Giá xăng dầu trong nước chưa giảm vì chờ tới... chu kì

Giá dầu thô thế giới đã có những ngày lao dốc lịch sử nhưng giá xăng dầu vẫn đứng yên chờ tới kì điều chỉnh tới.
Giá xăng dầu trong nước chưa giảm vì chờ tới... chu kì - Ảnh 1.

Giá xăng dầu tại kì điều chỉnh tới (dự kiến 28/4) sẽ chưa giảm sâu theo đà giảm thế giới. (Ảnh: Ngọc Dương).

Hôm nay (22/4), trên thế giới, giá dầu WTI giao tháng 6 đang dưới ngưỡng 15 USD/thùng, giao tháng 5 về dưới 0 USD/thùng. Dầu Brent giao cùng thời điểm tháng 6 cũng lao dốc dưới 20 USD/thùng - mức giảm sâu nhất trong 18 năm qua. Thế nhưng với chu kì điều chỉnh 15 ngày/lần, giá xăng dầu trong nước đứng ngoài thảm họa lịch sử của giá dầu thế giới dù Việt Nam vừa xuất dầu thô và nhập khẩu xăng dầu.

Có thể giảm thêm khoảng 3.000 đồng/lít ?

Theo một chuyên gia xăng dầu phía Nam, những biến động của giá dầu thế giới trong hai ngày qua liên quan đến hợp đồng tương lai, xảy ra trong tháng 5 và tháng 6, nên giá xăng dầu tại kì điều chỉnh tới khó giảm sâu. 

Cụ thể, theo chu kì điều chỉnh ngày 28/4 tới, giá xăng dự kiến chỉ giảm khoảng 600 đồng/lít, nếu trích lập quỹ dự phòng từ 600 - 800 đồng/lít. 

“Giá xăng dầu trong nước nếu có biến động, sẽ giảm mạnh hơn 3.000 đồng/lít vào kì điều chỉnh giá đầu tiên của tháng 5, nếu trích lập quỹ dự phòng khoảng 800 đồng/lít”, vị này nói. Giá xăng nhập tại kì 2 tháng 4 có giảm, nhưng theo điều hành của liên bộ, nếu tăng trích quỹ dự phòng, mức giảm có thể thấp hơn mức 600 đồng/lít nói trên.

Ngoài ra, giá dầu Việt Nam thường căn cứ theo giá dầu Brent để xác định giá bán, ngày 22/4, giá dầu Brent giao dịch trên dưới mức 20 USD/thùng, theo nhận xét của vị này, mức giảm của dầu có thể nhiều hơn 3.000 đồng/lít. 

“Giá dầu hiện tại là khoảng 8.000 đồng/lít, chỉ có thể giảm xuống thấp nhất 5.000 đồng/lít. Nhà quản lí sẽ không thể điều chỉnh giảm sâu hơn nữa nếu không muốn để các công ty nhập khẩu xăng dầu đóng cửa luôn", chuyên gia này cho biết. 

Nhận xét về điều chỉnh giá xăng dầu trong nước theo chu kì 15 ngày, vị này cũng cho rằng, giá trong nước chưa thực sự “thở” cùng nhịp với giá thế giới, chưa “sống” trong không khí hồi hộp, chao đảo, hân hoan, thất vọng… của thị trường dầu thô thì chưa thể nói là đang theo giá thế giới được.

Giá xăng dầu trong nước chưa giảm vì chờ tới... chu kì - Ảnh 2.

Giá xăng dầu trong nước được điểu chỉnh giảm mạnh vào ngày 13/4 vừa qua. (Ảnh: Ngọc Dương).

Trước đó, dữ liệu của Bộ Công Thương trước kì điều chỉnh giá vừa qua (13/4), giá xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5 RON92 nhập khẩu bình quân ở mức 20,64 USD/thùng, xăng RON95 là 21,26 USD/thùng, dầu diesel 33,9 USD/thùng… đều thấp hơn kì trước từ 16 - 17%. Tuy nhiên, đợt này, liên bộ đã trích lập quỹ dự phòng lên đến 1.400 đồng/lít, nên giá xăng giảm hơn 4.000 đồng/lít. 

Giá xăng E5 hiện tại hơn 11.300 đồng/lít, xăng RON95 gần 12.000 đồng/lít. Trong đó, chưa tính 20% thuế nhập khẩu, 10% thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thì tại kì điều chỉnh vừa qua, mức trích lập quỹ bình ổn trên mỗi lít xăng là 1.400 đồng, trích lợi nhuận định mức 300 đồng, chi phí kinh doanh định mức hơn 1.000 đồng và thuế bảo vệ môi trường 3.800 - 4.000 đồng/lít. 

Nhiều chuyên gia xăng dầu cho rằng nhiều loại phí và chi phí kèm theo giá thành của xăng khá "vô duyên". Chẳng hạn, lợi nhuận định mức, trích lập quỹ bình ổn...

Điều chỉnh kì điều hành để tránh giá dầu “vô duyên”

PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), nhận định chính sách điều chỉnh giá xăng dầu theo kì hạn nửa tháng 1 lần của Việt Nam có nhiều bất cập. 

Cụ thể, giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào 2 yếu tố: giá thế giới và chính sách tài chính của mỗi quốc gia (bao gồm thuế, phí, quỹ bình ổn…). Rất nhiều giai đoạn giá xăng dầu quốc tế “lao dốc’ nhưng thị trường trong nước vẫn chưa giảm, hoặc có khi giá dầu thế giới tăng nhưng tại Việt Nam lại giảm. Nguyên nhân vì chưa đến kì điều chỉnh giá trong nước, hoặc đến kì điều chỉnh nhưng tính trung bình giá xăng dầu trong 15 ngày lại không tăng/giảm theo giá thế giới tại ngày điều chỉnh, dẫn đến tình trạng giá trong nước và quốc tế tăng giảm trái chiều, rất bất hợp lí, rất “vô duyên”.

Theo ông Long, giá xăng dầu lên từng ngày, từng giờ, không cố định theo chu kì, đặc biệt trong những giai đoạn nhạy cảm, biến động liên tục như hiện nay. Do đó, muốn phản ánh sát nhất thị trường thế giới, tốt nhất không nên điều hành giá xăng dầu theo chu kì, hoặc chu kì điều chỉnh phải càng ngắn càng tốt.

“Trong bối cảnh thị trường xăng dầu cạnh tranh thật sự, giá cả do các DN tự cân đối theo hơi thở của thị trường thì sẽ không cần phải điều hành giá xăng dầu trong nước theo chu kì. Tuy nhiên tại Việt Nam hiện nay, vẫn có một vài DN giữ vị trí thống lĩnh nên nhà nước bắt buộc phải định giá, quy định giá trần để tránh độc quyền nhóm đẩy giá xăng dầu lên cao.

Mặt khác, năng lực dự báo của chúng ta chưa thể đủ khả năng để tính toán tất cả chi phí cầu thành giá hàng ngày, không đủ năng lực điều hành giá theo ngày. Do đó, chu kì điều chỉnh giá xăng dầu trong nước hiện nay giảm xuống khoảng 7 – 10 ngày là hợp lí nhất”, vị này đề xuất.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.