chưa triển khai thực hiện.

Trong đó, có nhiều dự án đã đưa vào kế hoạch sử dụng đất từ năm 2015 - 2018 như: Khu dân cư An Thuận giai đoạn 3, khu dân cư thị trấn Long Thành, khu tái định cư trạm khuyến nông, khu tái định cư Long Đức, khu tái định cư Công ty Nhị Hiệp, khu nhà ở công nhân và người có thu nhập thấp,...

Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 8 khu đất đầu tư BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao) bị hủy vì không thực hiện được do Chính phủ yêu cầu ngưng thực hiện các dự án theo hình thức BT là lấy đất đổi hạ tầng kỹ thuật.

Huyện Long Thành không phải địa phương duy nhất thông báo huỷ bỏ các dự án chậm tiến độ tại địa phương. 

Hồi tháng 7, UBND huyện Thống Nhất thông báo huỷ 132 dự án với diện tích 341 ha do quá trình thực hiện không phải thu hồi đất hoặc quá ba năm chưa triển khai thực hiện, sau khi rà soát tiến độ triển khai các dự án trên địa bàn huyện có thu hồi đấtgiai đoạn 2015 - 2021.

 Một góc tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: Nhà đầu tư).

UBND huyện Nhơn Trạch cũng công bố danh mục sử dụng đất có 16 dự án thuộc xã Long Tân bị hủy quyết định thu hồi đất do quá 3 năm chủ đầu tư không tiến hành triển khai thu hồi đất và thực hiện dự án theo quy định của pháp luật. Các dự án bị hủy thu hồi đất đa số là khu dân cư, hạ tầng kỹ thuật.

Một số dự án có diện tích đất lớn bị hủy như khu dân cư Long Tân 1 (95 ha); khu dân cư thương mại kết hợp với thương mại dịch vụ cấp vùng (88 ha); khu dân cư Long Tân (46 ha) của Công ty TNHH Tư vấn Thiết kế Xây dựng Khang Việt Hưng; khu dân cư (34 ha) của CTCP Đầu tư Sao Mai; khu dân cư đô thị The Lake (35 ha) của Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu 3L Sài Gòn; khu dân cư (29 ha) do CTCP Khu công nghiệp miền Nam thực hiện,…           

Theo UBND tỉnh, trong giai đoạn từ ngày 1/1/2015 đến ngày 31/12/2021, có 2.210 dự án với tổng diện tích đất hơn 16 ngàn ha đã được HĐND tỉnh thông qua danh mục các dự án cần thu hồi đất. Trong số này, có 1.670 dự án đầu tư công và 540 dự án ngoài ngân sách với diện tích đất thu hồi.

Tại cuộc họp vào giữa tháng 6, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết đã báo cáo HĐND tỉnh thông qua danh mục hủy 995 dự án với tổng diện tích đất cần thu hồi hơn 7.000 ha. Đây là các dự án sau 3 năm chưa có quyết định thu hồi đất, chưa được giao đất, cho thuê đất theo quy định.

Ngoài ra , tỉnh có 1.215 dự án còn hiệu lực thực hiện với tổng diện tích đất cần thu hồi hơn 8.300 ha. Trong số này, có 612 dự án với diện tích đất cần thu hồi hơn 1.500 ha đã thực hiện xong.

Hồi tháng 6, HĐND tỉnh thông báo năm 2022 tiến hành hủy bỏ 62 dự án BĐS có tổng diện tích hơn 1.000 ha nằm trong danh mục thu hồi đất từ năm 2015 - 2019 nhưng không tiến hành xây dựng.

Địa phương có nhiều dự án bị hủy bỏ là các huyện Nhơn Trạch, Trảng Bom, Long Thành và TP Biên Hòa.

Huyện Nhơn Trạch có 36 dự án, đa số nằm trong danh mục thu hồi đất từ năm 2015 - 2018 như Khu đô thị Đại Phước 130 ha; Khu dân cư Đại Phước - Phú Hữu rộng 64 ha thuộc địa bàn hai xã Đại Phước, Phú Hữu; Khu dân cư 90 ha ở xã Phú Thạnh; Khu dân cư Phước An 70 ha.

Huyện Trảng Bom có các dự án như Khu dân cư mật độ thấp 50 ha nằm trên địa bàn ba xã Quảng Tiến, Đồi 61, Giang Điền; Khu dân cư dịch vụ Giang Điền (khu B) 105 ha; Khu dân cư dịch vụ Giang Điền (Long Điền) 97 ha.

Huyện Long Thành có Khu dân cư đô thị mới Bình Sơn 555 ha thuộc các xã Bình Sơn, Lộc An,.…

UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, giai đoạn 2005 - 2015, việc lựa chọn nhà đầu tư, cấp phép cho các dự án BĐS trên địa phương còn dễ, vì thế doanh nghiệp ồ ạt về Đồng Nai đề xuất và đầu tư hàng trăm dự án.

Tuy nhiên, sau nhiều năm hàng loạt dự án vẫn chưa hoàn thành. Nguyên nhân là do chủ đầu tư không đủ khả năng hoặc xin cấp phép dự án rồi để đó, đợi giá đất tăng sẽ tìm doanh nghiệp khác chuyển nhượng lại dự án bằng hình thức bán cổ phần, góp vốn.

Có những dự án đã được chuyển nhượng qua tay 3 - 4 chủ đầu tư nhưng vẫn chưa hoàn tất thủ tục, thu hồi đất để khởi công xây dựng. Mỗi thương vụ chuyển nhượng dự án BĐS tại Đồng Nai, chủ đầu tư thu về từ vài trăm đến hàng ngàn tỷ đồng. 

Đơn cử như 6 dự án BĐS lớn nhất TP Biên Hòa nêu trên đều được cấp phép đầu tư gần 10 năm, nhưng đến nay vẫn đang trong quá trình triển khai các thủ tục về đất đai, xây dựng.

Trong đó, có những dự án đã được doanh nghiệp chuyển nhượng 2 - 4 lần, thông qua hình thức bán lại cổ phần của công ty làm chủ dự án hoặc góp vốn đầu tư chung.  

Hiện tại, Đồng Nai đang cho rà soát lại tất cả dự án BĐS trên địa bàn, những dự án kéo dài nhiều năm không triển khai do nhà đầu tư chỉ mua “chờ thời” để nhượng lại, không đủ khả năng về tài chính để thực hiện sẽ tiến hành thu hồi để mời gọi những doanh nghiệp có đủ năng lực thực hiện.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.