Đường phố 'gồng mình' đón tết

Gần tết, khắp các tuyến đường tại TP HCM lại bắt đầu “nghẹt thở” vì lượng phương tiện tăng cao, liên tục ùn ứ.
Đường phố 'gồng mình' đón tết - Ảnh 1.

Gần tết, đường phố TP HCM kẹt xe triền miên. (Ảnh: Ngọc Dương)

Đi bộ cũng... tắc

Hơn 1 tuần trở lại đây, đường phố TP HCM lúc nào cũng trong tình trạng ùn ứ quá tải. Các trục đường xuyên tâm như đường Cách Mạng Tháng 8, Nguyễn Thị Minh Khai, Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, dù không vào giờ cao điểm nhưng vẫn dày đặc phương tiện. Xe cộ tăng đột biến, lưu thông khó khăn, nhích từng chút. Một số giao lộ như Nguyễn Thị Minh Khai - Cách Mạng Tháng 8, Nguyễn Thái Học - Trần Hưng Đạo luôn có lực lượng cảnh sát giao thông điều tiết, nhưng lượng xe quá đông, nên tình trạng không cải thiện là bao, đặc biệt trong giờ cao điểm.

Gần 10 giờ sáng, dù không phải giờ cao điểm nhưng trên trục đường Nguyễn Thị Minh Khai đoạn từ ngã tư giao Cao Thắng kéo dài tới gần đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, xe cộ chen nhau nhích từng chút một. Ô tô, xe buýt, xe máy lấn làn, chen chúc nhau dưới cái nắng chói chang, cộng thêm ô nhiễm không khí khiến ai cũng cảm thấy mệt mỏi. 

Tương tự, trục đường Cách Mạng Tháng 8 (Q.3) từ đoạn giao với Nguyễn Đình Chiểu về vòng xoay ngã sáu Phù Đổng thường khi chỉ ùn ứ từ khoảng 17 - 18 giờ tối, nay đến 19 giờ vẫn nườm nượp xe cộ. Xe máy không có chỗ, chạy chèn lên chiếm hết vỉa hè, khiến người đi bộ cũng... tắc.

Khu vực trung tâm TP như tuyến đường Lê Lợi, Pasteur, Hai Bà Trưng (Q.1) không khá hơn. Đường Tôn Đức Thắng vốn đã đông, nay “mọc” thêm hàng dài lô cốt phục vụ thi công dự án cầu Thủ Thiêm 2 khiến tình trạng ách tắc càng nghiêm trọng. Đường chật kín xe cộ kéo dài từ đoạn giao với đường Nguyễn Hữu Cảnh đến Công trường Mê Linh, cầu Khánh Hội và tiếp tục lan về phía đường Nguyễn Tất Thành hướng về Q.7.

Không chỉ khu vực trung tâm, các tuyến đường cửa ngõ TP hướng ra sân bay Tân Sơn Nhất, Bến xe Miền Tây, Bến xe Miền Đông cũng kẹt không lối thoát. Khu vực đường ra sân bay, từ thời điểm trước Tết dương lịch đến nay luôn trong tình trạng xe phủ kín đường. Các tuyến đường như Trường Chinh, Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ, Bạch Đằng, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Thái Sơn... lúc nào cũng quá tải.

Trở về nhà sau “cuộc vật lộn” ngoài đường, chị Hằng Nga (ngụ Q.11) cho biết đã cố tình tránh giờ cao điểm, nhưng vẫn không thoát kẹt xe. Từ Lăng Cha Cả, chạy đường Cộng Hòa về tới Hoàng Hoa Thám, đoạn đường khoảng 2 km mà chị đi đúng 1 giờ đồng hồ mới tới nơi. “Ngày thường đã ùn ứ rồi, gần tết, người dân chạy đi chạy lại làm việc, sắm đồ nên đường phố lúc nào cũng đông nghẹt. Mỗi lần bước chân ra đường là như đi đánh trận”, chị Nga lắc đầu ngao ngán.

Khu vực Bến xe Miền Đông (Q.Bình Thạnh) thời điểm này giao thông cũng căng thẳng hơn trước rất nhiều. Ùn ứ nghiêm trọng hay xảy ra ở các tuyến đường Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Xí, Bạch Đằng, Xô Viết Nghệ Tĩnh, quốc lộ 13... Ở hướng ngược lại, giờ cao điểm, hàng nghìn phương tiện cũng phải nối đuôi nhau nhích từng chút khi qua Bến xe Miền Đông, hướng vào trung tâm TP, kéo dài từ đoạn quốc lộ 13 cho tới giao lộ với đường Nguyễn Xí.

Cùng với loạt công trình đang gấp rút thi công vào cuối năm, lô cốt bủa vây tứ phía, đường sá TP HCM những ngày cuối năm thật sự “nghẹt thở”.

Dẹp lô cốt, điều tiết các “điểm đen”

Trả lời Thanh Niên, đại diện Phòng Quản khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, thuộc Sở GTVT TP HCM cho biết Sở GTVT ban hành Kế hoạch phục vụ tết theo từng khối đơn vị với từng nhiệm vụ cụ thể. Theo đó, khối hạ tầng được giao nhiệm vụ tăng cường công tác kiểm tra, duy tu sửa chữa, vệ sinh mặt đường, chỉnh sửa, vệ sinh, sơn lại tiểu đảo, dải phân cách, biển báo, đèn tín hiệu giao thông, bảng quang báo... đặc biệt là trên các tuyến đường khu vực trung tâm, các tuyến quốc lộ, đường trục chính, cửa ngõ ra vào TP. 

Đồng thời, Sở sẽ tăng cường trực gác, phối hợp triển khai và kiểm tra tổ chức điều tiết, phân luồng giao thông tại các khu vực trọng điểm như sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, đường sắt Sài Gòn, các bến xe liên tỉnh, các bến cảng, bến phà, hầm vượt sông Sài Gòn...

Cũng theo vị này, để hạn chế tối đa tình trạng đào đường, lô cốt kéo dài làm nhếch nhác đô thị, ảnh hưởng lưu thông của người dân, Sở GTVT TP vừa ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị quản , giám sát xử nghiêm các chủ đầu tư, đơn vị thi công không đảm bảo các yêu cầu về tái lập mặt đường, tiến độ thi công không đúng giấy phép thi công, mạnh tay với lô cốt. 

Để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết dương lịch, Sở cũng yêu cầu ngưng thi công tất cả công trình đào đường để lắp đặt các công trình hạ tầng thuật trên địa bàn TP trong ngày 1/1/2020. Chủ đầu tư có trách nhiệm đôn đốc các tổ chức, cá nhân có liên quan đẩy nhanh tiến độ thi công đào đường, tái lập toàn bộ các đoạn đường đã thi công xong, thu gọn rào chắn thi công trước ngày 31.12.

Lộ trình thoát kẹt xe khu Đông dịp tết

Bến xe Miền Đông đề xuất lộ trình cho xe khách và các xe di chuyển để giảm thiểu tình trạng kẹt xe trên các tuyến đường về quê ăn tết sắp tới như sau:

Lộ trình 1:

Lượt đi: Bến xe Miền Đông - quốc lộ 13 - đường Phạm Văn Đồng - quốc lộ 1 - xa lộ Hà Nội - đường D1 (Khu công nghệ cao) - đường D2 (Khu công nghệ cao) - đường Võ Chí Công - đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Lượt về: Đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây - đường Võ Chí Công - đường D2 (Khu công nghệ cao) - đường D1 (Khu công nghệ cao) - xa lộ Hà Nội - quốc lộ 1 - đường Phạm Văn Đồng - quốc lộ 13 - Bến xe Miền Đông.

Lộ trình 2:

Lượt đi: Bến xe Miền Đông - quốc lộ 13 - Đinh Bộ Lĩnh - Bạch Đằng - ngã tư Hàng Xanh - Điện Biên Phủ - xa lộ Hà Nội - Mai Chí Thọ - đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Lượt về: Đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây - Mai Chí Thọ - xa lộ Hà Hội - Điện Biên Phủ - ngã tư Hàng Xanh - Xô Viết Nghệ Tĩnh - quốc lộ 13 - Bến xe Miền Đông.

chọn
Một doanh nghiệp dự chi gần 18.000 tỷ xây loạt cao ốc 25-40 tầng ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ
Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (khu K2) do Hacom Holdings làm chủ đầu tư vừa qua đã được điều chỉnh tổng vốn thành 17.779 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý III/2024 - quý I/2029.