Giữa dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp TP HCM lo không trụ nổi 3-5 tháng, nhưng cũng có công ty nhanh chân tìm ra hướng kiếm tiền

Đã qua Tết Nguyên đán hơn 1 tháng nay, theo thông lệ tình hình sản xuất, kinh doanh phải trở lại bình thường, nhưng nhiều doanh nghiệp tại TP HCM hiện vẫn chật vật vì nguyên liệu đầu vào thiếu hụt, thị trường đầu ra từ xuất khẩu đến tiêu thụ trong nước đều giảm nghiêm trọng bởi dịch Covid-19.

Doanh nghiệp lo không trụ nổi 3-5 tháng nữa vì dịch Covid-19

Cuối năm 2019, sau một thời gian dài đàm phán, Công ty CP Cà phê Hello 5 chính thức nhận được giấy phép xuất khẩu cà phê chính ngạch vào Trung Quốc. Không khí sản xuất tại doanh nghiệp này phấn chấn hẳn lên trước Tết, nhờ việc tìm được đường đi chính ngạch vào thị trường vốn được đánh giá là rất lớn và tiềm năng.

"Nhưng sau Tết, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Trung Quốc. Đơn hàng trị giá chục nghìn USD bị dừng lại. Phía đối tác nói họ không nhận cà phê nữa, nếu có khẩu trang y tế thì xuất qua đây", ông Trần Tấn Thiện, Tổng giám đốc doanh nghiệp này ngậm ngùi nói.

Doanh nghiệp TP HCM lao đao, lo 3-5 tháng nữa sẽ chết vì không chịu nổi dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Quán cà phê tại TP HCM vắng lặng vì dịch Covid-19, bình thường, các ghế ngồi tại đây luôn được lấp đầy. (Ảnh: Phúc Minh).

Kể từ khi đứt nguồn xuất khẩu sang Trung Quốc, sau Tết đến nay, doanh nghiệp chuyên về cà phê này chưa tìm được đơn hàng nào mới. Ông Thiện nói thêm không chỉ xuất khẩu, tình hình kinh doanh trong nước cũng khó khăn vì doanh thu từ bán lẻ tại siêu thị sụt giảm nghiêm trọng, hàng quán cà phê vắng khách vì tâm lí ngại nơi đông người của người dân.

"Nếu cứ tiếp tục tình hình này, chỉ cần 3-5 tháng sau là doanh nghiệp chết rồi". Ông chủ doanh nghiệp này tỏ ra lo lắng và khẳng định các công ty nhỏ mới gia nhập thị trường đang rất khó khăn, chạy vạy tìm đầu ra cho sản phẩm, vì xuất khẩu đi Trung Quốc là chủ yếu.

Doanh nghiệp cà phê của ông Thiện chỉ là một trong số hàng loạt doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19.

Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), cho biết sau nhiều chuyến thăm các doanh nghiệp, thậm chí cả doanh nghiệp tên tuổi lớn cũng đều cho biết đang rất gặp khó, đơn hàng giảm mạnh khi chịu tác động kép, khó khăn cả nguyên liệu đầu vào và đầu ra cho sản phẩm. 

Đặc biệt, khi một bộ phận người lao động không đi làm, chi tiêu, mua sắm cũng bị cắt giảm, dẫn đến tiêu thụ hàng hóa giảm từ xuất khẩu đến thị trường nội địa.

Theo bà Hạnh, các doanh nghiệp dệt may, da giày, nông sản, hàng không, bán lẻ, dịch vụ liên quan... đều cùng chịu ảnh hưởng nặng nề.

Những doanh nghiệp đang bung ra "tự cứu mình"

Bà Vũ Kim Hạnh cho biết nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn ở nguồn cung nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. Họ thừa nhận thực trạng đang rất nghiêm trọng. Nhưng cũng chính trong khó khăn vì tình huống không mong muốn, bị đẩy vào chân tường nên đã bật ra để tiếp tục sống và duy trì hoạt động kinh doanh. 

 Thực tế ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát, các doanh nghiệp đã chủ động ứng phó, đưa ra nhiều kịch bản khác nhau từ nhận định tình hình khả quan đến mức độ không mong muốn, là tệ nhất, để kịp ứng phó.

Doanh nghiệp TP HCM lao đao, lo 3-5 tháng nữa sẽ chết vì không chịu nổi dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Bà Chi cho biết bánh mì thanh long, mì tươi thanh long của doanh nghiệp cũng là cách "tự giải cứu" trong mùa dịch Covid-19. (Ảnh: Phúc Minh).

Câu chuyện của bà Huỳnh Kim Chi - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Việt Nam Kĩ nghệ bột mì (Vikybomi), nổi tiếng với thương hiệu bột Đại Phong và Mikko, là ví dụ. Bà Chi cho rằng doanh nghiệp cũng không thoát khỏi tình cảnh chung vì dịch Covid-19, xuất khẩu mất ngay 20%, dù Vikybomi có thị trường xuất khẩu đa dạng, không phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. 

Với đặc thù chuyên về bột pha sẵn, nên công ty bà Chi đã nhanh chóng nhảy vào "cơn sốt" bánh mì thanh long, để vừa "giải cứu" nông sản, vừa "tự giải cứu" mình giữa tình hình kinh doanh ảm đạm. 

Tính đến thời điểm này, doanh nghiệp đã "sáng chế" và đăng kí độc quyền bánh mì da beo, có kết hợp thanh long ruột đỏ làm ruột bánh. Đặc biệt, mới nhất có sản phẩm mì tươi thanh long đã bán ra thị trường, và được đón nhận khá tốt.

Bà cho biết giữa tình hình dịch bệnh hiện nay, doanh nghiệp phải "tự cứu mình" khi vừa làm đa dạng sản phẩm, vừa tạo công ăn việc làm cho người lao động. Doanh nghiệp đang tính toán tận dụng thêm những nông sản chất lượng khác của nông dân, để cho ra mắt nhiều sản phẩm bột khi thấy thị trường đón nhận tốt.

Tuy nhiên, ngoài việc "tự giải cứu", Chủ tịch Vikybomi cũng kiến nghị Chính phủ cần có chính sách, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Chuyên gia: "Trong họa có phúc, trong nguy có cơ"

TS. Lê Đăng Doanh nhận định tình hình của các doanh nghiệp trở nên đáng lo ngại, vì dịch Covid-19. Bởi rất nhiều ngành sản xuất của Việt Nam phụ thuộc vào Trung Quốc như dệt may, điện tử… vì rẻ, nhanh, linh hoạt. 

Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng: "Trong họa có phúc, trong nguy có cơ". 

Giải thích rõ hơn về điều này, ông Doanh nói doanh nghiệp cần tận dụng thời điểm hiện nay để đa dạng hóa, đa phương hóa thị trường, tránh quá phụ thuộc vào một thị trường và một đối tác. Ngoài ra, nguồn cung ứng nguyên phụ liệu cần đa dạng hơn như Đài Loan, Hong Kong, Hàn Quốc, Nhật Bản... 

Ngay thời điểm này, doanh nghiệp cũng cần vận dụng mạnh công nghệ thông tin, chuyển sang kinh tế số, thương mại điện tử... Đặc biệt, doanh nghiệp Việt phải liên kết lại với nhau. Ông cho rằng tính liên kết của doanh nghiệp Việt từ trước đến nay còn yếu, và đây là lúc phải liên kết theo chuỗi giá trị và từng ngành hàng để tự cứu mình. 

"Doanh nghiệp phải nhận thức đúng tình hình, chấp nhận thử thách để tìm giải pháp, tìm thêm cộng sự, đối tác để 'liên minh', thay vì đứng yên và chấp nhận phá sản", ông Doanh nói.

Ông nói như ngành hàng không lúc này, cần đẩy mạnh khai thông đường bay mới, giảm giá vé hơn nữa. Chính phủ cũng đang tìm phương án để đưa ra giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Thời điểm này, Chính phủ cần sớm có gói kích cầu, cắt giảm thuế, tạo điều kiện cấp vốn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tiêu dùng trong nước, giảm mức chỉ tiêu tăng trưởng... Ông Doanh nói các doanh nghiệp Việt cần xem dịp này là thử thách để vượt lên, tái cơ cấu để bảo vệ nền kinh tế.