Không thể tự nói, Tùng uỷ quyền nhờ anh ruột là Sơn trình bày trước toà - Ảnh: K.NAM. |
Chiều 8-5, Hội đồng xét xử dân sự sơ thẩm Toà án nhân dân huyện Châu Thành (Kiên Giang) đã tuyên bác đơn kiện đòi chia tài sản thừa kế giữa nguyên đơn là 6 anh, chị em ruột do 2 ông Phạm Văn Luận, Phạm Văn Truyền làm đại diện.
Đòi hỏi vô lý
Còn bên bị đơn chính là 2 người em ruột Phạm Thanh Tùng (bị nhiễm chất độc da cam) và anh ruột Phạm Văn Sơn, người đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc cho Tùng.
Đây là lần thứ 2 Tòa án nhân dân huyện Châu Thành bác yêu cầu của nguyên đơn.
Lần xử đầu tiên, tháng 6-2016, Tòa cũng bác đơn, nhưng nguyên đơn kháng án và sau đó Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang tuyên hủy án để sơ thẩm để làm rõ một số nội dung.
Theo hồ sơ vụ việc, sau khi chồng mất, năm 1991 bà Hoàng Thị Huệ (ngụ ấp An Bình, xã Bình An, huyện Châu Thành) đã làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho các mảnh đất vườn, đất ruộng, đất thổ cư của mình.
Sau đó, bà Huệ làm thủ tục tách thửa chia cho 6 người con lớn 6 nền nhà, mỗi nền rộng từ 140-180m2 tuỳ vị trí. Riêng phần đất ruộng bà để lại chung cho các con.
Phần 2 người con trai Tùng và Sơn, bà Huệ đến phòng công chứng lập di chúc để lại một mảnh đất trồng dừa nước ven sông và 1 căn nhà cấp 4.
Anh Sơn nói rằng có lẽ do mẹ thấy Tùng tật nguyền, "nên cố tình cho đất nhiều hơn các anh chị khác một chút, để anh em tôi có điều kiện sinh sống, chăm nom lẫn nhau".
Sau khi bà Huệ qua đời, cuối năm 2013, lấy lý do bà Huệ "lạm quyền làm mẹ" chia tài sản thiếu công bằng, và phần đất mà bà đem lập di chúc cho Tùng, Sơn vốn là đất "tập đoàn cấp theo đầu người cho cả hộ", nên 6 anh chị em làm đơn khởi kiện, yêu cầu Toà án tuyên hủy bỏ di chúc đã lập.
Trừ 6 nền nhà họ đã nhận riêng, thì toàn bộ tài sản khác đều phải chia làm 8 phần, kể cả số tiền khoảng 400 triệu đồng mà anh Sơn và Tùng có được sau nhiều năm cho thuê mảnh đất ven sông để sinh sống.
Tại phiên toà sơ thẩm lần này, đại diện UBND huyện xã Bình An, huyện Châu Thành đều xác định phần đất mà bà Huệ lập di chúc cho 2 con Sơn, Tùng là tài sản riêng. Thời kỳ tập đoàn, chính quyền không tiến hành giao cấp đất theo định suất đầu người cho hộ bà Huệ.
Đại diện Viện kiểm sát tại tòa cũng nhận định phiên toà diễn ra đúng trình tự, thủ tục pháp lý. Việc bà Huệ lập di chúc là đúng pháp luật, tài sản mà bà để lại cho 2 con cũng là của riêng nên bà có toàn quyền quyết định.
Từ cơ sở đó, chủ toạ phiên toà dân sự sơ thẩm lần 2 đã tuyên bác yêu cầu của phía nguyên đơn. Riêng phần đất ruộng sẽ xem xét trong một vụ kiện khác vì bà Huệ không nhắc tới trong di chúc.
Anh Sơn bồng Tùng tới tòa lúc 13h, dù hơn 14h mới bắt đầu nghe tuyên án - Ảnh: K.NAM. |
Sau khi tòa tuyên án, phía nguyên đơn lặng lẽ ra về, phần anh Sơn và Tùng ngồi nán lại trong sân. Thắng kiện, nhưng cả 2 anh em đều không ai vui nổi.
"Tui biết, thế nào mấy ổng cũng thưa nữa, 2 anh em tui lại bồng bế ra tòa nữa, chưa biết khi nào mới dứt", anh Sơn bộc bạch.
"Thân xác đau 1, dạ đau tới 10"
Hơn 4 năm, hàng chục lần hòa giải, trải qua 3 phiên, biết bao dằn xé về mặt thể xác, bởi từ lúc chào đời, Tùng đã dặt dẹo, nói không rõ tiếng, đi đứng không được vì cơ thể dúm dó.
Nhưng cái đau lớn nhất là phải chứng kiến cảnh anh em ruột thịt kiện cáo lẫn nhau chỉ vì chút tài sản mà người mẹ tảo tần lao động cực nhọc cả đời để lại.
Bằng giọng nói ngọng nghịu mà phải cố gắng lắm người đối diện mới hiểu được, Tùng huơ tay, vẹo miệng, trợn mắt thốt lên: "Em đau, đau… lòng lắm".
Trong các lần hoà giải rồi xét xử, không ít lần, những vị hội thẩm nhân dân cũng cảm thán như Tùng: "Tranh chấp làm chi mà gây cảnh đau lòng. Người làm mẹ đã công tâm chia tài sản đều hết rồi, phần Sơn với Tùng thêm có mảnh đất ven sông để làm kế sinh nhai thôi mà".
Anh Sơn cho biết thêm, từ lúc anh chị ruột làm đơn tranh chấp tài sản, phần đất ven sông không còn ai dám thuê đển neo đậu tàu cá nữa, mỗi tháng anh em mất nguồn thu nhập khoảng 2 triệu đồng.
Căn nhà của mẹ cho, 2 anh em cũng không dám ở vì sợ "đụng chạm", phải đi thuê nhà trọ ở riêng.
Hàng ngày, Sơn để Tùng ở nhà với cái máy tính cũ, rồi quày quả ra chợ mua đi bán lại ít đồ tiêu dùng lặt vặt. Nhưng gần đây Tùng hay đau yếu, việc mua bán của Sơn gián đoạn vì phải chăm sóc Tùng.
Xét xử bà Hứa Thị Phấn chiều 8/5: VKS công bố cáo trạng
Chiều 8/5, TAND TP HCM tiếp tục mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Hứa Thị Phấn (SN 1947, nguyên Cố vấn Cao ... |
Xét xử vụ TrustBank thất thoát 6.000 tỷ đồng: Bà Hứa Thị Phấn vắng mặt vì lý do gì?
Dù các luật sư có đơn xin cho bị cáo Hứa Thị Phấn vắng mặt trong phiên tòa xét xử vì lý do sức khỏe, ... |
Xét xử bà Hứa Thị Phấn: Nữ bị cáo bế con gần 1 tháng tuổi đến phiên tòa
Cáo trạng nêu rõ, trong quá trình điều tra, bà Loan không thành khẩn khai báo, không hợp tác với cơ quan điều tra để làm ... |