Dòng vốn gần 4 tỷ USD chảy về các doanh nghiệp địa ốc nửa đầu năm

Từ năm 2019 đến nay, nhóm bất động sản vẫn giữ vị trí quán quân huy động vốn qua kênh trái phiếu để triển khai các dự án. Tính riêng nửa đầu năm 2021, tổng giá trị trái phiếu của nhóm này đã đạt gần 4 tỷ USD, top đầu các doanh nghiệp huy động vốn có Vingroup, Golden Hill, nhóm Hưng Thịnh, BIM Land, Sunshine, Novaland...

Doanh nghiệp địa ốc vẫn ngôi quán quân phát hành trái phiếu nửa đầu năm 2021

Dòng vốn gần 4 tỷ USD chảy về các doanh nghiệp địa ốc nửa đầu năm - Ảnh 1.

Tỷ trọng các ngành phát hành trái phiếu trong 6 tháng đầu năm 2021. (Nguồn: SSI).

Theo báo cáo mới đây của SSI Research, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong nửa đầu năm 2021 ghi nhận tổng lượng TPDN phát hành là 208.900 tỷ đồng, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2020. 

Quán quân phát hành vẫn là các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) do nhu cầu lớn về vốn đầu tư, đạt 92.300 tỷ đồng, chiếm 44,2%.

Lãi suất bình quân trái phiếu BĐS là 10,36%/năm, kỳ hạn bình quân giữ ở mức 3,8 năm. 

Các ngân hàng và công ty chứng khoán đã mua 37.300 tỷ đồng trái phiếu BĐS (chiếm 40,4% lượng trái phiếu BĐS phát hành); còn các nhà đầu tư cá nhân mua hơn 3.300 tỷ đồng trái phiếu nhóm này.

Tính riêng quý II/2021, các doanh nghiệp BĐS phát hành 64.400 tỷ đồng trái phiếu, tăng 131% so với quý I/2021 và tăng 28% so với quý II/2020. 

Trong đó, những doanh nghiệp phát hành nhiều nhất trong quý vừa qua là Vingroup, Golden Hill, BIM Land, Hưng Thịnh Quy Nhơn, Hưng Thịnh Land, Nhà Sunshine, BĐS Wonderland…

Dòng vốn gần 4 tỷ USD chảy về các doanh nghiệp địa ốc nửa đầu năm - Ảnh 2.

Nguồn: SSI Research.

Rủi ro với trái phiếu BĐS đang tăng lên

Về tính đảm bảo của trái phiếu, các TPDN được phát hành trong nửa đầu năm 2021 có 18,6% được bảo đảm bằng BĐS; 11% được đảm bảo bằng tài sản; 33% được đảm bảo bằng một phần tài sản/bất động sản và một phần là cổ phiếu; 9,3% được đảm bảo hoàn toàn bằng cổ phiếu và 28% là không có tài sản đảm bảo.

Đối với trái phiếu BĐS, có 29.000 tỷ đồng trái phiếu được đảm bảo hoàn toàn bằng cổ phiếu hoặc không có tài sản đảm bảo. 

Nếu tính cả các trái phiếu BĐS được đảm bảo một phần bằng cổ phiếu, con số này lên tới 60.000 tỷ đồng, chiếm 64% tổng lượng trái phiếu BĐS phát hành trong 6 tháng đầu năm 2021.

Theo SSI, việc đảm bảo nghĩa vụ thanh toán nợ gốc lãi trái phiếu bằng cổ phiếu không có nhiều ý nghĩa. Nếu có sự kiện vi phạm xảy ra, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán thì giá trị cổ phiếu dùng làm tài sản đảm bảo (thường là của tổ chức phát hành hoặc liên quan đến tổ chức phát hành) cũng sẽ sụt giảm nghiêm trọng.

Bên cạnh rủi ro về tài sản đảm bảo cho trái phiếu, dịch bệnh dai dẳng đang khiến cho môi trường kinh doanh của các công ty bất động sản gặp khó khăn.

Môi trường lãi suất thấp giúp dòng tiền đầu tư cũng tìm đến kênh BĐS nhiều hơn. Các doanh nghiệp BĐS tăng mạnh huy động vốn trái phiếu để triển khai các dự án khiến đây là nhóm phát hành nhiều nhất từ năm 2019 đến nay.

Song trong bối cảnh hiện nay, thanh khoản của thị trường BĐS có xu hướng giảm cho thấy sức hấp thụ đang suy yếu dần. Các hoạt động triển khai dự án, sự kiện mở bán bị gián đoạn do dịch bệnh. Hoạt động đầu tư công các dự án cơ sở hạ tầng đang chậm hơn dự kiến. 

Các yếu tố trên làm tăng chi phí vốn do ứ đọng, ảnh hưởng đến kế hoạch dòng tiền trả nợ gốc lãi trái phiếu của nhiều doanh nghiệp.

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.