Hà Nội phấn đấu hoàn thành 70% khối lượng giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4 trong tháng 6/2023

TP Hà Nội đã phê duyệt và thu hồi đất được 314,32 ha, đạt 39,45%. Tổng số tiền đã phê duyệt trên địa bàn thành phố là hơn 2.713 tỷ đồng.

Một đoạn vành đai 4 sẽ mở qua huyện Mê Linh, TP Hà Nội. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ)

Chiều 14/3, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đã chủ trì buổi làm việc với Ban Chỉ đạo triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn thành phố về tình hình triển khai dự án.

Báo cáo tiến độ triển khai dự án tại Hà Nội, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết, thực hiện việc giải phóng mặt bằng, đến nay thành phố đã di chuyển được 5.448 ngôi mộ, đạt 49,93%. Thành phố cũng đã phê duyệt và thu hồi đất được 314,32 ha, đạt 39,45%. Tổng số tiền đã phê duyệt trên địa bàn thành phố là hơn 2.713 tỷ đồng.

Đối với diện tích thu hồi, huyện Sóc Sơn đã thu hồi được 38,96/48,23 ha; huyện Mê Linh 48,20/145,66 ha; huyện Đan Phượng 33,15/74,80 ha; huyện Hoài Đức 85,70/239,63 ha; quận Hà Đông 19,71/66,97 ha; huyện Thanh Oai 37,70/86,94 ha; huyện Thường Tín 50,90/134,54 ha.

Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án thành phần 1.1, 2.1 và dự án thành phần 3 trước ngày 20/3. Đồng thời, tập trung đôn đốc triển khai giải phóng mặt bằng bảo đảm tiến độ hoàn thành 70% khối lượng trong tháng 6/2023.

Ban Chỉ đạo sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án thành phần 1.1, 2.1 và dự án thành phần 3, phấn đấu xong trước ngày 20/3 tới; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải về việc thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 3.

Ban Chỉ đạo cũng sẽ phối hợp với các bộ, các tỉnh lân cận, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương xử lý các vướng mắc liên quan đến việc triển khai đối với các hạng mục sử dụng vốn đầu tư công trong dự án thành phần 3 (tiểu dự án đầu tư công trong dự án PPP); lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thành phần 3; giải quyết các khó khăn, vướng mắc về vật liệu và đổ thải; rà soát các mỏ vật liệu xây dựng để bảo đảm nguồn cung cấp cho dự án...

Tại buổi làm việc, các cơ quan, đơn vị và 7 quận, huyện có dự án đi qua đã thảo luận, giải đáp những vấn đề còn có cách hiểu khác nhau; thống nhất các giải pháp, hướng dẫn cách giải quyết các trường hợp cụ thể trong giải phóng mặt bằng ở các địa phương và các hạn chế tồn tại liên quan...

Phát biểu chỉ đạo và kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh các nguyên tắc về bố trí vốn giải phóng mặt bằng, bảo đảm đúng nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Chính phủ và quy định pháp luật. Riêng về vốn giải phóng mặt bằng thì chỉ diện tích thuộc chỉ giới dự án đường Vành đai 4 mới được sử dụng vốn của dự án này.

Đối với việc lựa chọn nhà thầu cho dự án thành phần, theo ông Đinh Tiến Dũng, quá trình thực hiện phải đúng các quy định và trên tinh thần “chọn mặt gửi vàng”, lựa chọn nhà thầu có năng lực thực sự.

Về việc triển khai phương án tái định cư, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các quận, huyện tiếp tục xác định rõ mục tiêu là bố trí nơi ở mới cho các hộ thuộc diện tái định cư ở địa điểm đất đấu giá. Khi thực hiện các chính sách đền bù, hỗ trợ, phải bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng và vận dụng tối đa theo quy định cho người dân; bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch, công bằng.

Đối với vấn đề mỏ vật liệu để bảo đảm nguồn phục vụ dự án, Ban Chỉ đạo khi thực hiện phải vừa bảo đảm trữ lượng các mỏ, vừa bảo đảm năng lực khai thác.

Trong quá trình thực hiện dự án, lãnh đạo các quận, huyện cần sát sao với công việc tại cơ sở, tăng cường kiểm tra, giám sát, chú ý bảo đảm đúng quy định pháp luật trong xác định nguồn gốc và diện tích đất ở.

Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu từng thành viên Ban Chỉ đạo triển khai dự án trên địa bàn thành phố Hà Nội, lãnh đạo các cấp, các ngành tiếp tục vào cuộc với ý chí quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao nhất; coi kết quả thực hiện dự án là danh dự, là trách nhiệm của bản thân. Khi thực hiện, các cấp, các ngành và từng cá nhân phải sâu sát cơ sở, bảo đảm liên thông trên tinh thần “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”; bảo đảm tiến độ đề ra, có vướng mắc vượt thẩm quyền phải báo cáo ngay.

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, có quy mô chiều dài 112,8 km đi qua địa bàn thành phố Hà Nội và hai tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh; trong đó, đoạn đi qua địa bàn thành phố Hà Nội dài 58,2 km. Tổng mức đầu tư dự án là 85.813 tỷ đồng với tiến độ chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.