Tiếc cho 'Giấc mơ Mỹ' | |
Diễn viên Bình Minh: 'Chúng tôi cũng là con người chứ không phải là thánh' | |
Bình Minh khẳng định cuộc sống không bị xáo trộn bởi scandal tình cảm với Trương Quỳnh Anh |
Giấc mơ Mỹ là bộ phim lãng mạn đề tài y khoa, có sự tham gia của Mai Thu Huyền, Bình Minh và Kyo York.
Bộ phim Giấc mơ Mỹ bắt đầu khi bác sĩ Hoàng Linh (Mai Thu Huyền) nhận cuộc gọi khẩn cấp từ Mỹ, nghe tin rằng Thế Vinh (Bình Minh) đang hấp hối. Nhanh chóng sắp xếp công việc để bay sang gặp anh lần cuối, cô bắt đầu nhớ về quá khứ 10 năm trước.
Ngày ấy, Linh và Vinh là đôi thanh mai trúc mã của bệnh viện. Hai vợ chồng đều là những bác sĩ có tâm, có tầm. Song, họ luôn bị Hà Giang (Đinh Y Nhung) - cô người yêu cũ quyền thế của Thế Vinh - ganh ghét.
Sử dụng nhiều thủ đoạn, Giang khiến Linh chịu tiếng “bác sĩ giết người”, đồng thời bắt đầu ngoại tình với Thế Vinh. Ngay lúc sự nghiệp và gia đình tan vỡ, chàng bác sĩ ngoại quốc Peter (Kyo York) xuất hiện. Peter vốn thầm yêu Linh suốt bấy lâu nay, và anh quyết định đưa cô sang Mỹ để bắt đầu lại mọi chuyện từ con số 0.
Nhiều sạn tới mức khó tin
Bộ phim Giấc mơ Mỹ có phần mở đầu gây tò mò bởi những mối quan hệ chồng chéo giữa nhóm nhân vật. Song, nội dung nhàm chán và đầy sạn nhanh chóng khiến cảm giác ấy biến mất.
Lấy đề tài y khoa, nhưng bộ phim không mang đến những cảnh quay mang tính chuyên ngành. Kiến thức về ngành y rốt cuộc chỉ được nhắc đến qua bằng vài ba câu thoại. Tất cả những gì người xem thấy ở bác sĩ Linh và đồng nghiệp là họ luôn bị cuốn vào vòng xoáy tình yêu và sự khác biệt văn hóa giữa Mỹ và Việt Nam.
Độ dài của Giấc mơ Mỹ chưa đến hai tiếng, nhưng người xem cảm giác như tác phẩm kéo dài vô tận bởi hàng loạt chi tiết phi lý. Như tại sao Vinh và Linh lại có sức đi trực ca mổ giùm cho cô bạn người Hà Giang dù chỉ mới xong việc?
Liệu phản ứng của người nhà khi bệnh nhân tử vong trong lúc mổ có là thái quá? Vì sao chỉ cần làm nghề giao báo mà Vinh vẫn nuôi được Linh theo học trường y bên Mỹ?
Nội dung phim có quá nhiều "sạn" và chi tiết phi lý.
Tính cách nhân vật trong phim là cực kỳ mâu thuẫn. Bác sĩ Linh vừa mất hết sự nghiệp và bị chồng bỏ, nhưng đã lập tức tự hỏi xem mình có nên... lấy người khác ngay không. Cô liên tục không chịu quay lại bên chồng cũ, nhưng lại luôn nói rằng mình cần và yêu anh, kèm theo lời giải thích từ chối để… “tình yêu trở nên vĩnh cửu”.
Vị bác sĩ ngoại quốc Peter vốn sống ở Việt Nam suốt một thời gian dài, hết lòng tán tỉnh và hứa hẹn sẽ nuôi Linh ăn học bên Mỹ. Thế nhưng, anh nhanh chóng đòi ly dị và bỏ vợ mình bơ vơ nơi trời Tây ngay sau khi Linh tình cờ gặp lại Thế Vinh. Để rồi, chỉ ít lâu sau đó, anh chàng bác sĩ người Mỹ lại ngồi tự hỏi liệu mình có sai khi đòi chia tay quá nhanh.
Chàng bác sĩ Thế Vinh cũng là đỉnh điểm của sự mâu thuẫn. Anh ngoại tình rồi ly dị vợ để lấy chức trưởng khoa. Ít lâu sau, Vinh lại âm thầm theo Linh sang Mỹ và kiếm sống bằng nghề... giao báo.
Lý do khiến anh từ bỏ mọi vinh quang được giải thích một cách đầy vô lý, khiên cưỡng. Phải chăng chàng bác sĩ bị nhiễm phim bộ Hàn Quốc quá nặng nên mới nghĩ ra cách giải quyết không giống ai như thế?
'Tuyệt tác nhân văn' ở điểm nào?
Bộ phim Giấc mơ Mỹ có dòng đề tựa “một tuyệt tác nhân văn”. Nhưng người xem gần như chẳng thấy tính nhân văn cũng như ý nghĩa gì từ tựa đề phim. Nhân văn ở điểm nào khi nhân vật trong phim luôn bày tỏ sẽ sống theo lời thề Hippocrates và chữa bệnh cho người nghèo, nhưng tất cả chỉ dừng lại ở lời nói?
Liệu “giấc mơ Mỹ” và thông điệp đằng sau bộ phim là gì? Phải chăng đạo diễn
Davina Hồng Ngân muốn nói rằng lấy chồng Mỹ cũng khổ không khác gì lấy chồng Đài Loan?
Hay sang Mỹ cũng chẳng sung sướng như người ta thường mơ? Chỉ có điều khó hiểu rằng Hoàng Linh khi tới Mỹ lại nhanh chóng trở thành bác sĩ có tiếng, và cái danh “bác sĩ giết người” khi xưa cũng biến mất đầy khó hiểu.
Phần thoại trong phim là sự nực cười đi kèm theo tính cách nhân vật. Các bác sĩ trong phim tuy phải học trường y, nhưng có lẽ điểm văn cũng cao không kém khi lời thoại luôn dông dài, ẩn dụ đầy triết lý.
Thật khó để tìm ra một điểm tích cực nào đó từ bộ phim.
Cho tới khi nhân vật Thế Vinh đang hấp hối, tất cả vẫn nhất quyết sử dụng lối nói chuyện dông dài. Chưa kể, Giấc mơ Mỹ chọn cách chuyển cảnh vô cùng “lý thú” khi mỗi lần nhân vật buông một câu nói đầy ẩn dụ nào đó, thì phim đã chuyển ngay sang cảnh khác mà không cần giải thích.
Nội dung đã chán, phần kỹ xảo trong phim còn tệ hại hơn. Tác phẩm mở đầu bằng phân đoạn xe lửa trật đường ray trông không khác gì phim hoạt hình của thập niên 1990. Ngay cả hình ảnh của những chiếc trực thăng cũng cho thấy rõ sự giả tạo.
Người ta hay có câu “tốt khoe, xấu che”, nhưng ê-kíp lại thường xuyên chèn yếu tố kỹ xảo tệ hại xuyên suốt tác phẩm mà không có lý do hay mục đích cụ thể.
Như lúc Hoàng Linh sang gặp Thế Vinh lần cuối, một trận lốc xoáy bỗng xuất hiện và cuốn chiếc xe của nữ bác sĩ đi vô cùng khó hiểu. Vô lý hơn cả là ngay sau đó, cô xuất hiện mà không hề bị trầy xước gì.
Dàn diễn viên trong Giấc mơ Mỹ có màn trình diễn khá đồng đều khi họ… dở như nhau. Thật khó cho những Mai Thu Huyền, Bình Minh hay Kyo York bởi có lẽ họ không biết phải thể hiện cảm xúc ra sao khi tính cách nhân vật thay đổi còn thất thường hơn cả tỷ giá chứng khoán.
Nhìn chung, nếu có cuộc bình chọn phim Việt tệ hại nhất trong năm, Giấc mơ Mỹ sẽ là đối thủ đáng gờm dành cho S.O.S. Sói trắng của đạo diễn Lê Hoàng hồi đầu năm. Điều oái oăm là hai phim có sự tham gia của Bình Minh và Tim - hai ngôi sao có màn xô xát tại thảm đỏ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XX.
Giấc mơ Mỹ đang được trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc.
Ảnh: Galaxy