Hà Nội sẽ làm Vành đai 3 qua huyện Đông Anh với gần 7.700 tỷ đồng, khởi công cuối 2025

Đường Vành đai 3 TP Hà Nội đoạn qua địa bàn huyện Đông Anh có tổng chiều dài khoảng 15 km, đi qua 9 xã thuộc huyện Đông Anh, với tổng mức đầu tư gần 7.700 tỷ đồng.

Vừa qua, Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng huyện Đông Anh đã công bố Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án thành phần 2: Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua địa bàn huyện Đông Anh.

Đường Vành đai 3 TP Hà Nội có tổng chiều dài khoảng 68 km. Hiện nay đã đầu tư xây dựng được 54 km đoạn tuyến từ Nội Bài - Quang Minh - Cầu Thăng Long - Linh Đàm - Thanh Trì - Phù Đồng - Việt Hùng.

Đoạn tuyến từ Việt Hùng (từ cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên) đến đường Võ Văn Kiệt dài khoảng 14km chưa được đầu tư xây dựng.  Tuyến đường sẽ kết nối các trục hướng tâm, phân luồng giao thông từ xa, giúp giảm ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô.

Vành đai 3 đoạn qua địa bàn huyện Đông Anh được HĐND TP Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 4/7/2023. Theo đó dự án được phân chia thành hai dự án thành phần, trong đó có dự án thành phần 2: Đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 3 đoạn qua địa bàn huyện Đông Anh .

 Đoạn Vành đai 3 TP Hà Nội hiện hữu. (Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân).

Dài khoảng 15 km, đi qua 9 xã của huyện Đông Anh

Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh (chủ dự án), tuyến có tổng chiều dài khoảng 15 km, đi qua 9 xã thuộc huyện Đông Anh, TP Hà Nội, cụ thể gồm xã Liên Hà, Việt Hùng, Uy Nỗ, thị trấn Đông Anh, Tiên Dương, Vân Nội, Dục Tú, Bắc Hồng, Nam Hồng.

Điểm đầu tuyến nằm tại nút giao với đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên; điểm cuối nằm tại nút giao với đường Võ Văn Kiệt.

 Bản đồ hướng tuyến của Vành đai 3 đoạn qua huyện Đông Anh. (Ảnh chụp từ văn bản).

Về hiện trạng quản lý, sử dụng đất của dự án,  tổng diện tích đất cần thu hồi trong khu vực dự án là khoảng 119 ha, trong đó, đất nông nghiệp chiến 81 ha; đất phi nông nghiệp chiếm hơn 38 ha.

Khu vực dự án có khoảng 521 hộ bị ảnh hưởng do thu hồi đất ở, 516 hộ bị ảnh hưởng do thu hồi đất nông nghiệp. Các hộ chủ yếu là sinh sống lâu đời trên địa bàn, mỗi nhà có 2 - 3 thế hệ và trung bình khoảng 4 - 6 người/hộ.

Tổng mức đầu tư gần 7.700 tỷ đồng, dự kiến khởi công cuối năm sau

Về quy mô xây dựng dự án, đường phố chính đô thị chủ yếu (cấp đô thị) có quy mô 6 làn xe x 3,75 m = 22,5 m. Tốc độ thiết kế 80 km/h; đường phố gom chủ yếu (cấp khu vực) có quy mô 3 làn xe x 3,5 m = 21 m. Tốc độ thiết kế 60 km/h.

Riêng đối với đoạn khu vực chùa Thượng Phúc và ga Bắc Hồng: theo điều tra hiện trạng, giáp phía Nam tuyến đường hiện có chùa Thượng Phúc là công trình tôn giáo, tín ngưỡng của địa phương.

Do đó, để hạn chế tối đa việc chỉ giới đường đỏ cắt vào phạm vi đất của chùa và đảm bảo tuyến đường nằm ngoài phạm vi bảo vệ đường sắt, cần thu hẹp cục bộ vỉa hè trên đoạn tuyến này. Tổng bề rộng mặt cắt ngang từ 61 - 64 m.

Đây là dự án nhóm A, loại công trình giao thông cấp đặc biệt. Tổng mức đầu tư của dự án này hơn 7.690 tỷ đồng, trong đó, chi phí GPMB là 2.277 tỷ đồng; chi phí xây dựng hơn 4.435 tỷ đồng; chi phí quản lý 262 tỷ đồng và chi phí dự phòng hơn 716 tỷ đồng. 

Về tiến độ, tuyến đường này được dự kiến khởi công vào quý IV/2025, dự kiến hoàn thành quý III/2028.

Xây dựng 6 cầu, 4 nút giao

Tuyến Vành đai 3 đoạn qua huyện Đông Anh sẽ xây dựng 6 cây cầu, trong đó, có ba cầu vượt trên tuyến chính và ba cầu vượt ngang.

Ba cầu vượt trên tuyến chính bao gồm cầu vượt đường sắt 1 với hai dầm, dài lần lượt 171 m và 180 m; cầu vượt đường sắt 2 với hai dầm, dài lần lượt 170 m và 202 m; cầu vượt đường sắt 3 với hai dầm dài lần lượt 170 và 202 m.

Ba cầu vượt ngang bao gồm cầu vượt ngang cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, dài khoảng 581 m; cầu vượt ngang quốc lộ 3 cũ, dài khoảng 441 m và cầu vượt ngang đường Võ Văn Kiệt, dài khoảng 130 m.

Cùng với đó, tuyến cũng sẽ xây dựng 4 nút giao, bao gồm nút giao với đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, với hiện trạng nút giao là khu vực đồng ruộng thuận lợi cho việc xây dựng nút giao.

Thiết kế nút giao dạng hoa thị hoàn chỉnh sử dụng nhánh rẽ trái trực tiếp (trên nhánh Thái Nguyên đi nút giao Ninh Hiệp), trong đó có nhánh rẽ trái hướng Thái Nguyên – Ninh Hiệp được thiết kế dạng bán trực tiếp với tốc độ thiết kế 80 km/h để ưu tiên cho hướng giao thông quan trọng.

Do trong giai đoạn 1 chưa đầu tư Nhánh kết nối về cầu Tứ Liên, do đó sẽ phân kỳ đầu tư chưa đầu tư các nhánh kết nối với cầu Tứ Liên. Trong giai đoạn chưa đầu tư đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh cũng chưa đầu tư cầu vượt đường sắt trên nhánh từ Ninh Hiệp đi Thái Nguyên.

Nút giao với đường quốc lộ 3 cũ nằm trong khu vực dân cư đông đúc. Phía bắc nút giao có tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cái nằm cách tim đường Vành đai 3 khoảng 250 m. Tuyến đường sắt hiện trạng đang giao bằng với đường quốc lộ 3 cũ.

Thiết kế nút giao dạng hoa thị hoàn chỉnh. Trong đó bố trí cầu vượt trên quốc lộ 3 cũ vượt đồng thời đường Vành đai 3 và đường sắt Yên Viên - Lào Cai.

Nút giao với đường Võ Nguyên Giáp giao cắt với đường Võ Nguyên Giáp đã được xây dựng. Trong đó cầu vượt trên đường Võ Nguyên Giáp đã được xây dựng để vượt qua đường Vành đai 3 và đường sắt Yên Viên - Lào Cai (nằm cách đường Vành đai 3 khoảng 135 m).

Theo quy hoạch có tuyến đường sắt đô thị số 2 nằm giữa đường gom và đường chính đường Võ Nguyên Giáp. Tuyến đường sắt đô thị số 2 cũng được thiết kế cầu vượt để vượt qua đường Vành đai 3 và đường sắt Yên Viên - Lào Cai.

Thiết kế nút giao dạng Bán hoa thị để không ảnh hưởng đến ga Bắc Hồng theo quy hoạch và tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai. Bố trí đường vành đai 3 chui xuống dưới cầu vượt hiện trạng đường Võ Nguyên Giáp.

Cuối cùng là nút giao với đường Võ Văn Kiệt tại vị trí nút giao tuyến đường Vành đai 3 đi song song với đường sắt Yên Viên – Lào Cai, nằm cách tuyến đường sắt khoảng 70 m về phía nam. Tuyến đường Võ Văn Kiệt đã được xây dựng trong đó đã bố trí một cầu vượt qua đường sắt hiện tại với chiều dài 12 m.

Thiết kế nút giao dạng bán hoa thị để không ảnh hưởng đến khu công nghiệp Quang Minh, đường sắt Yên Viên - Lào Cai và tuyến đường sắt đô thị số 6 (quy hoạch). Thiết kế cầu vượt trên đường Võ Văn Kiệt vượt qua cả đường Vành đai 3 và đường sắt quy hoạch. Đường vành đai 3 được thiết kế đi dưới thấp.

Đông Anh cùng với Mê Linh và Sóc Sơn được quy hoạch là thành phố phía Bắc Hà Nội

Theo Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, thành phố phía Bắc sẽ gồm toàn bộ địa giới hành chính các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn với tổng diện tích khoảng 633 km2. Trong đó, đất xây dựng đô thị khoảng 385 km2, khu vực ngoại thị khoảng 248 km2 với 45 phường và 24 xã.

Theo định hướng, thành phố phía Bắc Hà Nội sẽ là đô thị hiện đại, thông minh, năng động, khai thác phát huy tối đa tiềm năng của sân bay Nội bài, vị trí giao thoa giữa trục kinh tế Đông - Tây và Bắc Nam của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Đồng thời, đây là thành phố xanh - sạch - thông minh, làm đối trọng và bổ trợ cho đô thị trung tâm kết nối thông qua không gian trục cảnh quan sông Hồng.  

Nhằm bổ trợ cho quy hoạch thành phố phía Bắc Hà Nội, bên cạnh tuyến Vành đai 3, huyện Đông Anh cũng có loạt dự án hạ tầng giao thông như xây dựng tuyến đường gom quốc lộ 3 (mới) qua UBND xã Vân Hà đến hết địa phận Đông Anh (dài 1,8 km; rộng 40 m; 278 tỷ đồng); xây dựng tuyến đường từ Hoàng Sa đến đường sắt Hà Nội - Lào Cai (3,7 km; rộng 50 m; 1.239 tỷ đồng).

Xây dựng tuyến đường LK50, đoạn từ quốc lộ 3 cũ đến đường Thư Lâm (dài 5,9 km; rộng 50 m; 1.303 tỷ đồng); xây dựng tuyến đường LK51 đoạn từ quốc lộ 3 mới đến đường Uy Nỗ (dài 5,7 km; rộng 40 m; 1.168 tỷ đồng).

Xây dựng tuyến đường LK53 đoạn từ đường kinh tế miền Đông (bốt cầu Tây) đến hết địa phận huyện Đông Anh (dài 1,3 km; rộng 25 - 40 m; 261 tỷ đồng); xây dựng tuyến đường LK54 kết khu tái định cư cầu Nhật Tân đến đường LK53 (dài 3,8 km; rộng 40 m; 1.204 tỷ đồng).

Xây dựng tuyến đường LK47 Nam Hồng - Tiên Dương, đoạn từ Võ Nguyên Giáp đến Võ Văn Kiệt (dài 4,5 km; rộng 30 - 40 m; 886 tỷ đồng); xây dựng tuyến đường từ CCN Nguyên Khê đến thôn Phù Liễn, xã Bắc Hồng (dài 3,8 km; rộng 25 - 40 m; 662 tỷ đồng).

Xây dựng tuyến đường từ đường sắt Hà Nội - Lào Cai đến KCN Đông Anh (dài 2,9 km; rộng 50 m; 601 tỷ đồng); xây dựng tuyến đường từ cầu Lộc Hà đến khu tái định cư Cổ Loa (dài 5,5 km; rộng 40 m; 960 tỷ đồng).

Ngoài ra, giai đoạn 2023 - 2027, huyện dự chi 800 tỷ đồng xây dựng 3 tuyến đường ngoài hàng rào kết nối với Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (tuyến 1, tuyến 2, tuyến 3). Tuyến thứ nhất có tổng chiều dài của tuyến là gần 2 km, chạy qua địa phận các xã Kim Chung và Võng La. Tuyến thứ hai có chiều dài khoảng 2,9 km, nằm trên địa phận các xã Hải Bối và Võng La. Tuyến thứ ba có chiều dài khoảng 0,94 km, nằm trên địa phận các xã Đại Mạch và xã Võng La...