Giải cứu 30 tỷ USD ‘mắc kẹt’ trong các dự án nghỉ dưỡng

Tại Hội thảo “Thị trường bất động sản du lịch Việt Nam: Những nút thắt pháp lý, thực tiễn và giải pháp tháo gỡ” do TW Hội Luật gia Việt Nam tổ chức sáng 6/5, các chuyên gia đã đưa ra nhiều kiến nghị giúp thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng "giải cứu" hàng trăm nghìn tỷ đang “mắc kẹt” tại các dự án.

Theo TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, thống kê của VNREA tính đến 9/2021 cho thấy, có tổng số 239 dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tại 15 địa phương gồm: Hoà Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu, Phú Quốc. Trong đó, có hơn 114.097 condotel, ước tính giá trị 297.128 tỷ đồng; 24.399 villas, ước tính giá trị 243.990 tỷ đồng và 30.899 shophouse, ước tính giá trị 154.245 tỷ đồng. Tổng giá trị ba sản phẩm này khoảng 681.886 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD.

Vị chuyên gia đánh giá, dù mới chỉ hình thành và phát triển trong khoảng 5 năm trở lại đây nhưng bất động sản du lịch đã đóng góp tương đương 21,3% số lượng buồng phòng của các khách sạn 3 - 5 sao trên toàn quốc. Thị trường này có vai trò tích cực trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Tuy nhiên, bất động sản du lịch còn nhiều tồn tại, hạn chế và thậm chí là điểm nghẽn cần được xem xét, tháo gỡ, đặc biệt là về vấn đề pháp lý.

“Dù hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản du lịch chịu sự quản lý của khá nhiều luật chuyên ngành nhưng có nhiều điểm tồn tại, gây thách thức với loại hình này. Bao gồm: Chưa được định danh; chưa nằm trong quy hoạch phát triển du lịch; chưa được cấp Giấy chứng nhận sở hữu (sổ đỏ, sổ hồng..); chưa theo kịp nhu cầu và năng lực cạnh tranh quốc tế; chưa đồng bộ, thiếu nhất quán phù hợp với đặc trưng riêng của loại hình này. Từ đó dẫn đến khó khăn, phức tạp trong quá trình áp dụng cho cả phía cơ quan quản lý Nhà Nước, nhà đầu tư và rủi ro cho các tổ chức tín dụng trong quá trình tài trợ vốn, xử lý nợ xấu”, TS Cấn Văn Lực nhận định.

TS Cấn Văn Lực phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Tạp chí Pháp lý).

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, các chính sách, pháp luật về kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng chưa đầy đủ, thống nhất và thiếu đồng bộ đang gây nghẽn cho thị trường.

Vướng mắc chính sách khiến hàng trăm dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tại nhiều tỉnh thành, hàng trăm nghìn tỷ đồng bị “đóng băng”, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, thị trường bất động sản và cho cả nền kinh tế. 

Ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, việc cấp bách phải bàn lúc này là làm sao để tháo gỡ cho hàng trăm nghìn tỷ đồng đang ứ đọng, lấy lại niềm tin cho thị trường.

Một giải cấp bách, kịp thời để “giải toả” 30 tỷ USD đang “mắc kẹt” tại thị trường bất động sản du lịch được nhiều chuyên gia kiến nghị là: Đối với các dự án bất động sản du lịch trên “đất ở không hình thành đơn vị ở” đã hoàn tất xây dựng, nghiệm thu và đưa vào sử dụng nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận thì cần cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất theo hiện trạng đất ở tại nông thôn, thời hạn sử dụng lâu dài. Bên cạnh đó, các dự án này sẽ không có những hệ thống dịch vụ công ích kèm theo như trường học, trạm y tế, thương mại...

LS Lê Thị Tuyết Dung, Giám đốc Công ty Luật TNHH DL và Partners cho rằng giải pháp nêu trên là hợp lý khi tiếp tục tận dụng các ưu điểm của thuật ngữ "đất ở không hình thành đơn vị ở” trên Giấy chứng nhận của các dự án condotel. Đồng thời không gây xáo trộn, đột biến và hạn chế rủi ro cho chủ đầu tư và nhà đầu tư thứ cấp.

Vị luật sư cho rằng giải pháp này cần được luật hóa một cách cụ thể. Bên cạnh đó, Chính phủ cần ban hành một nghị định dành riêng cho bất động sản du lịch, trong đó đưa ra các khái niệm cho bất động sản du lịch, kinh doanh bất động sản du lịch và định nghĩa cho từng loại công trình du lịch kết hợp lưu trú. Các định nghĩa này phải được sử dụng một cách thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật khác, tránh việc đặt tên tùy tiện….


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/.

chọn
Một tập đoàn Đài Loan với 30 doanh nghiệp vệ tinh dự báo sắp kéo về KCN Châu Đức, vừa trả trước cho SZC gần 400 tỷ đồng
Quý III vừa qua, SZC đã nhận 359 tỷ đồng tiền thuê đất từ Electronic Tripod. Theo ước tính của BSC, có 30 doanh nghiệp phụ trợ theo Tập đoàn Tripod cũng có nhu cầu thuê đất tại KCN Châu Đức. Nhờ đó, SZC có thể sẽ cho thuê thêm 30 - 40 ha đất trong 2 năm tới.