Ông Lê Hữu Nghĩa - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM, cho biết ngành du lịch, trong đó lữ hành, khách sạn đang bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng bởi dịch Covid-19.
Ông nói 95% khách sạn đã bị hủy phòng chỉ trong thời gian cực kì ngắn, vì dịch Covid-19. Chỉ 5% khách còn lại "bấm bụng" ở khách sạn, vì có kế hoạch công tác chứ không phải đi du lịch.
Đáng chú ý, khách du lịch quốc tế đến TP HCM nói riêng và cả nước nói chung, chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM cho rằng lượng khách quốc tế từ 3 thị trường này chiếm tới 80% tổng khách quốc tế đến Việt Nam, chiếm 70% đường bay.
Và điều này thực sự kinh khủng với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch TP HCM, khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp đúng tại 3 quốc gia này. Hiện các hãng hàng không đã dừng các đường bay đến Trung Quốc, vài ngày tới, Vietjet, Vietnam Airlines cũng sẽ ngừng bay đến Hàn Quốc.
"Hiện không có khách du lịch vì tâm lí người ta sợ dịch nên có kích cầu cũng không đi, dù mình có tặng luôn khách cũng không dám ở". Ông Nghĩa nói và thẳng thắn cho rằng các chương trình kích cầu thời điểm này cũng khó có thể thu hút du khách, vì tâm lí sợ dịch Covid-19.
Theo thống kê của Sở Du lịch TP HCM, thông qua khảo sát 22 doanh nghiệp lữ hành có quy mô lớn trên địa bàn, cho thấy số khách trong và ngoài nước hủy tour vì dịch Covid-19 gần 90.000 khách, doanh thu bị thiệt hại gần 1.000 tỉ đồng.
Không riêng ngành du lịch, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM - ông Chu Tiến Dũng, cho biết, những ngày qua, Hiệp hội đã đến nhiều doanh nghiệp trên địa bàn nắm bắt tình hình hoạt động trong giai đoạn khó khăn.
Ông cho biết hầu hết doanh nghiệp đều gặp khó khăn, nhất là doanh nghiệp ngành sản xuất như dệt may, da giày, cao su, nhựa… do phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập từ Trung Quốc. Một số có nguyên liệu sản xuất thì đang trong tình trạng khủng hoảng nguồn cung, bởi khâu vận chuyển qua đường bộ, đường hàng không bế tắc.
Tại cuộc họp Chính phủ vừa diễn ra hôm qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã cập nhật tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Ông cho biết ngành du lịch đang bị thiệt hại nặng nề nhất, khi lưu trú khách sạn giảm 60%, số lượng du khách giảm 2 con số, ngành du lịch ước tính thiệt hại khoảng 7 tỉ USD.
Một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tạm ngừng hoặc thu hẹp hoạt động.
Trước khó khăn chung hiện nay, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM - ông Chu Tiến Dũng cho biết để thích ứng, các doanh nghiệp đang phải chuyển đổi nhiều yếu tố, từ nguồn cung cấp đầu vào đến chuyển đổi đầu ra, tổ chức lại sản xuất trong điều kiện phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Đồng thời, các doanh nghiệp cũng phải hợp tác liên kết để tạo thị trường với nhau, tạo liên kết với nhau để nối dài chuỗi giá trị. Hiệp hội Doanh nghiệp TP sẽ đi tìm các mô hình hay trong sản xuất để phổ biến, quảng bá, giúp các doanh nghiệp phát triển.
Ngoài việc "tự vận động", ông Lê Hữu Nghĩa đề xuất các cấp, ngành cần có cơ chế hỗ trợ kịp thời và thiết thực, cho các ngành bị ảnh hưởng.
Đơn cử, với du lịch, ông Nghĩa cho rằng đề xuất mở các đường bay quốc tế mới, hướng tới các khu vực chưa có dịch là rất tốt, nhưng cần phải lưu ý việc này sẽ không mang lại hiệu quả nếu không gắn với miễn thị thực cho khách du lịch.
Theo ông, nếu mở đường bay mà khách phải chờ cấp thị thực tới 30 ngày, thì không giải quyết được vấn đề cấp bách hiện nay. Vì vậy, tùy vào từng ngành, từng lĩnh vực, cơ quan quản lí linh động để đưa ra các hướng giải quyết hiệu quả nhất.
Ông cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ có chính sách miễn, giảm thuế năm 2019 cho doanh nghiệp trên địa bàn TP HCM, vì ngay tháng 3/2020 này là thời điểm các doanh nghiệp phải đóng thuế năm 2019.
Ông cho rằng yêu cầu miễn giảm mà không nói rõ năm nào. Chẳng hạn miễn, giảm cho năm 2020 thì thời điểm này là không có nhiều ý nghĩa. "Bởi doanh nghiệp đang lỗ nặng vì Covid-19, làm gì có lợi nhuận để đóng thuế", ông Nghĩa nói.
Về việc khoanh nợ, giảm lãi suất cho vay, ông Lê Hữu Nghĩa cho rằng cũng phải quy định cụ thể đó là khoản nợ đang vay, rõ ràng về thời gian. Bởi vì hiện doanh nghiệp không có đơn hàng, không có nguyên liệu thì cũng chưa có nhu cầu vay mới.
Hiện Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM đã kiến nghị thành phố áp dụng ngay các biện pháp khoanh nợ, giãn nợ, chậm nộp thuế, giảm lãi vay ngân hàng; giảm tiền cho thuê đất; bổ sung thêm danh mục ngành nghề vào chương trình kích cầu… để giúp doanh nghiệp vượt khó.
PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng dịch Covid-19 sẽ là một cú sốc lớn cho kinh tế Việt Nam năm nay. Tuy nhiên, lúc này cần phải bình tĩnh thì mới có giải pháp khắc phục.
Ông đặc biệt nhấn mạnh TP HCM là đầu tàu phát triển của đất nước, thì các doanh nghiệp phải càng bình tĩnh, có mục tiêu lớn để vừa khắc phục thiệt hại của dịch bệnh, vừa đảm bảo mục tiêu tăng trưởng lẫn kế hoạch đặt ra trong năm nay. Chuyên gia cho rằng năm 2020, nếu TP HCM không đạt được mục tiêu tăng trưởng kì vọng vì dịch, thì các địa phương khác trong cả nước sẽ thế nào.
Ông đề xuất chống dịch phải được coi là giải pháp hàng đầu để bảo vệ tăng trưởng và thay đổi cơ cấu và tái cấu trúc để thoát khỏi phụ thuộc vào Trung Quốc. Các doanh nghiệp có thể tận dụng lúc này để thay thế sản phẩm và mở rộng thị trường. Một thị trường có thể tính toán đến là Ấn Độ.
Cùng quan điểm này, TS. Lê Đăng Doanh nói với các doanh nghiệp có thể biến "nguy thành cơ", đa dạng hóa, đa phương hóa thị trường, tránh quá phụ thuộc vào một thị trường và một đối tác. Theo ông, các thị trường khác có thể nhắm đến như Đài Loan, Hong Kong, Hàn Quốc, Nhật Bản...
"Doanh nghiệp phải chấp nhận thử thách để tìm giải pháp, tìm thêm cộng sự, đối tác, thay vì đứng yên và chấp nhận phá sản". Ông Doanh nói và gợi ý các hướng phải làm hiện nay, là vận dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử, liên kết lại với nhau theo chuỗi giá trị và từng ngành hàng để tự cứu mình.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020