Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III vừa công bố, CTCP Tập đoàn FLC (mã chứng khoán: FLC) ghi nhận doanh thu thuần giảm 70%, đạt 429,3 tỷ đồng, giá vốn trong kỳ cũng giảm 60%, còn 525,6 tỷ đồng.
FLC cho biết, doanh thu cùng giá vốn giảm là do ảnh hưởng bởi tình hình chung của thị trường kinh doanh bất động sản; chính sách tín dụng dành cho khách hàng đầu tư bất động sản; do sự thay đổi các vị trí lãnh đạo chủ chốt của công ty và quá trình cấu trúc lại bộ máy, các mảng kinh doanh cốt lõi.
Cùng với đó doanh thu từ hoạt động tài chính trong kỳ giảm 93%, chi phí tài chính tăng 58%, do ảnh hưởng của quá trình cơ cấu lại các khoản vay. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 147% do tăng trích lập dự phòng cho các khoản thu quá hạn và ảnh hưởng của khoản lỗ từ mảng đầu tư hàng không, dịch vụ khách sạn.
Kết quả, FLC báo lỗ sau thuế quý III, 785,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 5,6 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, FLC đạt doanh thu thuần 2.091 tỷ đồng, giảm 63% và lỗ sau thuế 1.891 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 69 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của FLC dương 73 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm 1.070 tỷ đồng. Trong đó, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh dương 3.793 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ở mức âm 481,2 tỷ đồng, nhờ tăng các khoản phải thu, giảm hàng tồn kho và tăng các khoản phải trả.
Tổng tài sản tính tới cuối quý III của FLC đạt 36.216 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm, do tăng các khoản phải thu ngắn hạn, đạt 15.720 tỷ đồng, nhờ tăng khoản trả trước cho người bán và khoản phải thu về cho vay ngắn hạn.
Công ty cũng ghi nhận 8.712 tỷ đồng các khoản tài sản dở dang dài hạn, tăng 20%, chủ yếu do tăng chi phí tại dự án Bình Định - giai đoạn 2 (987,7 tỷ đồng), dự án FLC Premier Park (1.134 tỷ đồng), dự án Khu đô thị Garden City Đại Mỗ (1.681 tỷ đồng),...
Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn tới ngày 30/9 của FLC giảm 83% còn 46 tỷ đồng. Trong đó, tổng số tiền đầu tư chứng khoán cuối quý III của công ty có giá gốc là 174,2 tỷ đồng, trong khi giá trị hợp lý là 25,7 tỷ đồng.
Công ty đã trích lập dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán 148,5 tỷ đồng, trong đó, mã HAI của CTCP Nông dược HAI trích lập 146,5 tỷ đồng và mã AMD của CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone trích lập 2 tỷ đồng.
Con số giá gốc này đã giảm 34,2% giá trị so với đầu năm. Khoản trích lập dự phòng cũng tăng đạt 74,8 tỷ đồng.
Hàng tồn kho trong kỳ giảm cũng 11% so với đầu năm, do giảm hàng tồn kho bất động sản, hàng hóa và chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.
Về phần nợ tài chính, tại ngày 30/9, tổng nợ của FLC là 5.016 tỷ đồng,giảm 19% so với đầu năm, do tất toán được 1.840 tỷ đồng tại Sacombank; 573,3 tỷ đồng tại OCB; 210 tỷ đồng tại BIDV,... và giảm 150 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu.