Theo ước tính, khi thực hiện chính sách này từ ngày 1/8 thì ước giảm thu ngân sách nhà nước sẽ khoảng 7.000 tỷ đồng. Nếu cộng với việc giảm thu ngân sách từ hai Nghị quyết giảm thuế môi trường triển khai từ đầu năm là hơn 25.500 tỷ đồng thì tổng số tiền giảm thu ngân sách nhà nước năm 2022 từ giảm thuế môi trường đối với xăng dầu là hơn 32.500 tỷ đồng.
Về tăng thu ngân sách do tăng giá xăng dầu, theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, Bộ Tài chính cũng có tính toán cụ thể với lượng xăng dầu tiêu thụ hiện nay thì tăng thu ngân sách khoảng 9.100 tỷ đồng.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, giảm thuế bảo vệ môi trường sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước nhưng cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, khi chúng ta kiểm soát được đại dịch, tổng thể thu ngân sách nhà nước năm 2022 đến nay đã đạt hơn 60% so với dự toán được giao. Vì vậy trong cân đối chung, ngân sách nhà nước sẽ đảm bảo, bù đắp được các khoản giảm cho giảm thuế bảo vệ môi trường.
Về vấn đề này trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, giảm thuế sẽ ảnh hưởng đến chính sách tài khóa nhưng sẽ kích cầu và phát triển kinh tế. Hiện nay, có các sắc thuế như thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường. Về thuế bảo vệ môi trường, hiện đã giảm 2.000 đồng/lít và Bộ Tài chính cũng đã đề xuất giảm tiếp 1.000 đồng/lít nữa là 3.000 đồng/lít. Còn về thuế tiêu thụ đặc biệt nếu giảm phải trình Quốc hội theo đúng thẩm quyền quy định tại Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.
Đồng thời với giảm thuế, Bộ trưởng nhấn mạnh phải ngăn chặn buôn lậu, giảm được thẩm lậu xăng dầu do nhiều nước láng giềng của Việt Nam có giá bán xăng dầu rẻ hơn Việt Nam khá nhiều. Bộ trưởng cho rằng, phải đưa ra các biện pháp để chặn đứng tình trạng này. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ về các vấn đề này để triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được ổn định.
Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo, giá xăng vừa qua mức tăng đột biến, Bộ Tài chính đã đưa nhiều giải pháp bình ổn giá và cải thiện đáng kể tình hình tăng giá.
Tuy nhiên, để bình ổn giá xăng dầu, ông Bùi Bảo Ngọc kiến nghị đến Bộ Tài chính nhiều nội dung liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu như đề xuất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) với xăng dầu giảm xuống 10 hoặc 8% có thời hạn; giảm thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt do giá xăng dầu tăng; xem xét quy định về thuế nhà thầu với kho ngoại quan; quy định về áp dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu...