Giữa mùa dịch, nhiều nơi vẫn sốt đất

Chuyên gia dự báo sốt đất cục bộ sẽ ít và nhanh hạ nhiệt, thị trường chỉ dành cho những sản phẩm giá trị phục vụ nhu cầu ở thực.

Thị trường bất động sản (BĐS) từ đầu năm đến nay đang gặp rất nhiều khó khăn, giao dịch trầm lắng, nhiều công ty tạm ngừng hoạt động, các sàn giao dịch đóng cửa do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Thế nhưng điều ngạc nhiên là ở một số địa phương vẫn xảy ra sốt đất cục bộ, nhà đầu tư kéo về không ngớt.

Những cơn sốt đất ảo

Thời gian gần đây, thị trường bất ngờ xuất hiện những cơn sốt đất tại một số địa phương, thu hút nhiều nhà đầu tư từ các nơi đổ về tìm kiếm cơ hội.

Cơn sốt đất đầu tiên xuất hiện ở khu vực huyện Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu) với tâm bão là xã Bình Ba. Các nhà đầu tư từ TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương… đã đổ về quốc lộ 56, xã Bình Ba để hỏi mua đất khiến giá bán tăng lên từng ngày, thậm chí từng giờ.

Nếu trước tết, giá đất mặt tiền quốc lộ 56 chỉ 70 - 80 triệu đồng mỗi mét ngang thì thời điểm cuối tháng 2, đầu tháng 3 đã bị thổi lên tới 300 - 400 triệu đồng, thậm chí có nơi 500 triệu đồng.

Khởi nguồn cơn sốt là từ việc UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ra văn bản đồng ý để một tập đoàn nghiên cứu, khảo sát thực hiện hai dự án lớn tại xã Bình Ba và thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức.

Mặc dù chưa có gì rõ ràng, dự án còn chưa được phê duyệt nhưng nhiều người vẫn lao vào “xí chỗ”. Để ổn định tình hình, UBND huyện Châu Đức đã ra văn bản khuyến cáo người dân. Rất may, cơn sốt này chỉ diễn ra trong khoảng hai tuần rồi hạ nhiệt. Hình ảnh ô tô đậu hàng dài dọc quốc lộ 56 không còn, cò đất, nhà đầu tư tự rút lui nhanh chóng.

Mới đây, vào cuối tháng 3, một cơn sốt đất cũng bùng phát ở huyện Thạch Thất (Hà Nội). Nguyên nhân cũng bắt nguồn từ thông tin một tập đoàn đề nghị huyện Thạch Thất cho phép xây dựng hai khu đô thị tại đây.

Hàng trăm nhà đầu tư, cò đất xuất hiện mua bán đất, thổi giá từng ngày. Giá đất trước khi sốt chỉ 6 - 9 triệu đồng/m2, thời điểm sốt cò đẩy lên đến 12 - 20 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, cơn sốt này cũng chỉ kéo dài không quá 10 ngày rồi nhanh chóng hạ nhiệt khi chính quyền địa phương cho biết chưa nhận được bất cứ văn bản hay chỉ đạo nào của TP phê duyệt xây dựng khu đô thị.

Giữa mùa dịch, nhiều nơi vẫn sốt đất - Ảnh 1.

Cảnh người, xe nườm nượp trong đợt sốt đất ở xã Bình Ba, huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu. (Ảnh: Quang Huy).

Các cơn sốt không có cơ sở bền vững

Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư BĐS Việt An Hòa, cho biết sốt đất cục bộ đôi khi vẫn xảy ra dù trong thời điểm thị trường đang đóng băng.

Qua tìm hiểu thì các cơn sốt bắt nguồn từ những thông tin mù mờ, không rõ ràng nhưng vẫn kích thích sự ham muốn đầu tư của một nhóm người có tích lũy tài chính. Nguyên nhân thứ hai là do giá trị BĐS ở những khu vực này thường nhỏ, giá đất còn thấp so với nhiều khu vực khác. Khoản đầu tư dễ chấp nhận, khoảng trên dưới 1 tỉ đồng khiến nhà đầu tư hứng thú.

“Tuy nhiên, những cơn sốt này thường tan rất nhanh, chỉ dành cho những nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm, đầu tư ít, chấp nhận rủi ro cao. Nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ không làm như vậy”, ông Quang nói.

Đặc điểm chung các cơn sốt đất trên là mang tính một chiều, bởi giao dịch thật không nhiều mà chỉ do nhóm đầu cơ tự thổi giá với nhau nhằm tạo sóng. Bên cạnh đó, ông Quang cho rằng nhà đầu tư nay đã tỉnh táo và cảnh giác hơn trước các cơn sốt. Cộng thêm sự vào cuộc kịp thời của chính quyền khiến tình hình không trở nên phức tạp.

Ông Nguyễn Tuấn Kiệt (quận Tân Bình, TP HCM), một nhà đầu tư BĐS lâu năm, cho rằng sốt đất vẫn xuất hiện chứng tỏ BĐS vẫn là kênh đầu tư nhiều người nhắm đến.

Theo ông Kiệt, chỉ cần có thông tin sắp có dự án thì các cò đất sẽ ngay lập tức chớp thời cơ thổi giá. Tuy nhiên, việc duy trì đà tăng trưởng cần phải có nhu cầu ở thực. Trong khi đó, nhu cầu mua để ở tại những địa phương nhỏ còn thấp nên sóng không thể duy trì lâu.

“Nhà đầu tư cần lưu ý tìm hiểu về thông tin từ chính quyền địa phương, pháp , qui hoạch của khu vực ấy. Đồng thời phải so sánh mặt bằng giá khu vực xung quanh, khảo sát hạ tầng giao thông, tiện ích trước khi đầu tư, không nên nghe lời nói miệng của người làm môi giới”, ông Kiệt khuyến cáo.



Nhiều cơ hội cho người mua nhà

Chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang phân tích: Dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến thị trường BĐS rất lớn, không chỉ khó khăn cho chủ đầu tư mà cả những nhà đầu tư cá nhân, người mua nhà không đủ khả năng tài chính. Trong thời gian dịch bệnh, giá BĐS nhìn chung sẽ có xu hướng tiến gần nhất về giá trị thực. Vì vậy, đây sẽ là cơ hội tốt cho những người có nhu cầu mua nhà để ở thực, chứ không dành cho các nhà đầu tư lướt sóng.

Ông Quang dự đoán phân khúc đất vườn, đất nền có sổ cũng sẽ là xu hướng sắp tới của nhiều nhà đầu tư trong thời điểm cuối và sau dịch.

chọn
Incomex thoát lỗ 2024 nhờ khoản lãi đột biến, đang bắt tay với công ty con BIM Group làm dự án ở Vĩnh Phúc và Long Biên
Quý IV/2024, Incomex bất ngờ ghi nhận khoản lợi nhuận khác 5,7 tỷ đồng, nhờ đó thoát lỗ trong năm 2024. Doanh nghiệp hiện đang bắt tay với Catalan Land để hồi sinh dự án Xuân La, đồng thời hợp tác với công ty con của BIM Group đầu tư hai dự án bất động sản ở TP Phúc Yên và quận Long Biên.