Hàng trăm tỉ đồng 'khơi thông' đường về miền Tây, Tết này liệu hết kẹt xe?

Quốc lộ 1, quốc lộ 60 là tuyến đường quan trọng nối giữa TP HCM và các tỉnh miền Tây. Nhiều năm qua đường xuống cấp, cầu hẹp chưa được sửa, nâng cấp nên thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe vào những ngày cuối tuần, dịp lễ tết.

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã chi hàng trăm tỉ đồng cho việc nâng cấp, mở rộng, khơi thông các nút "thắt cổ chai" trên hai tuyến đường này.

Ám ảnh kẹt xe

Nhớ lại chuyến về quê dịp tết năm rồi, anh Nguyễn Thanh Toàn (37 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long) vẫn còn rùng mình. Khi đó, cả gia đình anh phải phơi giữa trưa nắng hàng giờ đồng hồ trên quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Tiền Giang vì kẹt xe.

"Dù mấy đứa nhỏ rất thích về quê nhưng sau chuyến đi khốn khổ đó, tôi không dám về quê bằng xe máy thêm lần nào nữa. Từ TP HCM về Vĩnh Long bình thường chỉ mất khoảng ba tiếng, nhưng đợt đó phải mất hơn năm tiếng gia đình tôi mới tới nhà. Quá kinh khủng!" - anh Toàn kể lại.

Trên quốc lộ 1 về miền Tây có khoảng 100km đường qua tỉnh Tiền Giang luôn là nỗi ám ảnh của cả tài xế ôtô lẫn xe máy. Bởi đoạn đường này liên tục có những cây cầu hẹp, mặt đường bị bong tróc nhiều chỗ, không đèn đường, không cống thoát nước.

Tương tự, trên quốc lộ 60, đoạn đi qua địa bàn tỉnh Bến Tre cũng quá chật hẹp so với lượng xe cộ đang tăng mạnh từng ngày.

Hàng trăm tỉ đồng khơi thông đường về miền Tây, Tết này liệu hết kẹt xe? - Ảnh 1.

Xe cộ chen chúc trên quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Tiền Giang vào một ngày cuối tuần (Ảnh: MẬU TRƯỜNG)

Ngoài điểm kẹt xe "truyền thống" trên cầu Rạch Miễu, quốc lộ 60 đoạn qua thị trấn Mỏ Cày hay đoạn đường dẫn lên cầu Cổ Chiên cũng đang bị xuống cấp nghiêm trọng, dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông.

Hơn 300 tỉ đồng khơi thông ách tắc

Chia sẻ về những bức bối trên, ông Trần Thanh Nam, phó cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), cho biết mới đây Bộ GTVT đã chi khoảng 300 tỉ đồng để giải quyết các điểm nghẽn giao thông trên quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Tiền Giang, Long An.

"Hiện cơ quan chức năng đang lắp đặt hệ thống thoát nước dọc hai bên quốc lộ 1 đối với những đoạn bị ngập. Bên cạnh đó, mặt đường quốc lộ cũng được sửa chữa, thảm nhựa lại để giao thông được êm thuận. Riêng phần này có tổng kinh phí khoảng 110 tỉ đồng" - ông Nam nói.

Trước đó, Ban quản lý dự án 7 (Bộ GTVT) cũng đã khởi công dự án xây dựng mở rộng 4 cầu trên quốc lộ 1 (tỉnh Tiền Giang) gồm cầu Rượu, cầu Sao, cầu Mỹ Quý và cầu Rạch Miễu từ 12,5m lên 20,5m cho 6 làn xe lưu thông.

Những cây cầu này luôn là nỗi ám ảnh của giới tài xế ôtô về thời gian qua bởi cầu hẹp, chỉ đủ cho hai chiếc xe tránh nhau qua cầu. Từ đó tạo thành nút "thắt cổ chai", gây tình trạng kẹt xe liên tục.

Dự kiến việc mở rộng những cây cầu trên sẽ hoàn thành trong năm 2020. Kinh phí cho việc mở rộng 4 cây cầu nói trên khoảng 200 tỉ đồng. Sau khi mở rộng những cây cầu này, một số cây cầu khác như Bà Đắc, An Cư, Thông Lưu, Bà Lâm và Mỹ Đức Tây trên quốc lộ 1 cũng sẽ được mở rộng.

Theo một lãnh đạo Ban quản lý dự án 7 (Bộ GTVT), trong dịp Tết Nguyên đán 2020 sắp tới, việc kẹt xe tại những cầu hẹp vẫn có thể xảy ra bởi việc thi công chưa hoàn thiện do bị vướng mặt bằng. "Chúng tôi sẽ phấn đấu cho xe chạy tạm trên làn mới làm ở cầu Rượu, còn những cầu khác thì chưa xong" - vị lãnh đạo này nói.

Trong khi đó, theo ông Cao Văn Phong - chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Bến Tre, hiện dự án mở rộng 4 đoạn trên quốc lộ 60 đang trong giai đoạn hoàn thành và sẽ đẩy nhanh tiến độ để kịp phục vụ người dân dịp Tết cổ truyền 2020.

"Riêng việc khắc phục những hư hỏng trên đường dẫn lên cầu Cổ Chiên, chúng tôi đã đốc thúc đơn vị thi công hoàn thiện trước Tết Nguyên đán 2020" - ông Phong cho hay.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.