Câu chuyện xoay quanh chất lượng kiến thức và kỹ năng của sinh viên mà chủ yếu là tiếng Anh đã được chuyên gia của các trường ĐH bày tỏ tại hội thảo "Nâng cao chất lượng đào tạo trong bối cảnh hội nhập và tự chủ" vừa được tổ chức tại Trường ĐH Nông Lâm TP HCM.
Tiếng Anh: Bài toán khó của các trường ĐH
Nhiều đại biểu bày tỏ ý kiến các trường phải chấp nhận một thực tế là khả năng ngoại ngữ của sinh viên Việt Nam hiện nay tương đối yếu, đa phần chưa đủ năng lực để tham gia vào thị trường lao động nước ngoài, bằng nhiều cách, các trường phải giúp sinh viên cải thiện ngoại ngữ nếu không họ sẽ không có năng lực cạnh tranh, thậm chí đối diện với nguy cơ thất nghiệp. Rõ ràng cải thiện năng lực tiếng Anh cho sinh viên là bài toán lớn của hầu hết các trường ĐH Việt Nam hiện nay.
GS-TS Nguyễn Hay, Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, cho rằng nâng cao năng lực tiếng Anh cho sinh viên là một nhiệm vụ bắt buộc, là mấu chốt quan trọng để học viên, sinh viên đủ tầm hội nhập và nhà trường đang thực hiện các biện pháp tốt nhất để đạt được chuẩn đầu ra của sinh viên. Ông nêu rõ tầm quan trọng năng lực ngoại ngữ trước hết là của giảng viên. Thực tế hiện nay, năng lực tiếng Anh của giảng viên cũng hạn chế.
TS Vũ Hồng Vận - Trưởng khoa Khoa học cơ bản, Phân hiệu Trường ĐH Giao thông Vận tải tại TP HCM - phát biểu tại hội thảo |
TS Phạm Huy Cường - Trường ĐH Kinh tế Luật, ĐHQG TP HCM - bày tỏ: "Việc đào tạo tiếng Anh, nâng cao năng lực ngoại ngữ cho người học để cung cấp cho xã hội một lực lượng lao động vừa giỏi chuyên môn vừa thông thạo ngoại ngữ là một thách thức rất lớn cho các cơ sở giáo dục, các nhà quản lý giáo dục". Ông cho rằng hiện nay vẫn còn độ chênh khá lớn giữa đào tạo và khả năng sinh viên có thể sử dụng các kiến thức, kỹ năng khi đi làm, lỗi một phần là ở nhà trường. "Quá trình thiết kế và triển khai chương trình đào tạo ở hầu hết các trường thường ít tham khảo ý kiến của các chuyên gia, nhà tuyển dụng cũng như khảo sát nhu cầu thực tế của người lao động. Từ đó nội dung học chưa thực sự hữu dụng cho sinh viên để có thể giao tiếp nơi công sở hoặc trình bày văn bản bằng tiếng Anh" - TS Cường nhận định.
TS Vũ Hồng Vận - Trưởng khoa Khoa học cơ bản, Phân hiệu Trường ĐH Giao thông Vận tải tại TP HCM - cho biết: "Nhiều giảng viên hài lòng với biệt danh "tiến sĩ gây mê" và cho rằng việc dạy kỹ năng, dạy tiếng Anh là chuyện của người khác, việc của họ chỉ là dạy kiến thức".
Không nên sử dụng chương trình do người Việt soạn
TS Phạm Huy Cường cho rằng nâng cao năng lực tiếng Anh phụ thuộc vào 3 yếu tố: người học (bao gồm cả ý thức, thái độ); chương trình giảng dạy (theo ông Cường thì chương trình không nên là chương trình do người Việt biên soạn vì có nhiều bất cập), sau nữa là môi trường (tiếng Anh là sinh ngữ nên phải có môi trường thì nó mới sống và phát triển được). Ông Cường cho rằng nâng cao khả năng tiếng Anh cho sinh viên là quá trình diễn tiến (evolution) chứ không nên là cuộc cách mạng (revolution) vì nó phải thay đổi dần chứ không thể ngày một ngày hai.
PGS-TS Nguyễn Hữu Huy Nhật, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP HCM, thông tin Trường ĐH Kinh tế TP HCM đã xây dựng và áp dụng chương trình quốc tế cho toàn bộ chương trình đào tạo đại trà. Giảng dạy bằng tiếng Việt nhưng sử dụng giáo trình quốc tế. Các giáo trình này sẽ được dịch có bản quyền sang tiếng Việt cho năm 1 và năm 2 của bậc ĐH; năm thứ 3, 4 và bậc thạc sĩ sẽ sử dụng trực tiếp giáo trình gốc (tiếng Anh). Theo PGS Nhật, chìa khóa hội nhập là dạy những gì các trường ĐH hàng đầu thế giới đang dạy và dạy theo phương pháp mà họ đang sử dụng.
Học tiếng Anh để giảm thất nghiệp TS Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, cho rằng đào tạo ngoại ngữ là nhiệm vụ quan trọng trong bối cảnh hội nhập, đồng thời đó là một quá trình và cần đổi mới chương trình dạy ngoại ngữ không chuyên. Về phía người học, ông bày tỏ thái độ coi trọng công tác hướng nghiệp của sinh viên: "Sinh viên nên chọn đúng ngành đúng nghề vì "ảo" trong việc xác định sai ngành nghề gây lãng phí lớn cho bản thân và xã hội cũng là một trong những nguyên nhân làm nên con số cử nhân thất nghiệp hoặc làm không đúng ngành nghề như hiện nay". |