Các nhà phân tích cho biết ngành công nghiệp dầu mỏ đang trong cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái.
Dầu dư thừa quá nhiều và không một doanh nghiệp nào muốn mua vào thêm nữa. Máy bay không bay, vận tải đóng băng, người tiêu dùng Mỹ - những người sử dụng 10% lượng dầu của thế giới để di chuyển bằng phương tiện cá nhân, hiện đang ở nhà.
Rạng sáng ngày 21/4 theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ thế giới giao tháng 5 đã rơi xuống mức thấp kỉ lục, -37,63 USD/thùng, giảm 300% xuống mức thấp nhất kể từ năm 1946, sau Thế chiến thứ hai.
"Thế giới chưa bao giờ dừng lại như những tuần vừa qua", ông Francisco Blanch, người đứng đầu thị trường toàn cầu về hàng hoá của Bank of America, nói.
60% nhu cầu dầu đến từ giao thông vận tải. Doanh số bán xăng giảm hơn 50%. Các chuyến bay trên khắp thế giới giảm từ 80- 90%. Sụp đổ trong tiêu dùng là nguyên nhân thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ dầu giảm mạnh. Điều này hoàn toàn khác biệt so với cuộc Đại suy thoái.
Sự khác biệt trong những năm 1986 và 1998 là khi ấy nhu cầu đối với dầu mỏ tăng cao. "Chúng ta đang ở trong một tình trạng chưa từng thấy trước đây.
Khủng hoảng dư thừa nguồn cung và việc khai thác dầu từ đá phiến của Mỹ là nguyên nhân khiến giá dầu sụp đổ trong buổi sáng ngày thứ Ba.
Chỉ vài tháng trước, ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ đã đứng đầu thế giới. Giá dầu tăng khoảng 60 USD/thùng vào đầu năm, Mỹ là nước khai thác nhiều dầu hơn bất kì quốc gia nào khác, vượt cả Nga và Ả Rập Saudi.
Nhưng sự bùng phát Covid - 19 tại Trung Quốc đã lấn át những tin tức tốt lành về một thoả thuận thương mại tạm thời Mỹ - Trung, có thể giúp kinh tế toàn cầu tăng trưởng, thay vào đó nó khiến nhu cầu của thị trường giảm mạnh.
Ngành công nghiệp dầu mỏ đã không ngừng khai thác, và nguồn cung dầu trên thế giới trở nên dư thừa hơn bao giờ hết.
Vấn đề càng trở nên xấu đi khi Ả Rập Saudi và Nga thất bại trong một thoả thuận mới về cắt giảm sản lượng dầu. Kết quả là Ả Râp Saudi đã đẩy mạnh việc khai thác dầu trong tháng 3. Đến đầu tháng 4, OPEC+ đồng ý cắt giảm 9,7 triệu thùng dầu/ngày, nhưng điều đó là không đủ để giúp thế giới thoát khỏi việc dư cung dầu mỏ.
Thoả thuận này sẽ bắt đầu có hiệu lực vào tháng 5, nhưng theo các nguồn tin của Reuters, Ả Rập Saudi sẽ thực hiện nó sớm hơn.
"Sản lượng dầu đã đạt tới đỉnh cao ở mức 13,1 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 2. Tôi hi vọng nó sẽ giảm xuống còn 2,9 triệu thùng mỗi ngày vào cuối năm nay", Dan Yergin, phó chủ tịch của IHS Markit nói.
Yergin nói rằng rõ ràng chỉ trong một thời gian ngắn, thế giới đã không còn chỗ để trữ thêm lượng dầu mới, và kết quả là ngày hôm nay nó đã dẫn tới việc giá dầu lao dốc kỉ lục xuống dưới 0 USD/thùng, mức chưa từng có trong lịch sử.
Trước đó, Mỹ là nước nhập khẩu ròng dầu và không thể tự khai thác. Do đó, quốc gia này đã phải chịu những tác động gián đoạn nguồn cung khi Trung Đông xảy ra những sự kiện chính trị, kinh tế vượt quá tầm kiểm soát.
Hoa Kỳ đã quyết tâm tự bảo vệ mình trước những cú sốc địa chính trị này, và những đợt tăng giá dầu mỏ man rợ có thể đẩy nền kinh tế thế giới vốn đã yếu ớt trở lại tình trạng căng thẳng, hoặc tệ hơn là suy thoái kinh tế toàn cầu. Do đó, Mỹ đã theo đuổi chính sách quyết liệt nhằm đạt được sự độc lập về năng lượng trong thập kỉ qua.
Kể từ đó, Mỹ tăng đáng kể việc sản xuất dầu đá phiến, than đá và khí đốt tự nhiên.
Ngành công nghiệp đá phiến của Mỹ đã phát triển mạnh mẽ bằng cách tìm ra công nghệ khai thác dầu, để biến mình trở thành một nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, trong vòng hai thập kỉ.
Theo RT, trong năm 2019, sản xuất dầu từ đá phiến của Mỹ đã đạt kỉ lục mới với 12,23 triệu thùng dầu thô mỗi ngày. Điều này đã phá vỡ thế độc tôn của Ả Rập Saudi trên thị trường dầu mỏ thế giới.
Nhưng hiện tại, ngành công nghiệp này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất từ trước đến nay.
Nhiều nhà đầu tư tin rằng Ả Rập Saudi đã chờ đợi một cơ hội chiến lược như suy thoái kinh tế, để đẩy giá dầu xuống thấp hơn, khiến các nhà sản xuất đá phiến của Mỹ bị tổn thương và buộc họ phải phá sản. Và khủng hoảng Covid - 19 là một trong những thời cơ như thế.
Hãng tin RT nhận định, Ả Rập Saudi có hàng tỉ lí do để mong các công ty đá phiến của Mỹ phá sản. Ít cạnh tranh hơn có nghĩa là tiền sẽ chảy nhiều hơn vào trong túi của người Ả Rập.
Theo Francisco Blanch tại Bank of America, sẽ có rất nhiều công ty dầu mỏ tại Mỹ sẽ phải đóng giếng và sa thải nhân viên.
Còn theo Michael Bradley, Giám đốc điều hành tại Tudor Pickering Holt, nói rằng Hoa Kỳ sẽ phải cắt giảm gần 1 triệu thùng/ngày. Những công ty như Conoco Philips và Continental đã thông báo rằng họ sẽ giảm từ 20- 30% sản lượng dầu khai thác, và những công ty khác cũng sẽ có động thái tương tự.
Mặc dù vậy, cũng sẽ có các công ty dầu mỏ bị buộc phải dừng sản xuất.
"Các công ty dầu mỏ sẽ sớm bị phá sản", Bradley nói. "Trong thời gian người ta sẽ thấy nhiều hơn những thông báo như thế của các công ty dầu". Bradley đang vận hành một nhà máy lọc dầu, cho biết công ty của ông đã phải cắt giảm khoảng 25% sản lượng và có thể sẽ phải cắt giảm nhiều hơn thế.
"Những gã khổng lồ sẽ tồn tại", Bradley nhận định. "25- 30% doanh nghiệp dầu mỏ ở Mỹ sẽ phải tái cấu trúc hoặc bị phá sản trong khoảng thời gian từ 9 - 12 tháng tới".
Tiêu dùng 15:12 | 30/07/2020
Tiêu dùng 15:39 | 15/06/2020
Kinh doanh 15:25 | 15/06/2020
Kinh doanh 07:03 | 14/06/2020
Kinh doanh 08:10 | 13/06/2020
Kinh doanh 07:56 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:46 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:19 | 13/06/2020