Giá xe hơi sẽ giảm nếu được giảm thuế?

Theo các hãng xe, sẽ có cuộc đua giảm giá xe hơi khá mạnh nếu Chính phủ tính toán xem xét thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt.
 - Ảnh 1.

Người dân tìm hiểu giá xe tại một điểm giới thiệu ở TP HCM. (Ảnh: THANH HƯƠNG).

Theo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, từ 1/1/2018, các mẫu xe du lịch từ 9 chỗ trở xuống có dung tích xilanh từ 1.500 - 2.000cc hiện đang áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt 40%, các mẫu xe có dung tích xilanh từ 1.500cc trở xuống áp dụng mức 35%.

Nếu áp dụng "giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng ôtô dưới 9 chỗ ngồi trở xuống sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước" thì chắc chắn các dòng xe lắp ráp có dung tích xilanh từ 2.500cc trở xuống sẽ có thể giảm giá mạnh.

Theo tính toán, với tỉ lệ nội địa hóa 10%, một chiếc xe sản xuất trong nước chỉ giảm giá được khoảng 5%. Tuy nhiên, khi nâng tỉ lệ nội địa hóa lên 20%, mỗi chiếc xe có mức giảm giá là 10-12%, tương đương 60-70 triệu đồng.

Việt Nam đang có những dự án đầu tư lớn vào sản xuất ôtô và tập trung vào việc sản xuất khung xe, động cơ cùng nhiều chi tiết khác. Với việc tạo ra khung xe từ thép tấm và một số linh kiện khác, doanh nghiệp sẽ đạt tỉ lệ nội địa hóa trên 40%. Khi đó, giá xe hơi sẽ giảm khoảng 20%, và chiếc xe có giá bán ra 600 triệu đồng sẽ giảm khoảng 120 triệu đồng.

Nếu hoàn toàn cả động cơ xe tại Việt Nam, tỉ lệ nội địa hóa đạt trên 60%, giá thành xe sẽ giảm 30% và chiếc xe 600 triệu đồng có thể giảm 180 triệu đồng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo của TC Motor cho biết hiện nay, cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt gần như không có sự khác biệt đáng kể giữa xe nhập khẩu và xe sản xuất lắp ráp trong nước. Điều này dẫn tới giá thành của sản phẩm ôtô sản xuất trong nước rất khó cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu từ ASEAN (thuế nhập khẩu 0%).

Lí do, thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), chi phí sản xuất tại các nước trong khu vực thấp hơn tại Việt Nam từ 20-30%.

Lãnh đạo của TC Motor cho rằng việc trừ phần linh kiện sản xuất trong nước vào giá thành xe trong cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt là một trong những giải pháp hiệu quả đã được rất nhiều quốc gia trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Thái Lan áp dụng từ rất lâu, khi bắt đầu triển khai các chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô tại các quốc gia này.

Đã đề xuất, nhưng chưa xong

Theo quy định hiện hành, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt với hàng hóa sản xuất trong nước thuộc diện chịu thuế này (trong đó có ôtô) là giá do cơ sở sản xuất bán ra. Cách đây một năm, Bộ Công Thương đã có đề xuất miễn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với linh kiện sản xuất trong nước.

Đầu năm 2019, Bộ Tài chính cũng có văn bản báo cáo Thủ tướng, trong đó có nêu vấn đề sửa Luật thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống sản xuất trong nước. Cụ thể, giá tính thuế với ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống, sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra trừ đi giá linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước. Tuy nhiên, hiện nay cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt vẫn chưa thay đổi.

chọn
ĐHĐCĐ Khang Điền: Tự tin về khả năng trả nợ trái phiếu, dự án hợp tác với Keppel Land có thể kinh doanh từ cuối năm
Lãnh đạo Khang Điền cho biết tự tin về khả năng trả nợ 1.100 tỷ đồng trái phiếu nhờ quỹ tiền mặt dồi dào, nguồn thu từ dự án The Priva và KCN Lê Minh Xuân mở rộng triển khai trong thời gian tới. Năm nay, lợi nhuận chủ yếu của doanh nghiệp sẽ đến từ dự án The Privia.