Dự kiến xây dựng sân bay Quảng Trị theo hình thức PPP

Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị theo phương thức PPP.

Theo quyết định này, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Chủ tịch Hội đồng; Phó Chủ tịch Hội đồng là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Các thành viên của Hội đồng gồm lãnh đạo các Bộ: Giao thông vận tải; Tư pháp; Tài chính; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Quốc phòng; Công an; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định liên ngành.

Trách nhiệm, quyền hạn và nguyên tắc hoạt động của Hội đồng thẩm định liên ngành thực hiện theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan có thành viên thuộc Hội đồng thẩm định liên ngành có văn bản cử người gửi về cơ quan thường trực Hội đồng (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trước ngày 20/6/2021.

UBND tỉnh Quảng Trị có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ liên quan đến quá trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án.

Cảng hàng không Quảng Trị sẽ là sân bay dân sự kết hợp quân sự - Ảnh 1.

Phối cảnh cảng hàng không Quảng Trị. (Ảnh: Cục Hàng không Việt Nam).

Theo quy hoạch được duyệt, cảng hàng không Quảng Trị sẽ là cảng hàng không nội địa, dùng chung cho mục đích dân dụng và quân sự. Vị trí dự kiến xây dựng sân bay tại xã Gio Mai, huyện Gio Linh.

Tổng diện tích của cảng hàng không Quảng Trị khoảng 316,572 ha, trong đó diện tích khu hàng không dân dụng hơn 87 ha, diện tích đất quân sự hơn 51 ha, diện tích dùng chung hơn 177 ha.

Mục tiêu quy hoạch là xây dựng sân bay cấp 4C theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và là sân bay quân sự cấp II, công suất một triệu hành khách/năm, 3.100 tấn hàng hóa/năm.

Loại tàu bay khai thác trong cảng có code C hoặc tương đương. Sân bay có 5 vị trí đỗ tàu bay code C (có khả năng đỗ tàu bay code E). Hệ thống đường cất, hạ cánh gồm 1 đường cất, hạ cánh theo hướng 04- 22; kích thước 2.400 m x 45 m, lề vật liệu mỗi bên rộng 7,5 m.

Hệ thống đường lăn gồm một đường lăn song song, chiều dài khoảng 711,5 m. Sẽ có hai đường lăn nối từ đường cất hạ cánh vào đường lăn song song; hai đường lăn nối từ đường lăn song song vào sân đỗ máy bay. Các đường lăn có chiều rộng 23 m, lề vật liệu đường lăn mỗi bên rộng 5 m.

Các công trình quản lý, điều hành bay gồm: Đài kiểm soát không lưu; đài dẫn đường VOR/DME; hệ thống thiết bị hạ cánh, hệ thống đèn tiếp cận, hệ thống quan trắc khí tượng tự động AWOS đồng bộ với đường cất hạ cánh.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.