Giá vàng hôm nay 21/7: Tuần qua, vàng SJC tăng vọt lên mốc 80 triệu đồng/lượng

Tuần qua từ 15/7 - 20/7, giá vàng thế giới liên tiếp chạm mức cao kỷ lục và đang trên đà hướng tới tuần tăng thứ tư liên tiếp. Qua đó, kéo giá vàng trong nước cũng tăng mạnh hơn 3 triệu đồng/lượng, lên mốc 80 triệu đồng/lượng trong phiên giữa tuần.

Diễn biến giá vàng trong nước 7 ngày qua

Trong tuần qua từ 15/7 - 20/7, giá vàng trong nước phần lớn duy trì xu hướng đi ngang trong 3 phiên đầu tuần, nhưng bất ngờ bật tăng từ 2,5 - 3,02 triệu đồng/lượng theo hai chiều mua - bán tại tất cả các doanh nghiệp vàng vào phiên ngày 18/7.

Với đà tăng mạnh này, giá vàng tại các doanh nghiệp đều nâng lên cùng mức 78,5 - 80 triệu đồng/lượng (mua - bán).

Sang phiên ngày 19/7 và 20/7, giá vàng SJC bất động trở lại. Riêng phiên ngày 20/7, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn là đơn vị duy nhất hạ vàng miếng 500.000 đồng/lượng chiều mua vào, từ 78,5 triệu đồng/lượng xuống còn 78 triệu đồng/lượng. 

Hiện tại, giá thu mua vàng miếng trong nước dao động trong khoảng 78 - 78,5 triệu đồng/lượng và bán ra 80 triệu đồng. 

Biến động giá vàng SJC trong tuần qua. Đơn vị: 1.000 đồng/lượng.

Giá vàng thế giới trong tuần qua

Trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 15/7, giá vàng thế giới tăng trở lại nhưng dao động gần mức cao nhất hơn 1 tháng xác lập vào tuần trước, nhờ kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất khi thị trường chờ đợi thêm bình luận từ quan chức Fed để xác định thời điểm nới lỏng chính sách tiền tệ.

Ông Jim Wyckoff, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Kitco Metals, cho biết con đường của cả giá vàng và bạc sẽ tiếp tục đi ngang để đạt mức cao hơn và tôi sẽ không ngạc nhiên khi thấy mức cao kỷ lục mới ở đây trong những tuần tới hoặc thậm chí sớm hơn.

Vào hôm thứ Ba (16/7), giá vàng tăng vọt lên mức cao kỷ lục nhờ kỳ vọng ngày càng tăng rằng việc hạ lãi suất vào tháng 9 có thể thúc đẩy nhu cầu vàng.

Ông Joni Teves, chiến lược gia của UBS cho biết việc mua vào khi giá thấp vẫn khá phổ biến đối với nhà đầu tư trong bối cảnh tâm lý mạnh mẽ đối với vàng, đó có thể là lý do tại sao thị trường kim loại quý nhanh chóng phục hồi nhờ số liệu kinh tế yếu hơn của Mỹ và kỳ vọng “bồ câu” từ Fed.

Tại phiên giao dịch ngày thứ Tư (17/7), giá vàng tiếp tục tăng lên mức cao kỷ lục mới vào thứ Tư (17/7), nhờ sự lạc quan ngày càng tăng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9 và đồng USD yếu hơn đã thúc đẩy nhu cầu.

Ông David Meger, giám đốc đầu tư thay thế và giao dịch tại High Ridge Futures, cho biết: “Kỳ vọng rằng thị trường đang tiến gần hơn đến việc Fed cắt giảm lãi suất và chúng ta đã thấy điều này khi lợi suất tiếp tục giảm dần theo dự đoán, cùng với đồng USD suy yếu là những yếu tố hỗ trợ chính đằng sau động thái lần này của vàng”..

Vào hôm thứ Năm (18/7), giá vàng tăng nhẹ nhờ kỳ vọng về việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9 tiếp tục gia tăng.

Ông Russell Shor, chuyên gia thị trường cấp cao tại Tradu, cho biết các nhà phân tích dự đoán kim loại quý này sẽ tăng trưởng dài hạn nhờ sự chuẩn bị cắt giảm lãi suất của Fed và tin rằng lạm phát đang được kiểm soát.

Sang phiên giao dịch ngày thứ Sáu (19/7), giá vàng giảm hơn 2% khi đồng USD tăng cao và hoạt động chốt lời diễn ra sau khi giá vàng đạt mức đỉnh mọi thời đại vào đầu tuần này, nhờ được thúc đẩy bởi kỳ vọng ngày càng tăng về việc Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9.

Ông Alex Ebkarian, Giám đốc điều hành tại Allegiance Gold, cho rằng bên cạnh hoạt động chốt lời, thị trường còn giảm do dự đoán về một đợt hạ cánh mềm; điều này có thể gây áp lực lên giá vàng vì các nhà đầu tư sẽ chuyển tiền từ khoản đầu tư an toàn sang khoản đầu tư rủi ro hơn.

chọn
'Đất huyện ven trúng đấu giá gấp nhiều lần khởi điểm là đúng thực tế'
Thứ trưởng Tài nguyên & Môi trường cho rằng các địa phương đã kiểm soát chặt công tác đấu giá nhưng thời điểm giao thoa giữa luật cũ và mới phần nào khiến giá trúng tăng cao.