Gia Lai: Côn đồ đòi 'bảo kê' cả nông dân

Tình trạng côn đồ lộng hành, sử dụng mác “bảo kê” để thu tiền từ các chủ ruộng dưa tại một số địa phương của tỉnh Gia Lai đã khiến bà con nơi đây điêu đứng.
bao ke ruong dua an chan tren mo hoi nuoc mat nguoi dan
Nay Tạo (trái) và Nay Thu tại cơ quan công an.

Do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, đất đai màu mỡ nên những năm qua khu vực phía Đông Nam tỉnh Gia Lai thu hút được đông đảo người dân từ các tỉnh Phú Yên, Bình Định đến để canh tác, làm ăn.

Năm vừa qua, do thời tiết có nhiều biến động bất thường nên người nông dân phải đối mặt với việc thất thu từ ruộng dưa. Mặc dù dưa bán tại vườn có giá 10.000 đồng/kg, cao gấp bốn lần năm ngoái nhưng người dân vẫn muộn phiền khi bỏ ra một khoản chi phí lớn nhưng năng suất lại thấp do mưa lũ kéo dài. Bên cạnh đó, những người nông dân nghèo, xa quê lập nghiệp lại bị “bảo kê” đòi tiền một cách vô tội vạ.

Theo một số người dân tại cánh đồng buôn Ama Drung (xã Ia Trôk, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai), một số nhóm người đến đây yêu cầu người dân đưa tiền “bảo kê” mới cho chở dưa đi bán.

“Mới đây, có hai người đến từng chòi canh dưa của người dân yêu cầu mỗi hộ phải đóng ba triệu đồng thì mới cho xe bốc dưa chở đi. Tuy nhiên, các hộ ở đây cương quyết không đưa”, một người dân nơi đây cho biết.

Cũng theo người này, khi người dân đang tiến hành bốc dưa lên xe thì nhóm người “bảo kê” lại đến hỏi chủ vườn để thu tiền. Sợ nhóm đối tượng manh động, làm liều nên người dân đã trình báo lên lực lượng chức năng để nhờ giúp đỡ.

Nhận được tin báo, lực lượng Công an huyện Ia Pa đã cử các trinh sát mật phục đêm ngày để bắt quả tang nhóm người “bảo kê” ruộng dưa.

Trong lúc tài xế Bùi Thanh Vương (SN 1986, trú tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) cùng chủ vườn dưa là anh Nguyễn Thanh Kỳ (SN 2000, trú tại huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) chở dưa từ cánh đồng ra làng. Thấy chủ vườn chưa đóng tiền “bảo kê” mà giám vận chuyển dưa đi bán nên Nay Thu (SN 1987) và Nay Tạo (SN 1991, cùng ngụ tại buôn Ama Drung, xã Ia Trôk) chạy xe máy đến chặn đầu xe ô tô của anh Vương. Nay Thu và Nay Tạo đòi anh Kỳ đóng ba triệu tiền “bảo kê” mới cho xe đi tiếp. Khi anh Kỳ nói chỉ mang theo hai triệu thì Nay Thu và Nay Tạo lấy đi, liền bị các trinh sát của Công an huyện Ia Pa đã ập đến bắt quả tang. Lúc này, Rơ Ô Kiệt (SN 1994, trú buôn Ama Drung) ở đâu tiến đến cầm dao đe dọa nhằm lấy lại số tiền nên cũng bị lực lượng Công an bắt giữ.

Ngoài thủ đoạn manh động này, một số nhóm người còn có những chiêu trò tinh vi nhằm qua mắt lực lượng chức năng. Nhóm người này không “đánh” vào các nhà vườn mà sử dụng những lời lẽ đe dọa đến các thương lái đến mua dưa. Chúng yêu cầu thương lái giảm một giá so với thị trường để đưa lại cho chúng.

Chị Hồ Thị Xuân T. (trú thị xã An Khê) là thương lái đến thu mua dưa hấu tại xã Chư Băh (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai). Khi đến đây, chị bị Nguyễn Đình Hậu (SN 1977, trú tại phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) và Trần Đình Thái (SN 1990, ở phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa) đe dọa bắt bớt lại một giá để đưa cho chúng. Nếu chị không thực hiện theo như yêu cầu Hậu và Thái sẽ không cho đưa dưa ra khỏi khu vực.

“Hậu nhiều lần gọi điện thoại yêu cầu tôi làm theo nếu không sẽ cho đồng bọn đến phá công việc làm ăn của gia đình”, chị T. cho hay.

Nhận thấy việc làm của nhóm người này trái pháp luật, gây ảnh hưởng đến cuộc sống, kinh tế của người dân nên chị T. đã trình báo lực lượng chức năng hỗ trợ, vây bắt.

Trong lúc chị T. đưa cho Thái và Hậu số tiền bảy triệu đồng như thỏa thuận, lực lượng công an đã ập vào bắt giữ tại chỗ.

Theo lực lượng chức năng các nhóm người phụ trách “bảo kê” ruộng dưa tại đây rất manh động và liều lĩnh. Nhóm người này rất cảnh giác đề phòng lực lượng chức năng trong quá trình ngã giá và nhận tiền từ người dân và thương lái. Những người dân ở đây không muốn “gây thù chuốc oán” nên đã giữ im lặng, không trình báo với lực lượng chức năng để yên ổn làm ăn. Chính vì thế, nhiều nhóm “bảo kê” lộng hành trong thời gian dài.

chọn
Đấu giá đất ở Thanh Oai (Hà Nội): Chỉ có 12 trường hợp nộp đủ tiền
Tiếp tục thông tin về tiến độ nộp tiền sau trúng đấu giá đất tại huyện Thanh Oai (Hà Nội), ngày 16/9, lãnh đạo huyện cho biết: Với 68 thửa đất trúng đấu giá, đến thời hạn cuối cùng phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định, chỉ có 12 trường hợp nộp đủ tiền; 56 thửa đất không nộp tiền hoặc không nộp đủ. Đáng chú ý, 12 trường hợp nộp tiền có giá trúng cao nhất là 55,167 triệu đồng/m2.